Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đe doạ: Dân khẳng định 'cát tặc' có bảo kê

Thời sựThứ Bảy, 18/03/2017 07:55:00 +07:00

Trong khi Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh phải cầu cứu Thủ tướng Chính phủ vì "cát tặc" lộng hành, người dân huyện Yên Dũng, Bắc Giang cũng tố cáo có tình trạng bảo kê cho "cát tặc".

Sau khi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh phải gửi công văn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ về thực trạng cát tặc lộng hành trên sông Cầu, phóng viên VTC News đã tới khu vực đại bản doanh của những đơn vị đang khai thác cát trên sông Cầu.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, các tàu hút cát đã “án binh bất động” trước sự lên tiếng mạnh mẽ của Chính phủ, chính quyền tỉnh Bắc Ninh và sự bức xúc của người dân 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Hầu hết, những tàu hút cát tập kết bên phía bờ thuộc xã Thắng Cương, Huyện Yên Dũng, đối diện với tuyến đê phải vá nham nhở, thuộc địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Theo người dân xã Thắng Cương, nhiều năm nay họ rất bức xúc với vấn nạn "cát tặc" lộng hành trên đoạn sông Cầu này.

tauhutcatsatchande-1

Tàu hút cát ngay sát chân đê. (Hình ảnh người dân cung cấp)

Người dân cho biết, trước khi Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh lên tiếng việc bị gọi điện, nhắn tin đe dọa thì có lúc trên con sông tập trung 40 - 50 tàu trọng lượng 1.000 tấn, áp sát chân đê hút cát gây sạt lở đất, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Ông Đặng Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Võ (Bắc Ninh) cũng cho biết, đầu tháng 3/2017, ngay sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam ra văn bản thực hiện dự án nạo vét đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu thì tại các xã Quế Tân, Việt Thống, Phù Lãng (Quế Võ, đối diện với xã Thắng Cương, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) có khoảng 60 tàu hút cát tập kết ồ ạt tổ chức hút cát lòng sông Cầu.

Ông Phạm Văn Điện (thôn Thắng Lợi Hạ, xã Thắng Cương, Yên Dũng, Bắc Giang) bức xúc: “Chắc chắn có bảo kê từ cấp xã trở lên, bởi vì khi người dân chúng tôi chống trả quyết liệt để bảo vệ quyền lợi của mình thì có một cuộc điện thoại từ đâu đến các thuyền cát lại tự đi hết. Nhưng sau một vài hôm chúng lại quay lại. Nếu nhà nước cho khai thác đúng thì họ (tàu khai thác cát – PV) không bao giờ phải bỏ chạy.”

1

 Ông Điện (bên phải) khẳng định có bảo kê cho "cát tặc" lộng hành. (Ảnh: Đức Thuận)

Cuộc chiến của người dân xã Thắng Cương với cát tặc để bảo vệ đất, bảo vệ môi trường nhiều khi còn phải đổi bằng máu.

Anh Phạm Văn Đương (làm nghề đánh cá trên sông Cầu) cho biết: “Có lần 2 vợ chồng anh đuổi cát tặc thì bị các đối tượng cầm dao, kiếm định sang thuyền để đe dọa. Thậm chí, chúng còn dùng xã hội đen để khủng bố. Nhưng vì cuộc sống nên người dân ở đây phải bảo vệ đê điều của mình".

Cung cấp thêm thông tin về việc "cát tặc" được bảo kê, ông Phạm Văn Đỉnh cho biết: “Cứ mỗi lần có báo chí hay đoàn kiểm tra thì các tàu cát lại im ắng, chắc chắn có người báo trước. Nhưng nói thật là cứ độ 3 rưỡi sáng là có 8 – 10 tàu, có hôm có 15 cái ép sát chân đê hút cát. Để bảo vệ đê, người dân phải dùng gạch đá, chai lọ thủy tinh để xua đuổi tàu hút cát ra xa.”

Ông Nguyễn Văn Thất - Trưởng thôn Thắng Lợi Hạ nói: “Đúng ra phải nói là họ (công ty khai thác cát – PV) mượn danh nghĩa nạo vét để khai thác cát bất hợp pháp. Còn về việc nạo vét thì có, tôi có nhận được công văn của Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho nạo vét, nhưng việc nạo vét ở đây không phải là nạo vét mà mượn danh nghĩa để hút cát trái phép".

Người dân ở xã Thắng Cương cho rằng, việc hút cát là siêu lợi nhuận bởi mỗi thuyền hơn 1.000 m3.

"Mỗi ngày 40 – 50 tàu hút cát thì không biết bao nhiêu tỷ đồng bị thất thoát", một người dân xã Thắng Cương chia sẻ.

20170316_153818

Lúc cao điểm có hàng chục tàu hút cát hoạt động trên sông Cầu. (Ảnh Đức Thuận)

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Xuân Hiếu - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quế Võ, Bắc Ninh đánh giá, việc khai thác cát trái phép là hoạt động siêu lợi nhuận nên các đối tượng rất manh động.

Cũng theo ông Hiếu, năm 2014, Cục ĐTNĐ - Bộ GTVT đã chấp thuận dự án nạo vét duy tu luồng ĐTNĐ quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu, đoạn chảy dọc 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Dự án này do Cục ĐTNĐ Việt Nam làm chủ đầu tư.

Ngày 1/3/2016, vị trí K74+400 – K74+500 đê hữu sông Cầu thuộc địa phận huyện Quế Võ xảy ra sạt lở với chiều dài 50m, ăn sâu vào bãi 5m-10m. Toàn tuyến đê có 3 vị trí sạt lở nghiêm trọng nên tỉnh Bắc Ninh đã phải chi 30 tỷ đồng để xử lý sự cố.

Nguyên nhân của việc sạt lở là do chân đê yếu vì bị rỗng do dòng chảy và tình trạng khai thác cát trái phép.

Video: Hiện trường dự án hút cát mà Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh yêu cầu dừng triển khai

Theo thông tin từ UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang), Công ty cổ phần trục vớt luồng Hạ Lưu là đơn vị được Bộ GTVT cấp phép khơi thông tuyến sông này theo hình thức xã hội hóa, trong đó có khống chế 1 năm chỉ được tận thu khai thác khoảng 38.000 m3 cát.

Điều này có nghĩa chỉ cần 38 tàu lớn, trọng lượng 1.000 m3 cát là đã vét hết sản lượng cát được tận thu chỉ trong 1 ngày.

Tuy vậy, những tàu hút cát vẫn miệt mài hút cả năm gây ra nhiều hậu quả cho tuyến đê và cuộc sống của người dân địa phương 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh dọc theo tuyến sông Cầu.

Vậy do đâu mà các tàu hút cát này ngang nhiên hoạt động một thời gian dài như vậy, liệu có tình trạng bảo kê từ cấp xã trở lên như người dân phản ánh, hay như trong công văn của tỉnh Bắc Ninh gửi Thủ tướng đề nghị cần làm rõ việc bảo kê cát tặc từ cấp Trung ương? 

"Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu điều tra, làm rõ vụ việc, Bộ Công an cũng xác lập chuyên án, mong rằng sự việc lần này sẽ không bị chìm xuồng", anh Nguyễn Văn Nam (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) nói.

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn