Chủ tịch ‘siêu ủy ban’ Nguyễn Hoàng Anh: Ủy ban sẽ xoay quanh sự phát triển của doanh nghiệp

Kinh tếThứ Hai, 04/02/2019 08:13:00 +07:00

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp Nhà nước cho biết, Ủy ban xác định doanh nghiệp là trung tâm và mọi hoạt động sẽ xoay quanh sự phát triển của doanh nghiệp, từ đó có đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (UBQLVNN) tại doanh nghiệp đã chính thức ra mắt trong năm 2018 với kỳ vọng sẽ thay đổi căn bản cách thức quản lý vận hành của nhiều doanh nghiệp nhà nước, quy về một mối thay vì phân tán, cũng như luôn trong tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như thời gian qua.

Z 3

 

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch UBQLVNN, Ủy ban được thành lập, nhiều kỳ vọng được đặt ra, bên cạnh đó thì cũng không ít băn khoăn về việc Ủy ban sẽ hoạt động như thế nào, làm thế nào để khối tài sản lớn của Nhà nước tại doanh nghiệp được quản lý tốt, gia tăng giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Ủy ban xác định doanh nghiệp là trung tâm và mọi hoạt động của Ủy ban sẽ xoay quanh sự phát triển của doanh nghiệp, từ đó có đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế đất nước; 4 quan điểm chính luôn được quán triệt là: hiệu quả, đúng luật, minh bạch và bền vững”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Chủ tịch UBQLV Nhà nước cho biết, trước mắt Ủy ban sẽ tập trung vào hai mảng nội dung chính là xây dựng chiến lược phát triển và triển khai các công việc liên quan đến công tác quản trị, giám sát.

Ủy ban sẽ triển khai việc xây dựng Chiến lược phát triển Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Theo đó, chiến lược được xây dựng ngoài mục tiêu đảm bảo cho nhiệm vụ bảo toàn vốn thì vấn đề phát triển vốn, phát huy sức mạnh tổng thể được ủy ban hết sức chú trọng” ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay.

 
4 quan điểm chính luôn được quán triệt là: hiệu quả, đúng luật, minh bạch và bền vững

Chủ tịch UB QLV Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh

Tại chiến lược này, ủy ban sẽ nghiên cứu trình Chính phủ xem xét phê duyệt định hướng về việc gắn kết, phát huy nguồn lực của các doanh nghiệp. Ủy ban quản lý các doanh nghiệp lớn, đa ngành, các doanh nghiệp chuyển giao về Ủy ban sẽ không còn khái niệm sở hữu chéo, đầu tư ngoài ngành với các lĩnh vực mà Ủy ban đang quản lý.

Vì vậy, các doanh nghiệp có tiềm năng, lợi thế có thể cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ/dự án cụ thể đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phát huy tối đa hiệu quả về kinh tế.

Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng của từng tập đoàn, tổng công ty và xác định nguyên nhân, giải pháp xử lý từng dự án lớn có vấn đề; đề xuất cơ chế xử lý và có lộ trình khả thi thực hiện cơ cấu lại tài sản/doanh nghiệp, tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính; gắn xử lý dự án tồn đọng với cơ cấu lại doanh nghiệp, kiện toàn cả về nhân sự và quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp tục chỉ đạo và thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo quyết định/chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng tính giám sát và thực hiện minh bạch, công bố thông tin kịp thời hơn.

Gắn thoái vốn tại các đơn vị thành viên của tập đoàn/ tổng công ty với kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn/tổng công ty về cả tài chính và tổ chức quản trị; chú trọng chất lượng và tăng trưởng hơn số lượng đơn vị... Trong đó, Ủy ban sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương xử lý các vấn đề tồn đọng hoặc phát sinh mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Về nhân lực, ông Hoàng Anh cho biết kiến nghị chính sách cán bộ và tiền lương với doanh nghiệp Nhà nước sớm áp dụng theo hướng thị trường trong 2019, phù hợp với cam kết WTO, chậm nhất 2019 Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường, góp phần tạo động lực cho sản xuất kinh doanh, khai phóng nguồn lực con người trong doanh nghiệp Nhà nước.

“Uỷ ban cũng sẽ tổ chức giám sát thường xuyên, nâng cao trách nhiệm thông tin và giải trình, gắn chặt việc giám sát, đánh giá với khen thưởng và chính sách cán bộ; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và có định hướng cụ thể về vấn đề này trong quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, Chủ tịch UBQLV nói.

Đâu là chìa khoá quyết định?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhân sự, tốc độ cổ phần hoá và cơ chế chính sách để doanh nghiệp tự thân phát triển sẽ quyết định thành công của “siêu uỷ ban”.

Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam lưu ý hai yếu tố nhân sự và tốc độ cổ phần hóa khi nói về khả năng thành công của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ông Thiên nói: “Thành công của siêu ủy ban phụ thuộc vào nhân sự nhưng tốc độ cổ phần hóa cũng chi phối khả năng thành công của ủy ban này”.

Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, điểm mấu chốt của “siêu ủy ban” là phải thúc đẩy bảo đảm cho doanh nghiệp nhà nước vận hành để cả nền kinh tế hiệu quả, để nguồn lực nhà nước được phân bổ và sử dụng hiệu quả. “Nơi nào nhà nước không cần nắm giữ phải chuyển giao cho tư nhân để nguồn lực quốc gia được phân bổ đúng chỗ, đúng lúc và hiệu quả”, ông Thiên nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhìn nhận, việc tập trung vốn nhà nước vào một cơ quan thuộc Chính phủ sẽ tránh được việc các bộ, ngành “tay phải làm chính sách, tay trái kinh doanh”, đồng thời có thể dễ dàng tiến hành các giải pháp cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, nhân sự giỏi và cơ chế chính sách giúp doanh nghiệp có khả năng tự thân phát triển mới là chìa khoá quyết định thành công của “siêu uỷ ban”. “Người lãnh đạo doanh nghiệp phải có năng lực, xây dựng chiến lược kinh doanh tốt, hiệu quả. Bên cạnh đó, người giám sát cũng phải am hiểu, có khả năng phát hiện sai sót từ trứng nước để tư vấn cho doanh nghiệp. Nhưng quan trọng là cơ chế chính sách với doanh nghiệp. Hạt nhân quyết định thành công vẫn phải là doanh nghiệp”, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá nói.

P.Dung - H.Hưng
Bình luận
vtcnews.vn