Chủ tịch Quốc hội: Phải đưa phương pháp xác định giá đất vào luật

Bất động sảnThứ Sáu, 09/06/2023 14:31:00 +07:00
(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải xây dựng rõ phương pháp xác định giá đất trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn Nghị quyết 18 quy định phải có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại không quy định rõ phương pháp xác định giá đất.

Chủ tịch Quốc hội: Phải đưa phương pháp xác định giá đất vào luật - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên thảo luận.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Đất đai khó nhất là vấn đề tài chính đất đai. Và trong tài chính đất đai khó nhất là vấn đề định giá đất. Do đó, trong luật này phải quy định về nguyên tắc xác định giá đất cũng như phương pháp xác định giá đất để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến.

“Nếu không quy định rõ phương pháp xác định giá đất trong Luật thì làm sao Quốc hội an tâm để thông qua dự án Luật này. Quan điểm của chúng tôi là Chính phủ trình vấn đề này ra, đưa vào một chương hay một vài điều trong Luật, trong đó quy định về nguyên tắc, quy định về phương pháp xác định giá đất”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cũng nhấn mạnh trong Luật phải đưa ra công cụ, phương thức nhất quán để tính giá đất.

Theo ông Vân, có một mối liên hệ giữa khảo sát đánh giá các khu vực có giá đất phức tạp với bảng giá đất. Trong trường hợp có giá vượt trội hơn thì xử lý thế nào, nhưng trong Luật chưa có lời giải cho vấn đề này.

Ví dụ tại một địa điểm khảo sát, có giá trị đất cao hơn trong bảng giá đất thì phương án xử lý thế nào? Tôi nghĩ rằng cần phải có một công cụ, phương pháp cụ thể”, ông Vân nêu ý kiến.

Ông Vân đề xuất, ở một địa điểm không xác định được giá đất tại sao không lấy giá bình quân trong 5 năm gần nhất để chia bình quân? Nếu những vùng không có nhiều quan hệ tương tác về mặt thương mại giao dịch như vùng sâu vùng xa thì có thể lấy giá trị sản xuất hàng hoá (như trồng ngô, trồng lúa..) 5 năm gần nhất cộng lại chia ra. Bên cạnh đó tính toán thêm các yếu tố giao thông, thổ nhưỡng…

Cần quy định cho thực chất, tránh hình thức

Về vấn đề lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần quy định thế nào cho thực chất, tránh chuyện lấy cho có, hình thức.

“Nếu như không đạt được tỷ lệ 100% đồng ý thì bao nhiêu % có thể ra được quyết định. Trong trường hợp người dân không đồng ý thì trường hợp nào xác định là đồng thuận và không đồng thuận”, ông Vương Đình Huệ nói, đồng thời nhấn mạnh phải quy định rõ vấn đề này.

Ngoài ra, nếu trường hợp ý kiến của nhân dân không đồng thuận với dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh hay quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì cơ quan thẩm quyền có xem xét sửa đổi nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay không; sửa đổi toàn bộ hay sửa đổi một phần; trong trường hợp bảo lưu thì trách nhiệm giải trình thế nào.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nếu không quy định cụ thể thì tính khả thi rất thấp, rất khó cho những người điều hành ở dưới.

“Cải tạo chung cư cũ mà cứ đòi 100% đồng thuận như Hà Nội thì không bao giờ làm được. Lấy ý kiến quy hoạch phải thực chất”, ông Vương Đình Huệ khẳng định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề, nếu không quy định kỹ sẽ rất khó vận hành.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là điều tất yếu. Do đó cần bổ sung quy định, nguyên tắc của việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy định các tiêu chí cơ bản để thực hiện rà soát việc điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để hạn chế việc thay đổi không cần thiết, tuỳ tiện. Quy định bổ sung chế tài xử lý với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới có đủ sức răn đe.

Doanh nghiệp hưởng lợi chênh lệch lên tới vài chục triệu/m2

Góp ý tại tổ, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cho rằng, dự thảo Luật Đất đai lần này không nêu được mục tiêu của dự án luật. Và khi dự luật không có mục tiêu sau này sẽ không thể giám sát đánh giá, đặc biệt nếu có khác nhau về cách hiểu luật thì sẽ không thể diễn giải luật đúng được vì không có mục tiêu ban đầu.

Chủ tịch Quốc hội: Phải đưa phương pháp xác định giá đất vào luật - 2

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau).

Đại biểu Minh đề nghị dự luật bổ sung vào tờ trình 3 mục tiêu:

Đầu tiên phải giảm được các khiếu kiện về đất đai khi thi hành luật. Hiện nay khiếu kiện về đất đai chiếm khoảng 60% về các khiếu kiện của dân gửi đến Ban Dân nguyện.

“Sửa đổi lần này Cơ quan soạn thảo đánh giá tác động xem sẽ giảm được khiếu kiện này như thế nào khi triển khai thực hiện Luật?”, ông Minh đặt vấn đề.

Mục tiêu thứ hai theo ông Minh là cần phải phân phối lại được chênh lệch địa tô khi chuyển mục đích các loại đất khác sang đất ở.

“Hiện nay chênh lệch lợi tức từ việc chuyển các loại đất không phải là đất ở sang đất ở là rất lớn nhất là khu vực đô thị, có nơi chênh lệch tới cả vài chục triệu/m2, phần lợi tức này chủ yếu doanh nghiệp bất động sản đang hưởng. Do vậy, việc sửa luật lần này cần phân phối lại một phần lợi tức (địa tô) khi chuyển mục đất sử dụng đất cho toàn dân theo Hiến pháp (đất đai là sở hữu toàn dân) đề nghị quy định hướng điều tiết trong dự luật”, ông Minh nhấn mạnh.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn