Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục tình trạng 'xếp chỗ cho có' khi xem xét dự án luật

Tin nhanh 24hThứ Hai, 22/11/2021 10:26:00 +07:00
(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội đề nghị khắc phục tình trạng “xếp chỗ cho có” mà chưa coi trọng các chính sách sửa đổi, song song với siết chặt kỷ cương trong xây dựng pháp luật.

Sáng 22/11, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ về bổ sung 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là một trong những nội dung được Quốc hội yêu cầu sớm xem xét sửa đổi, bổ sung cùng với một số luật khác có liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ông Huệ cho rằng, qua việc phòng, chống dịch COVID-19, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã bộc lộ một số vấn đề phải sửa đổi, bổ sung.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng nội dung các dự án luật, khắc phục tình trạng “xếp chỗ cho có” mà chưa coi trọng các chính sách sửa đổi, bổ sung, song song với siết chặt kỷ cương trong xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục tình trạng 'xếp chỗ cho có' khi xem xét dự án luật - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là hiệp định toàn diện về bảo hiểm xã hội song phương đầu tiên của Việt Nam. Việc ký hiệp định nhằm tránh tình trạng đóng bảo hiểm xã hội hai lần, tối ưu hóa quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động làm việc tại hai quốc gia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự nhằm tạo cơ sở, cho các cơ quan thực hiện đúng, đầy đủ các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về việc xử lý hình sự và áp dụng hình phạt với một số hành vi vi phạm phù hợp với điều kiện cụ thể và lộ trình cam kết của Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để có cái nhìn tổng thể về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, từ đó nghiên cứu giải pháp xử lý những văn bản có nội dung sai, chưa rõ ràng, cách hiểu và áp dụng không thống nhất.

Trên cơ sở xem xét báo cáo tình hình thực hiện chi phí quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định mức chi phí quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội giai đoạn 2022-2024 và những vấn đề liên quan đến việc sử dụng quỹ này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều lần Chính phủ đã phải giải thích đây không phải chi phí quản lý mà là chi phí tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó chi phí đầu tư chiếm tỷ trọng không nhỏ. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đồng thời với việc xem xét kỹ lưỡng cần làm tốt công tác tuyên truyền thông để cử tri và nhân dân hiểu về vấn đề này.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến tổng kết kỳ họp thứ hai và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp chuyên đề tháng 12/2021 và kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ họp không thường kỳ (chuyên đề) chỉ giải quyết những nội dung thật sự cấp bách, đột xuất, cấp thiết cho quốc kế dân sinh và đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, do đó chỉ xem xét nhiều nhất 5 nội dung đã thống nhất với Chính phủ.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn