Chủ tịch Quốc hội: 'Cấm gì thì nói đi, cho vào luật'

Thời sựThứ Sáu, 13/06/2014 02:08:00 +07:00

(VTC News) - Chủ tịch Quốc hội cho rằng những điều cấm cần đưa thì phải cho vào luật để tránh việc ra thêm các văn bản khác một cách tùy tiện.

(VTC News) - Chủ tịch Quốc hội cho rằng những điều cấm cần đưa thì phải cho vào luật để tránh việc ra thêm các văn bản khác một cách tùy tiện.

Sau 2,5 ngày chất vấn các thành viên chính phủ, nhiều vấn đề quan trọng của đất nước đã được các thành viên Chính phủ trả lời rõ ràng, cụ thể. Bên cạnh đó, với những tồn tại chưa được khắc phục, các thành viên Chính phủ đã mạnh dạn nhận trách nhiệm và đề ra những biện pháp cho thời gian tới.

Kết thúc toàn bộ phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đã đưa ra 7 vấn đề cấp bách, để các thành viên Chính phủ sớm thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội nêu ra 7 vấn đề cấp bách yêu cầu Chính phủ sớm thực hiện 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định hệ thống pháp luật, thể chế của Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay trong giai đoạn hội nhập quốc tế và trong phân tích, đánh giá tình hình của đất nước hiện nay, hệ thống pháp luật, hệ thống thể chế của Việt Nam cần có sự đột phá trong cải cách, đổi mới.


“Quốc hội đã đặt ra yêu cầu và mục tiêu là bây giờ đã làm Hiến pháp mới thì phải theo tinh thần của Hiến pháp để tiếp tục đổi mới hệ thống pháp luật, đổi mới nền hành chính quốc gia, thủ tục hành chính theo tinh thần công khai, minh bạch, rõ ràng, thẩm quyền của nhà nước, thẩm quyền của nhân dân để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân một cách công khai, minh bạch”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại Hiến pháp nói rằng: "Mọi người được quyền tự do kinh doanh đối với những ngành nghề mà pháp luật không cấm", đấy là tinh thần mới, tinh thần cải cách, tinh thần Hiến pháp và đúng với đường lối chủ trương của Đảng ta.

Vì vậy, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư sắp sửa ban hành phải đạt được tinh thần ấy.

“Cấm gì thì nói đi, nói vào luật, cái gì có điều kiện thì nói đi, nói vào luật, không được có các văn bản khác hướng dẫn một cách tùy tiện nữa.

Từ đó chúng ta sẽ hạn chế được cả tiêu cực, hạn chế được cả tham nhũng và tạo được quyền, quyền rất dân chủ cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trái phép hay không trái phép phải quy định vào luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


 

Cấm gì thì nói đi, nói vào luật, cái gì có điều kiện thì nói đi, nói vào luật, không được có các văn bản khác hướng dẫn một cách tùy tiện nữa

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
 
Đấy là những tinh thần như vậy nên lần này qua thảo luận và chất vấn Bộ trưởng Tư pháp chúng ta rút ra được kết luận này để tiếp tục tổ chức thực hiện cho thành công.


Bên cạnh đó, trong vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Quốc hội một lần nữa thể hiện quyết tâm của mình để đáp ứng nguyện vọng đồng bào cử tri cả nước. Đây là nhiệm vụ sống còn của chế độ chúng ta, của đất nước chúng ta.

“Cuộc đấu tranh này cấp bách nhưng gian khổ, phải khẩn trương nhưng phải kiên trì và có biện pháp.

Từ thể chế phải tiếp tục đổi mới, hệ thống văn bản như tôi vừa trình bày nói trên cũng là một trong những giải pháp để phòng, chống tham nhũng và lãng phí”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Nhiệm vụ chống tham nhũng được xem là một trong những việc làm trọng tâm trong thời gian tới 

Người đứng đầu Quốc hội cho rằng chúng ta đã công khai được, chúng ta đã minh bạch được không phải chỉ có Luật phòng, chống tham nhũng mà cũng không phải chỉ có một số quy định về kê khai tài sản v.v... mà tất cả bộ máy, bộ máy chúng ta sẽ hoạt động theo pháp luật. Pháp luật minh bạch, pháp luật quy định đúng thì rõ ràng không thể nào có cách gì để tiêu cực, nhũng nhiễu, lãng phí hay tham nhũng được.


Có thể nói cuộc đấu tranh này bây giờ đã xác định có nhiều chuyển biến tích cực cả về thể chế và hoạt động, đấu tranh nhưng vẫn chưa đẩy lùi được, chưa chặn đứng được, còn phức tạp, còn diễn biến ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Cuộc đấu tranh này chúng ta phải tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả hơn.

Ngoài ra, trong tình hình mới, diễn biến phức tạp, có những khó khăn mới, Quốc hội cũng đặt ra vấn đề để tìm cách giải quyết, xử lý để đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại, trật tự an toàn xã hội, phát triển giáo dục, nghề nghiệp…

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn