Chủ tịch Quốc hội: Bộ cấm, tỉnh cấm...'chỉ cần đóng dấu mật là xong'?

Thời sựThứ Năm, 14/01/2016 03:15:00 +07:00

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Luật tiếp cận thông tin cần quy định cụ thể để không phải cơ quan nào cũng có thể đóng dấu mật vào văn bản.

(VTC News) – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Luật tiếp cận thông tin cần quy định cụ thể để không phải cơ quan nào cũng có thể đóng dấu mật vào văn bản.

Sáng 14/1, góp ý cho Luật tiếp cận thông tin, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng luật này chưa quy định rõ; quy định như dự thảo luật là không minh bạch, cần rà soát lại.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng luật tiếp cận thông tin cần quy định rõ hơn nữa để đảm bảo quyền lợi của người dân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng luật tiếp cận thông tin cần quy định rõ hơn nữa để đảm bảo quyền lợi của người dân 
“Nói là cho người dân tự do tiếp cận thông tin nhưng Bộ cấm, tỉnh cấm, huyện cấm, xã cấm và chỉ cần đóng dấu mật là xong. Luật này phải nói rõ những văn bản nào không được đóng dấu mật, có nghĩa là không ai được đóng dấu mật hết. Anh vẫn để cửa cho người ta đóng dấu mật thì luật này còn giá trị gì nữa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ông Hùng lấy dẫn chứng như thông tin quân sự, thông tin công an, thông tin tình báo… có thể đóng dấu mật. Những người có thẩm quyền cũng phải căn cứ vào luật để có thể đóng dấu mật hay không.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải nói rõ cái nào mật thì được phép cấm. Ngoài ra, những thông tin không là mật thì không được cấm, người dân được tự do tiếp cận thông tin. Luật bảo vệ bí mật nhà nước cũng không được quy định những biện pháp cấm người dân tiếp cận thông tin.

“Không thể làm cho xong một cái luật, để rồi ra một cái luật không có giá trị”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước với sự tiếp cận thông tin của công dân là những vấn đề khác nhau. Vì vậy, ban soạn thảo cũng cần sớm trình Luật bảo vệ bí mật nhà nước.

Cũng có cùng quan điểm này, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng nếu luật không rõ thì quyền tiếp cận thông tin của dân bị ảnh hưởng.

“Đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách phải cung cấp thông tin, thí dụ tới trường học hay bệnh viện hỏi học phí và viện phí thì phải trả lời cho người ta. Còn nếu quy định chỉ cung cấp thông tin cho người cư trú ở đó là vô lý”, bà Mai nêu quan điểm.

Phân tích đến tính khả thi của luật khi đi vào cuộc sống, ông Nguyễn Đức Hiền – Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng quyền tiếp cận thông tin là quyền của công dân. Vì vậy, việc người dân được tiếp cận như thế nào cần quy định rất cụ thể.

“Làm sao để luật mang tính khả thi trong cuộc sống, đề ra mà không làm được thì dân không có niềm tin lắm”, ông Hiền nêu quan điểm.

Trước những ý kiến góp ý của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết sẽ tiếp thu và trao đổi với ban soạn thảo để đưa vào luật những nội dung mới nhất để người dân được quyền tiếp cận thông tin.


Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn