Chủ tịch Quảng Ninh kiêm hiệu trưởng: Tốt quá, có gì phải ồn ào?

Ý kiếnChủ Nhật, 24/05/2020 08:23:33 +07:00
(VTC News) -

Việc chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng đại học, nếu luật không cấm, sao lại phản đối gay gắt khi điều này có thể giúp gắn phát triển giáo dục với phát triển địa phương?

Những ngày gần đây, thông tin Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long thu hút sự quan tâm của dư luận. Rất nhiều ý kiến phản đối, cho rằng khi kiêm nghiệm nhiều vị trí quan trọng như vậy, vị này sẽ khó có thể quản lý tốt, chu toàn được cả hai công việc.

Nhiều người bức xúc, đặt câu hỏi địa phương này thiếu người tài rồi hay sao mà phải để Chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm chức hiệu trưởng trường đại học? Thậm chí, có người còn đánh giá việc kiêm nhiệm này có thể để xảy đến những tiêu cực trong giáo dục. Tuy nhiên, tôi cho rằng khi nói như vậy, người ta chỉ đang nghĩ một chiều, chưa toàn vẹn.

Việc ông Thắng làm hiệu trưởng cho thấy quyết tâm cao của Quảng Ninh trong việc phát triển trường đại học trọng điểm của tỉnh và khu vực, tối ưu hoá vai trò của người lãnh đạo.

Đại học Hạ Long là cơ sở đào tạo mới thành lập nhưng đặt mục tiêu rất cao: Là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ năng động, có uy tín trong nước và khu vực; cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao về khoa học, công nghệ, kinh tế, giáo dục và xã hội nhân văn phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh và các địa phương khác.

Muốn vậy, trường phải có người thủ lĩnh hiểu được tính chất, đặc thù và đường hướng phát triển của địa phương, của đất nước, có cái nhìn thực tiễn, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp.

Chủ tịch Quảng Ninh kiêm hiệu trưởng: Tốt quá, có gì phải ồn ào? - 1

Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long.

Trong khi đó, ông Thắng có thời gian dài lãnh đạo Vietinbank, kinh nghiệm điều hành quản lý này rất có lợi cho một trường mới thành lập như Đại học Hạ Long. Với học vị tiến sĩ, ông hoàn toàn có tư cách khoa học để làm hiệu trưởng. Bản thân ông Thắng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến ngành đào tạo của nhà trường.

Là Chủ tịch tỉnh, ông càng có nhiều quyền lực để điều hành trường phát triển theo định hướng của tỉnh, gắn với sự phát triển kinh tế địa phương, đào tạo được những lao động trẻ đáp ứng yêu cầu thực tiễn cúa Quảng Ninh và đất nước. Điều này chẳng phải quá tốt hay sao?

Đành rằng việc kiêm nhiệm sẽ khiến ông Nguyễn Văn Thắng khó khăn hơn trong việc chia sẻ thời gian, tâm lực cho 2 nhiệm vụ. Tuy nhiên tôi tin rằng nhân sự ở tầm chủ tịch tỉnh đều từng trải qua rèn luyện ở mức cao, có năng lực vượt trội để làm tốt nhiều việc.

Vả lại, như giải thích của Đại học Hạ Long, việc Chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm chức hiệu trưởng "nhằm đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đối với một trường mới thành lập với nhiều mục tiêu phát triển", khi bộ máy ổn định sẽ tham mưu tỉnh kiện toàn chức danh hiệu trưởng. Nghĩa là sau khi đặt nền móng cho Đại học Hạ Long, ông Thắng có thể giao nhiệm vụ này cho cá nhân khác phù hợp hơn để tập trung vào công việc lãnh đạo địa phương. 

Vậy, nếu luật không cấm, tại sao các bạn lại phản đối gay gắt khi trách nhiệm được quy về một mối, gắn chặt mục tiêu phát triển giáo dục với phát triển địa phương? Đến bao giờ chúng ta mới có thể chấp nhận những cách làm mới, dù chưa có tiền lệ nhưng đáng được ghi nhận và suy xét theo hướng tích cực và toàn diện?

Bạn có đồng ý với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.

Vũ Thư(Độc giả)
Bình luận
vtcnews.vn