Chủ tịch nước: 'Năm qua có những thắng lợi quan trọng'

Thời sựThứ Hai, 23/01/2012 02:19:00 +07:00

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chia sẻ những băn khoăn, trăn trở của mình với tinh thần quyết tâm: "Phải hành động ngay".

Năm đầu tiên nhậm chức Chủ tịch nước trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chia sẻ những băn khoăn, trăn trở của mình với tinh thần quyết tâm: "Phải hành động ngay, đừng có ngồi chờ, rồi đổ thừa cho khủng hoảng tài chính".

Chủ tịch mới với những quyết tâm "thép", cho chúng ta cơ sở để kỳ vọng về giấc mơ "vượt sóng" (Ảnh: Kỳ Anh). 

"Nội lực là quyết định…"

Gần thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhìn lại năm 2011, Chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định: “2011 là một năm thế giới gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng ban hành nhiều chính sách giảm tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đây là những chính sách vĩ mô quan trọng, vì thế để chính sách đi vào cuộc sống cần phải có thời gian.

Nhìn nhận lại, trong bối cảnh khó khăn đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dù không đạt cao như những năm trước, nhưng cũng không thấp quá (tăng trưởng kinh tế cao sẽ tác động ngay đến lạm phát). Một bộ phận dân nghèo bị ảnh hưởng do lạm phát,  nhưng nhờ các chính sách an sinh xã hội nên mức độ ảnh hưởng không nặng nề…

Qua một năm, với bối cảnh tình hình thế giới nhiều khó khăn cả về chính trị, kinh tế, bên cạnh thắng lợi, chúng ta cũng không tránh khỏi khó khăn. Tôi cho rằng, năm qua, những chính sách vĩ mô đã có tiến bộ nhất định và trên các mặt: kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh…chúng ta đều có những thắng lợi rất quan trọng…”

- Thưa Chủ tịch, trong năm tới, bối cảnh chung, tình hình kinh tế  chưa có dấu hiệu sáng sủa hơn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ có những chính sách, giải pháp gì chia sẻ, tháo gỡ khó khăn với người dân và doanh nghiệp?

Gốc gác vấn đề vẫn là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung vào 3 mảng tái cấu trúc: doanh nghiệp, ngân hàng và đầu tư công; ổn định cho được kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đó là tiền đề cơ bản nhất để cải thiện đời sống nhân dân, cải thiện điều kiện cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc thay đổi cấu trúc nền kinh tế là câu chuyện trung và dài hạn (5-10 năm tới), không đơn giản. Nước Nhật 20 năm không tăng trưởng, có nguyên nhân sâu xa là "bộ xương" đã không còn thích hợp. Với Việt Nam, quy mô kinh tế còn nhỏ nên dễ "xoay xở" hơn, nhưng việc "sửa lại bộ xương" phải hết sức cẩn trọng… Trước mắt, Quốc hội đã thông qua nhiều chính sách miễn, giảm thuế, giảm lãi suất… để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Chủ tịch nước khẳng định: "Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế là rất quan trọng, nhưng yếu tố nội lực vẫn là quyết định. Chúng ta phải chủ động tạo ra môi trường tốt để thu hút đầu tư, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài và sử dụng nguồn "ngoại lực" đó một cách hiệu quả, làm cho kinh tế phát triển nhanh, bền vững…Quay trở lại, vấn đề hiện nay vẫn là bài toán tái cơ cấu…"

Giữ vững chủ quyền

- Trong tuyên bố nhân lễ nhậm chức chiều 25/7/2011, một trong 5 lời hứa mà Chủ tịch đã hứa trước quốc dân đồng bào là: "Chăm lo củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước…". Chủ tịch sẽ làm gì để thực hiện lời hứa đó?

Với bất cứ quốc gia, dân tộc nào, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Việt Nam là một quốc gia giành được độc lập từ đô hộ, có được chủ quyền phải hy sinh ghê gớm lắm nên chủ quyền quốc gia còn gắn liền với xương máu...

Trong Tuyên ngôn Độc lập 1945, Bác Hồ đã nói: "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập…" .

Tháng 7/1966, Mỹ dùng máy bay ném bom Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Bác cũng đã động viên nhân dân vượt qua hy sinh gian khổ và kêu gọi: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"…

Đó là những câu nói hết sức gan ruột, cho thấy đất nước ta từ lãnh đạo cho đến người dân đều có khát vọng độc lập tự do, đều muốn xây dựng đất nước, muốn giữ vững chủ quyền.

Để giữ vững chúng ta phải làm gì? Nói hết sức tổng quát, trước hết chúng ta phải có đường lối đối nội, đối ngoại đúng đắn và thực hiện cho tốt đường lối này. Trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm, chúng ta đã chiến thắng đối phương có sức mạnh vật chất gấp trăm, nghìn lần.

Thời kỳ hòa bình, xây dựng CNXH, có những giai đoạn đất nước khó khăn ghê gớm (trước ĐH Đảng 1986), nhưng rồi chúng ta vẫn vượt qua nhờ đường lối đổi mới đúng đắn. Cho đến nay, thế giới vẫn nhắc đến hình ảnh Việt Nam từ một nước nhập khẩu gạo, đến đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo…Nói điều đó để thấy đường lối đối nội đúng dẫn đến hiệu quả tích cực là giành được độc lập và xây dựng chủ quyền.

Về đường lối đối ngoại, có một chủ trương thế giới rất ca ngợi Việt Nam: "Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế …".  Đến Đại hội Đảng lần thứ XI, chúng ta lại khẳng định: "Việt Nam  là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc…". Tiếng nói của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế rất được chú ý, dù Việt Nam là một nước còn nhỏ, còn nghèo, nhưng người ta nhìn thấy hình ảnh tương lai của đất nước Việt Nam và người ta tin tưởng. 

Nhờ đường lối đối ngoại đúng, chúng ta có thêm bạn, bớt thù. "Việt Nam mãi mãi là người bạn thủy chung với bạn bè" - là một lời khẳng định. Lời khẳng định đó bắt nguồn từ sâu sa cội nguồn văn hóa của dân tộc.

Dimitrova - nữ nhà thơ Bulgari đã từng nói: "Việt Nam chiến thắng Mỹ không phải bằng vũ khí mà chiến thắng bằng một nền văn hóa"…Với một nền văn hóa như vậy, chúng ta phải giữ cho được chủ quyền dân tộc.

Chia sẻ đôi chút riêng tư trong dịp tết, Chủ tịch nói: "Tết, tôi thường đi thăm các cụ lão thành, gia đình chính sách, bạn bè chiến hữu cũ… Đại đội biệt động của tôi 98 người, còn sống chỉ 1/3, vì thế năm nào tôi cũng phải trở về "điểm hẹn", rồi đi thăm mấy xã vùng sâu, vùng xa, thăm tổ tiên, ông bà nội ngoại…

Ngày tết, thường người ta hay thổ lộ tâm tư, tình cảm, sẻ chia… Tôi muốn đây cũng là dịp được lắng nghe những "tiếng chuông", tiếng nói thật, lắng nghe tâm trạng xã hội… để trắc nghiệm lại mình, xem suy nghĩ hàng ngày của mình có đúng không? Đất nước còn nghèo, nhân dân trông đợi… trong tôi luôn thôi thúc câu hỏi: "Phải làm gì...?" . Trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều việc vẫn chưa xong…".

- Xin cảm ơn Chủ tịch!

Theo Lao động

Bình luận
vtcnews.vn