Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ: Một người nghỉ, nhiều người lo

Thể thaoThứ Tư, 01/01/2014 10:10:00 +07:00

Thất bại của U23 Việt Nam cũng có thể coi là đã khép lại một năm buồn với cựu chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ


Mặc dù Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã từ nhiệm ngay trước thềm SEA Games 27 với lý do sức khỏe, nhưng thất bại của U23 Việt Nam cũng có thể coi là đã khép lại một năm buồn với ông Hỷ.

Một năm của những bất ngờ và bất thường

Với khá nhiều người, quyết định “xong sớm - nghỉ sớm” của ông Hỷ gây ra bất ngờ hơn là ngạc nhiên. Thậm chí sau này, khi U.23 VN đã thua tại SEA Games, câu hỏi “Tại sao ông Hỷ xin nghỉ lúc nước sôi lửa bỏng của bóng đá Việt?” lại được xới lên.

Phải chăng ông Hỷ xin nghỉ, ngoài lý do tuổi cao sức yếu, còn vì sớm tiên liệu về một SEA Games “không có chút hy vọng nào” của bóng đá VN sau một quá trình chuẩn bị sơ sài và đầy biến cố? Nghĩa là ông Hỷ đã khôn ngoan khi chọn thời điểm để né trách nhiệm cho các cộng sự còn lại ở VFF gánh chịu?

 Bóng đá Việt Nam chẳng bao giờ trọn niềm vui với chủ tịch Hỷ

Có chuyên gia bóng đá nói đùa rằng: “Ông Hỷ vốn không phải là dân bóng đá, không có chuyên môn, kiến thức bóng đá, nhưng lại tính toán “điểm rơi” chuẩn hơn cả HLV đội U.23 Hoàng Văn Phúc”.


Người khác nói: “Ông Hỷ không tính điểm rơi, mà là đã tính điểm... rụng cho mình”.


Trên thực tế, nếu xâu chuỗi cả năm 2013 đầy biến động của bóng đá VN, quyết định “xin nghỉ” khi Đại hội VFF khóa VII sắp diễn ra chỉ là một trong những quyết định “bất ngờ và bất thường” của Chủ tịch Hỷ.


Một trong những dấu ấn năm nay là việc ký hợp đồng với HLV Hoàng Văn Phúc. Riêng chuyện chọn HLV, VFF đã có hai “phe”. Phe chọn HLV nội có Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ với sự hậu thuẫn của Tổng cục TDTT, phe chọn HLV ngoại có PCT Lê Hùng Dũng. Tất nhiên là ông Hỷ có tiếng nói quyết định và ông Phúc được chọn sau khi khá nhiều các gương mặt khác như Huỳnh Đức, Hoàng Anh Tuấn từ chối; còn HLV Hữu Thắng có vấn đề cá nhân, nên VFF  hơi e ngại khi tiếp xúc.


Ông Phúc được chọn, mức lương không quá cao (so với hứa hẹn trước đó) - trên 60 triệu đồng/tháng và kèm điều khoản là “không bị sa thải, mà chỉ thuyên chuyển công tác nếu không hoàn thành chỉ tiêu” và “sẽ được chọn là trợ lý số 1 nếu có HLV ngoại”. Có lẽ chính vì 2 điều khoản này, VFF đã không sa thải ông Phúc ngay sau SEA Games 27.

Cái bắt tay lịch sử của chủ tịch Hỷ và HLV Hoàng Văn Phúc (Ảnh: VSI)

Nhưng quyết định bất ngờ nhất của ông Hỷ với ông Phúc không phải là chuyện ký hợp đồng mà là cú “trảm” vào lúc gần nửa đêm sau trận đấu tai tiếng ở BTV Cup với trận hòa 3-3 gặp Bangu. Một quyết định lúc đầu được cho là “mạnh tay, kiên quyết” của lãnh đạo VFF, nhưng rồi cuối cùng biến thành trò cười bởi chỉ vài ngày sau đó lại phục chức cho ông Phúc. Người bị “cách chức” duy nhất là trưởng đoàn Trương Hải Tùng (thay thế bằng Tổng thư ký Ngô Lê Bằng).

Chỉ có điều ở SEA Games, người ta vẫn thấy ông Tùng, ông Bằng, ông Phúc “ở cạnh nhau” như không có gì xảy ra.


Một quyết định khác liên quan đến các đội tuyển gây tranh cãi trong năm của ông Hỷ là đưa trợ lý Nguyễn Văn Sỹ lên làm... tướng, tức là thay ông Phúc làm HLV trưởng tuyển QG. Có lẽ chỉ ở VN mới có chuyện ngược đời: Trợ lý lên tạm quyền dẫn dắt đội tuyển lớn (tuyển QG) đá giải lớn (vòng loại Asian Cup 2015), còn HLV trưởng thì chăm đội nhỏ để đá “ao làng” SEA Games. Đơn giản chỉ là bệnh thành tích!


Kết quả, cả tuyển lớn lẫn tuyển nhỏ đều thua tan nát.


Một người nghỉ, nhiều người lo


Ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ còn ký những quyết định “lạ” như việc tạm đình chỉ trưởng và phó ban trọng tài VFF để “phối hợp với cơ quan điều tra” trong một nghi án tiêu cực mà bằng chứng rất mù mờ. Đó là nghi án hối lộ trọng tài sân Thanh Hóa.
Một năm buồn cho chủ tịch VFF (Ảnh: VSI)

Sau khi cơ quan công an kết luận: Không có cơ sở kết luận có tiêu cực, thì lãnh đạo VFF (trong đó có ông Hỷ) xác nhận, nhưng lại “quên” xin lỗi hay phục chức cho các ông Dương Vũ Lâm, Đoàn Phú Tấn trước đó bị giáng chức.


Những quyết định từ VFF khiến cho giải V.League thành một bãi lầy. Một quyết định bất ngờ loại những nhân vật cao cấp nhất của ban trọng tài càng khiến người hâm mộ mất niềm tin vào giới trọng tài, đội bóng mất niềm tin của những nhà tổ chức là VFF và VPF.

“Cú đánh” nặng nhất trong năm là trừ điểm CLB XMXT Sài Gòn. CLB này bỏ cuộc vì thấy bất công, các CLB từng vắt sức thắng XMXT Sài Gòn như SLNA bỗng... mất trắng 6 điểm quý giá và góp phần khiến họ mất ngôi vô địch V.League.

V.League 2013 là một sư bất ổn: Các doanh nghiệp rút lui, cầu thủ thất nghiệp, kiện tụng, đòi nợ. Kết quả là ngoài XM XT Sài Gòn bỏ cuộc, K.Kiên Giang và B.Bình Định cũng không thể góp mặt ở mùa bóng sau do thiếu kinh phí. Mới nhất, doanh nghiệp Vicem cũng bàn giao đội Vicem Hải Phòng về cho TP.Hải Phòng vì không nuôi được.

Mặc dù VPF là đơn vị tổ chức giải đấu, nhưng VFF không thể thoái thác trách nhiệm về sự bết bát của V.League.

Bóng đá Việt năm 2013 thua từ V.League cho đến đội tuyển nam, tuyển U.23, tuyển nữ. Còn Chủ tịch VFF thì kết thúc năm 2013 của mình từ đầu tháng 12 với quyết định xin nghỉ và được nghỉ.

Cách đây đúng 5 năm, ông Hỷ đã thực sự “hoan hỷ” khi đội tuyển VN đăng quang ở AFF Cup 2008 với chiến thắng Thái Lan ở trận chung kết ngày 28.12.2008. 5 năm sau, bóng đá VN thụt lùi trên mọi mặt trận, trong khi lẽ ra nó phải phát triển trên thành quả đó. Vậy mà ông Hỷ được nghỉ, thật nhẹ nhàng và gần như không phải chịu trách nhiệm gì về bóng đá VN hiện tại lẫn tương lai. Một năm buồn với ông Hỷ.

Và bây giờ, nỗi buồn đang thuộc về những người gánh vác “di sản” của ông Hỷ và cả các CĐV không biết hy vọng vào đâu và đang cố gắng dồn niềm tin vào đội U.19 ở giải U.19 sắp diễn ra.

Theo Hoàng Lâm (Báo Lao Động)

Bình luận
vtcnews.vn