Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Luật đang ‘trói’ luật sư

Thời sựThứ Hai, 19/03/2018 16:38:00 +07:00

Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng nhiều điều trong luật đang "trói buộc" và gây khó cho các luật sư khi hành nghề.

Luật đang ‘trói’ luật sư

Sáng 19/3, trong buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 14, đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLS), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong Luật Luật sư hiện nay để đáp ứng sát thực tế hoạt động của các luật sư hơn.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu ý kiến: “Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về người hành nghề luật sư, đại diện LĐLS Việt Nam và đội ngũ luật sư Việt Nam rất mong muốn và đề nghị với Bộ Tư pháp và Chính phủ đề nghị sớm với Quốc hội để sửa đổi Luật Luật sư.

Bởi có rất nhiều vấn đề trong luật này hiện nay đã bất cập và không phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015”.

lsdongocthinh

 Chủ tịch LĐLS Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh: "Chúng tôi đề nghị với phía Bộ Công an là cần phải sửa đổi Thông tư số 70 quy định chi tiết về việc thực hiện Bộ luật Tố tụng Hình sự để đảm bảo quyền bào chữa cho luật sư khi tham gia các vụ án hình sự hiện nay".

Vị Chủ tịch LĐLS Việt Nam dẫn chứng: “Tôi có thể lấy một ví dụ là Điều 27 của Luật Luật sư quy định là luật sư khi tham gia buổi bào chữa phải cung cấp 3 loại giấy tờ là giấy yêu cầu của khách hàng, thẻ luật sư và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề.

Trong khi đó, Điều 78 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định thủ tục đăng ký hồ sơ bào chữa luật sư chỉ cần cung cấp 2 loại giấy tờ đó là thẻ luật sư và giấy chứng nhận cơ quan hành nghề là đủ, thì đây là điều chưa thống nhất”.

Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, sự không thống nhất này gây ra sự chồng chéo giữa luật với nhau và gây khó khăn cho luật sư trong quá trình tham gia bào chữa, tố tụng vì không biết cơ quan chức năng cấp phép cho luật sư bào chữa sẽ căn cứ vào luật nào.

Ngoài ra, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng kiến nghị sửa đổi Thông tư 70 về quy định chi tiết việc thực hiện Bộ luật Tố tụng Hình sự để đảm bảo quyền bào chữa cho luật sư khi tham gia các vụ án hình sự hiện nay.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề xuất: “Chúng tôi đề nghị với phía Bộ Công an là cần phải sửa đổi với Thông tư số 70 quy định chi tiết về việc thực hiện Bộ luật Tố tụng Hình sự để đảm bảo quyền bào chữa cho luật sư khi tham gia các vụ án hình sự hiện nay. Nhưng hiện nay vẫn chưa nhận được phản hồi của Bộ Công an.

Tôi đề nghị Bộ Tư pháp cùng phối hợp Bộ Công an để thống nhất quan điểm trong việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 70 này để tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư khi tham gia bào chữa trong các vụ án”.

Nhiều luật sư vi phạm

Liên quan đến những ý kiến đề nghị trên của đại diện LĐLS Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Bộ sẽ tiếp thu ý kiến.

Bộ trưởng Tư pháp cho biết: “Vấn đề về đề xuất của đại biểu, chúng tôi xin tiếp thu. Trước mắt, chúng tôi có một số đề nghị thế này.

Một là, cần phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác luật sư.

Hai là, phía Bộ Tư pháp vẫn đang nghiên cứu. Để xử lý một số vấn đề cụ thể, sắp tới Thủ tướng sẽ thông qua, sửa đổi và bổ sung một số điều trong những nghị định quy định chi tiết về nghề luật sư đó là Nghị định 123.

Trong tương lai, chúng tôi có kế hoạch là trong năm 2018 sẽ tổng kết thi hành Chỉ thị 33 của Ban Bí thư, đồng thời nghiên cứu thêm về Luật Luật sư để có những đề xuất sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp”.

lethanhlong2

 Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, hiện nay vẫn có những luật sư không đáp ứng được tiêu chuẩn đạo đức, vi phạm quy định pháp luật nhưng vẫn chưa bị xử lý.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, môi trường hành nghề luật sư ở Việt Nam về cơ bản là tương đối tốt và đa số luật sư khi hành nghề cũng tương đối tốt, chấp hành quy định của pháp luật.

“Cả nước hiện có 12.581 luật sư, đội ngũ luật sư như thế là tương đối đông đảo. Số công ty luật và số luật sư liên tục tăng, như vậy là chúng ta đã ngang ngửa với các nước trong khu vực.

Trong số các vụ kiện nóng liên quan đến đầu tư quốc tế, đến kiện tụng này kia với quốc tế giờ đây ta đã có thể huy động các luật sư Việt Nam tham gia. Như vậy có thể nói là cả về số lượng lẫn chất lượng, luật sư của ta đều có sự phát triển”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhận xét.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng nhấn mạnh, hiện nay ở Việt Nam vẫn có những luật sư không đáp ứng được tiêu chuẩn đạo đức, vi phạm quy định pháp luật nhưng vẫn chưa bị xử lý.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: “Hiện nay, nhìn chung về cơ bản thì đa số luật sư là đáp ứng được, nhưng vẫn còn một số luật sư vi phạm.

Trong quá trình hoạt động vẫn có một số luật sư chưa tuân thủ quy định pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Do vướng cái này cái khác của Luật Luật sư mà nhiều luật sư vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật nhưng vẫn chưa bị xử lý.

Tôi lấy ví dụ như có những luật sư bao nhiêu lần tổ chức lôi cuốn, tụ tập đông người, vi phạm các quy định về mặt đạo đức nhưng mà chúng ta cũng đang thiếu các công cụ để xử lý về mặt hành chính”.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn