Ban tổ chức lễ hội Ná Nhèm: 'Phải làm của quý to cho xứng với tầm lễ hội'

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 03/03/2018 12:30:00 +07:00

"Người cao tuổi trong làng Mỏ cho rằng, Lễ hội Ná Nhèm phát triển hơn trước kia rất nhiều nên Tàng thinh và Mặt nguyệt cũng cần phải làm to hơn, xứng tầm với lễ hội" - Chủ tịch UBND xã Trấn Yên cho biết.

Sáng 2/3, tức Rằm tháng Giêng âm lịch, lễ hộ Ná Nhèm lại được tổ chức tại Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn. Mục đích của lễ hội là để cầu an, cầu mùa màng tươi tốt đầu năm mới.

Ông Nguyễn Phúc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn chia sẻ với phóng viên VTC News: Ná Nhèm (theo tiếng Tày có nghĩa là bôi mặt nhọ) là lễ hội truyền thống của làng Mỏ, xã Trấn Yên (Bắc Sơn - Lạng Sơn). Lễ hội này xuất hiện từ xa xưa, sau khoảng nửa thế kỷ thất truyền, được phục dựng vào năm 2012 và được tổ chức mỗi năm một lần vào đúng Rằm tháng Giêng.

Trong lễ hội Ná Nhèm có nhiều hoạt động như rước các sản vật gồm những cây lương thực hoa màu như cây ngô, cây khoai, cây bông...Tuy nhiên, hoạt động khiến mọi người chú ý nhất vào màn rước mô hình Tàng thinh (sinh thực khí nam) và Mặt nguyệt (sinh thực khí nữ).

Tàng thinh trong lễ hội Ná Nhèm 2018 được làm bằng gỗ dổi, có đường kính khoảng 22cm, chiều dài 1m30, trọng lượng trên 50kg. 

12_229087

 Hình ảnh rước Tàng thinh trong lễ hội Ná Nhèm vừa diễn ra sáng 2/3 tại Lạng Sơn. (Ảnh: Saostar). 

Sau khi lễ hội diễn ra, có nhiều ý kiến cho rằng, mô hình Tàng thinh và Mặt nguyệt được làm với kích cỡ lớn và tả thực quá, gây nên sự phản cảm đối với người tới xem lễ hội.

Trước ý kiến này, trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC News, ông Hoàng Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Trấn Yên cho biết: Công tác chuẩn bị cho lễ hội Ná Nhèm diễn ra trong hơn một tháng. Việc làm các Tàng thinh và Mặt nguyệt được ban tổ chức giao cho Làng Mỏ quyết định. 

Theo ông Toàn, Tàng thinh và Mặt nguyệt trong lễ hội Ná Nhèm năm nay được làm theo mẫu thời xưa. Chỉ khác một điều là trước đây, hai sinh thực khí này thường được làm với kích cỡ nhỏ. Từ năm 2016, những người cao tuổi trong làng Mỏ cho rằng, Lễ hội Ná Nhèm phát triển hơn trước kia rất nhiều nên Tàng thinh và Mặt nguyệt cũng cần phải làm to hơn, xứng tầm với lễ hội.

Trước ý kiến cho rằng, việc làm Tàng thinh và Mặt nguyệt to tới hơn 50kg tạo nên sự dung tục, phản cảm, ông Hoàng Văn Toàn trả lời: "Việc tổ chức lễ hội và làm mô hình hai sinh thực khí trên do làng Mỏ bàn bạc, thống nhất và quyết định".

Còn Ông Hoàng Văn Chẩn - thành viên trong ban tổ chức Lễ hội Ná Nhèm cho biết: "Tôi chưa nghe thấy ý kiến phản cảm. Từ thời xa xưa, các cụ làm Tàng thinh và Mặt nguyệt giống thật. Nếu bây giờ làm cách điệu đi, du khách lại phản đối".

Trước những hình ảnh được chụp lại trong lễ hội bị chỉ trích dữ dội vì sự dung tục, phản cảm, GS.TS Nguyễn Xuân Kính, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa từng bày tỏ ý kiến, Việt Nam từ ngày xưa vẫn có các lễ hội có các hoạt động tính giao (giao phối) nhưng Lạng Sơn lâu nay không có. Vì thế, nếu tổ chức hoạt động này trong lễ hội sẽ gợi nên sự tò mò, gợi dục nhiều hơn truyền bá văn hoá.

Video: Loạt hình ảnh phản cảm, xấu xí tại các lễ hội đầu xuân 2018 

Mộc Lan
Bình luận
vtcnews.vn