Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Còn hiện tượng lạm dụng yêu cầu bảo mật để không công khai thông tin

Thời sựThứ Ba, 13/11/2018 11:30:00 +07:00

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng còn tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch.

Sáng nay, tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.  

Bên cạnh những đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2018, Uỷ ban Tư pháp cũng chỉ ra những hạn chế, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả chưa cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng việc công khai, minh bạch hoạt động ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế.

le-thi-nga

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

"Tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp, chậm công khai theo quy định của pháp luật vẫn diễn ra, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đấu thầu, công tác quy hoạch, lập dự án...

Trong một số trường hợp, mặc dù pháp luật mới được ban hành đã mở rộng phạm vi công khai, minh bạch thông tin, hoạt động, nhưng một số văn bản quy định về danh mục bí mật Nhà nước chậm được sửa đổi dẫn đến một số bộ, ngành vẫn sử dụng những văn bản này để không công khai nhiều thông tin mà theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự phải công khai, như Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn căn cứ vào văn bản được ban hành trước đó để đóng dấu “Mật” vào một số nội dung lẽ ra phải công khai trong hoạt động điều tra, kiểm sát...", bà Nga nêu.

Từ vấn đề này, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các quy định về danh mục bí mật Nhà nước để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và quyền tiếp cận thông tin của công dân; tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Bà Nga cho rằng trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong nhiều trường hợp chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đã gây nghi ngờ trong dư luận, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác phòng ngừa tham nhũng.

Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá công tác tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế ở một số địa phương kết quả còn hạn chế. Một số trường hợp có biểu hiện bao che, tiếp tay cho sai phạm, tham nhũng.

Số lượng các vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng. Việc vi phạm thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm chưa được khắc phục. Tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án còn chậm; việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tư pháp dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết còn nhiều.

Công tác giám định tài sản để xử lý tham nhũng là vấn đề còn vướng mắc trong nhiều năm nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án còn rất thấp.

>>> Đọc thêm: Những tình tiết quan trọng ngày đầu xét xử cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và đồng phạm

Duy Thành
Bình luận
vtcnews.vn