“Chữ nhẫn kia cũng có ba bảy đường”

Tổng hợpThứ Ba, 29/05/2012 01:38:00 +07:00

Nhiều người quen mê thư pháp muốn múa bút cho tôi một chữ về treo, như một cách giản dị thể hiện tấm tình bằng hữu.

“Có khi nhẫn để yêu thương/Có khi nhẫn để liệu đường lo toan/Có khi nhẫn để vẹn toàn/Có khi nhẫn để chớ tàn hại nhau....” Bài thơ mổ xẻ chữ nhẫn còn rất dài, với khá nhiều dị bản đã và đang được người đời truyền tụng. Đủ để thấy - xin được mạn phép “lẩy” một câu Kiều -  “trăm năm trong cõi người ta/ chữ Nhẫn kia cũng có ba bảy đường”...

 

 

Nhẫn có thể chỉ để làm sang!

Nhiều người quen mê thư pháp muốn múa bút cho tôi một chữ về treo, như một cách giản dị thể hiện tấm tình bằng hữu. Hỏi họ nên chọn chữ gì, mười người thì có tới chín gợi ý cho tôi chọn chữ “nhẫn”. Thấy tôi lắc đầu quầy quậy, ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên, “cả xã hội tôn vinh nó, trừ cô đấy”. Chẳng hiểu dân tình nghĩ gì, chứ cá nhân tôi ghét cái triết lý lấy nhẫn nhịn làm đầu từ thời còn trẻ ranh. Chẳng có lý gì khi bị cả lưỡi đao đâm thẳng vào tim mà vẫn phải nghiến răng chịu đựng. Bộ đao nằm ngay trên bộ tâm, hai nét chấm như đôi giọt máu đào làm nên con chữ tượng hình mang tên “nhẫn”, thầy giáo Hán Nôm thời đại học từng “chiết tự” cho lũ sinh viên Văn khoa chúng tôi như thế. Cha mẹ thì dạy, “một sự nhịn là chín sự lành”. Nhưng với giới trẻ thế kỷ 21, nói theo kiểu “sát thủ đầu mưng mủ” thời @ thì “một sự nhịn là chín sự nhục”.

Thế nhưng, đặc thù công việc một cây bút chuyên mảng văn hóa xã hội giúp tôi có nhiều cơ hội được gặp gỡ những nhân vật nổi tiếng thuộc vào hàng “vua biết mặt, chúa biết tên”. Họ rất khác nhau, đương nhiên, nhưng lại gặp nhau ở một điểm chung vô cùng thú vị. Đúng là “cả xã hội tôn vinh nó, trừ tôi”. Khi tại vị trí trung tâm, giữa phòng khách hay trong phòng làm việc của các yếu nhân ấy, tôi luôn thấy trang trọng một chữ “nhẫn” có kích thước khá lớn.

Phóng khoáng mực tàu, mềm mại bút lông trên nền giấy dó ư - Có.

Sang trọng, phô trương sơn son thếp vàng bốn số chín ư – cũng có.

Như một thứ mốt thời thượng, như cố khoác trên mình một món đồ trang sức để tỏ vẻ sành điệu với cả đám đông xung quanh, dù chẳng phải tất cả trong số đó đều lấy sự nhẫn – nhường – nhịn làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Bởi tôi biết rất rõ, nếu họ biết ghìm mình sống nhẫn đi một chút thì trường văn trận bút, môi trường nghiên cứu hay ngành công nghiệp giải trí không nhốn nháo, nhiễu loạn và rối ren đến vậy. Bởi tôi đã chứng kiến, người trương chữ nhẫn vì oán giận lãnh đạo, người thể hiện sự kẻ cả trước thói xấu chơi của đồng nghiệp, người làm ra vẻ thiền trước những cơn bão dư luận trái chiều... Nên, “Nhẫn” không đến từ tâm, nhẫn để cố trưng trổ thể hiện. Tôi nói người ta chọn “nhẫn” để làm sang là vì vậy.    

 

Nhẫn để mưu cầu “sự lành”

Đi qua thời tuổi trẻ ngông nghênh, “ngựa non háu đá”, tôi bắt đầu ngầm nghĩ thật nghiêm túc về chữ nhẫn uyển chuyển trong cách ứng xử của con người, trong đó có chính mình. Và nhận ra, hiểu cho chính xác về “nhẫn” không dễ, nhẫn - nhịn thế nào cho hợp người hợp cảnh không dễ. Để từ đó, rước về  “sự lành” hay “sự nhục” cũng thật khó phân định lắm thay!

Đọc sách chúng ta có thể bắt gặp triết lý “một sự nhịn là chín sự lành” ở mọi tôn giáo, từ Đông sang Tây. Con đường Bồ tát có  “lục độ ba la mật” thì nhẫn nhục là một trong sáu lằn ranh (Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ). Trái đất nơi ta đang sống, Phật gia gọi là chốn ta bà, tức là thế giới kham nhẫn, nhịn nhục. Trong Kinh thánh, Chúa Jesus đã phán một câu, vắt qua mấy ngàn năm lịch sử khi thử thách chữ nhẫn của toàn thể con người: “Nếu kẻ thù tát vào má ngươi thì hãy đưa nốt má kia.” Có thể thấy, nhẫn nhục – nhẫn nhịn đã trở thành triết lý sống quan trọng đến mức nào trong cả hai nền văn minh Đông – Tây.

Khỏi cần phải lý giải dài dòng, ai trong chúng ta cũng thừa biết tại sao cách ứng xử nhường nhịn quan trọng đến thế. Nếu mỗi người chịu nhịn đi một tí thì thế giới này sẽ đẹp tuyệt vời, sẽ hóa thiên đường bình an khi “người với người sống để yêu nhau”. Tất cả những cuộc chiến tranh, giành giật, chạy đua để rồi từ đó dẫn đến đau khổ, đói nghèo xảy ra đều chỉ vì mỗi cá nhân, cao hơn là cả một quốc gia – một dân tộc – một liên minh không biết nhịn, hoặc không muốn nhịn, hoặc không thể nhịn.

Ngạn ngữ có câu: “No mất ngon, giận mất khôn”. Lúc nóng giận, tất cả đều dễ trở thành mù quáng. Một hành động hay lời nói bất nhã không kìm được lúc máu nóng đang bốc lên tận đỉnh đầu chẳng khác một mũi tên đã bắn khỏi cung, đã gây thương tích cho người khác thì khó bề rút lại được. Ăn năn, hối hận đều đã muộn.

Để đạt tới chữ nhẫn, con người phải vượt lên chính mình. Bởi kẻ thù trực diện đối đầu nằm ngay trong bản thân mình. Cái tâm vừa là bạn tốt của mình, nhưng cũng là kẻ thù nội tại nguy hiểm nhất, khi nó trở nên bất an. Người xưa nói: “Hận thù không dập tắt được hận thù, chỉ có lòng từ bi mới tiêu diệt được nó”.

Mỗi ngày mỗi giờ, mỗi con người phải đối mặt với quá nhiều áp lực,  khi chữ nhẫn luôn được mang ra thử thách sức chịu đựng dường như chẳng có điểm dừng. Sáng ra đi làm, chiều tan tầm về, đường sá ách tắc, khói bụi mù mịt, chỉ một va quệt nhỏ là đủ vằn mắt, văng tục với nhau. Chốn công sở, cơ quan, những bực bõ, cáu kỉnh giữa sếp và nhân viên, giữa đồng nghiệp với nhau, giữa công chức và người dân hình như lúc nào cũng sẵn có. Tối về chịu trận với bài toán cơm áo gạo tiền thời buổi vật giá leo thang, nghe con đòi tiền học, bố mẹ chồng cằn nhằn con cái thiếu quan tâm, nhân viên thu tiền điện nước chìa tận mặt đủ loại hóa đơn. Không phát điên, rơi vào tình trạng stress mới là chuyện lạ.

Nhưng cũng chính vì phải đồng hành với những khó chịu ấy mỗi ngày, con người sẽ dần học được cách tự điều chỉnh mình, như “sống chung với lũ”. Cáu giận ư, đừng ồ ạt xả vào người đối diện. Hít vào, thở sâu, bình tĩnh lại rồi trao đổi một cách thiện chí – chuyện lớn sẽ hóa nhỏ, nhỏ hóa không có gì. Va chạm, đụng độ ngoài đường ư – mỉm cười nói một câu xin lỗi. Bực bội trong gia đình ư, toàn máu mủ ruột rà, nén giận chút xíu là chuyện đâu sẽ có đó. Nhịn chỉ một mà nhận về tới chín sự lành, chữ nhẫn ở đây đúng là lãi lớn.  

 

 

Nhưng nhẫn không đồng nghĩa với nhục

Nhưng nhẫn không phải là sự cam chịu bằng mọi giá. Nhẫn, đừng nên hiểu một cách tiêu cực, là phải gồng mình ôm nhục, là luồn cúi để mong đạt được mục đích. Người  ta ở đời có thể chịu được tất cả sự đau khổ về vật chất lẫn tinh thần, nhưng cái khổ của “nhục” là khó chấp nhận hơn cả. Nên người xưa mới đúc kết thành câu: “Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục”. (Thà chết, chứ không chịu nhục).

Câu chuyện xưa tức cười về một anh chàng uất ức đến chết chỉ vì bị một người hạ nhục trong giấc mơ có lẽ không tồn tại trong đời thực. Nhưng nó cũng thể hiện một quan niệm sống của số đông những bậc chính nhân quân tử. Có thể nhường nhịn để giữ hòa khí nhưng nhất quyết không thể nhịn nhục. 

Theo cách hiểu thông thường của đa số chúng ta, nhẫn nhục có nghĩa là nhịn nhục, chịu đựng. Trong mọi sự mâu thuẫn, xích mích với người khác, biết nhịn nhục là điều tốt nhất, vì nó sẽ mang đến mọi sự yên ổn thay vì là hiềm khích, tranh chấp liên miên. Cách hiểu này có thể giúp ta có được một quan điểm sống ôn hòa hơn, khuyến khích mọi người cùng cố gắng duy trì sự đoàn kết và hòa khí trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong thực tế, có những trường hợp sự nhịn nhục, chịu đựng hay thối lui không phải bao giờ cũng là giải pháp tốt nhất. Và trong một chừng mực nào đó, cách lựa chọn này còn có phần tiêu cực vì nó góp phần vào sự tồn tại của những yếu tố xấu trong cộng đồng.

Chịu nhục bởi vì sợ quyền thế. Chịu nhục vì đang nằm trong hoàn cảnh bất lợi chưa thể trả thù. Chịu nhục để mong cầu có người khen, hay để mưu cầu đánh đổi chức trọng, quyền cao. Nhẫn nhục một cách hèn nhát là mềm yếu, cam chịu vô ích, rồi tự mình trở thành kẻ chui sâu vào vỏ ốc. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào…”, nhiều khi thấy cái sự bất bình đầy ra đấy, nhưng chẳng liên quan, ảnh hưởng đến mình thì tặc lưỡi tự nhủ “mackeno”. Cái sự nhịn ấy mang tính AQ, lờ đi cho lành, có chết ai đâu! Và điều này sẽ làm suy thoái xã hội, đạo đức con người, làm cho cái ác, cái tham, cái xấu có mầm mống và nguy cơ phát triển.

Cũng có người hiểu chữ nhẫn với thói quen chịu đựng đến mức hèn yếu, bạc nhược hết ngày này, qua tháng khác. Và cơ đồ sự nghiệp, thành quả chẳng thấy đâu, chỉ thấy con người ngày càng èo uột, thảm hại hơn trong con mắt người xung quanh, nhưng họ vẫn tự ru mình là ta đang… tôn thờ chữ nhẫn một cách hoàn hảo.

Khi một thành viên có những cung cách ứng xử sai trái, gây tổn hại đến những thành viên khác trong cộng đồng, sự nhường nhịn, tảng lờ sẽ là một quyết định sai lầm, có hại cho mọi người và cho cả bản thân anh ta. Ngược lại, những phản ứng thích hợp cần thiết sẽ giúp người ấy có điều kiện nhận biết và điều chỉnh hành vi không tốt của mình. Và điều đó không chỉ giúp ngăn ngừa những tổn hại cho đám đông mà còn có lợi cho cá nhân anh ta, khi giúp anh trở thành một người hoàn thiện hơn.

Lời dạy “dĩ nhẫn vi lực” (lấy nhẫn làm sức mạnh) của cổ nhân cho thấy lợi ích cũng như quyền năng biến hóa, nội lực mạnh mẽ của chữ Nhẫn. Cũng như câu tục ngữ của Việt Nam: “Chữ nhẫn là chữ tương vàng, ai mà nhẫn được, thì càng sống lâu”. Tự tìm được cho mình một chữ nhẫn thích hợp sẽ giúp ích cho cuộc sống. Và nếu biết sử dụng chữ nhẫn đúng cách sẽ mang lại cho con người một sức mạnh vô biên!

Đàm Bảo Ngọc

Bình luận
vtcnews.vn