Chủ Mercedes không bắt đền, CSGT vẫn cần phạt tài xế xe chở gạch

Ý kiếnThứ Sáu, 23/04/2021 11:36:00 +07:00
(VTC News) -

Dù nữ chủ nhân chiếc Mercedes bị đâm hỏng không bắt đền tài xế xe 3 bánh tự chế chở gạch, nhưng CSGT vẫn cần điều tra vụ và xử lý vi phạm của anh ta.

Đó là ý kiến của rất nhiều độc giả VTC News khi phản hồi bài viết “Chủ Mercedes không bắt đền xe chở gạch: Nhân văn mà thiếu nhân văn”. Trong hàng trăm bình luận, bên cạnh phần lớn ý kiến đồng tình với tác giả, nhiều người cho biết họ vẫn ủng hộ cách hành xử của nữ chủ nhân chiếc Mercedes, đó là không đòi bồi thường đối với tài xế xe chở gạch vì hoàn cảnh người này khó khăn.

Tuy nhiên, theo nhiều độc giả, cho dù chủ chiếc ô tô bị đâm hỏng có đòi bồi thường hay không thì cảnh sát giao thông vẫn cần điều tra về vụ việc để xử lý vi phạm đối với tài xế chiếc xe ba bánh tự chế.

Độc giả Đàm Quang Giai viết: "Tôi đồng tình với tác giả bài viết ở góc độ quản lý nhà nước chứ không đồng tình với đánh giá của tác giả về hành vi của cô lái xe Mercedes. Đúng là không thể nói vì mưu sinh, vì nghèo mà vi phạm pháp luật, mà coi thường tính mạng, tài sản của người khác, nhưng xử sự của các bên đối với vi phạm lại là vấn đề khác. Đây là văn hóa, là tình người, là thông cảm sẻ chia... nên hành xử của nữ tài xế Mercedes là rất đáng khen ngợi chứ hoàn toàn không phải 'thiếu nhân văn' như quan điểm của tác giả. Tuy hai bên đã nhất trí với nhau về cách giải quyết, nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước, tôi thấy cần phải xử lý nghiêm đối với hành vi của người lái xe 3 bánh tự chế để làm gương cho một số người khác. Vậy mới có lý, có tình".

Chủ Mercedes không bắt đền, CSGT vẫn cần phạt tài xế xe chở gạch - 1

Hình ảnh vụ việc được chia sẻ trên mạng xã hội.

Độc giả Nguyễn Văn Nhứt có cùng quan điểm: "Sai pham thì phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói vì mưu sinh mà gây tai nạn cho người khác rồi cười trừ vì mình nghèo. Nữ tài xế không bắt bồi thường là hành động đẹp, nhân đạo vì hoàn cảnh nghèo của anh xích lô. Nhưng pháp luật phải răn đe để ngăn ngừa các trường hợp khác cứ mượn cái mác nghèo rồi coi thường an toàn giao thông".

"Không bắt đền là quyền của chị chủ xe ô tô, còn hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của chủ xe tự chế kia dứt khoát phải bị xử lý thật nghiêm bất kể anh ta giàu hay nghèo. Xin nhớ rằng xe tự chế đã bị Chính phủ nghiêm cấm lưu thông", một độc giả ẩn danh viết. Nhiều độc giả khác cũng nêu ý kiến tương tự.

Thái Dương: Có thể chủ xe không bắt đền nhưng cảnh sát giao thông phải vào cuộc.

Tuyen: Không phải đền tiền cho chủ xe thì cũng phải nộp phạt vào ngân sách Nhà nước.

Ẩn danh: Chủ xe ô tô tha thứ không phạt tiền vì cho rằng người lái chiếc xe ba gác khó khăn, đó là hành động nhân văn đáng trân trọng, còn người lái xe ba gác vi phạm luật giao thông vẫn phải xử đúng pháp luật.

Thanh Nam: Sống và làm việc theo pháp luật nên dù giàu hay nghèo mà làm sai cũng nên bị phạt, tuy không bị chủ ô tô bắt đền bù nhưng theo luật giao thông, chú lái xe chở gạch sai, nên bị phạt theo luật.

Phản hồi bài viết, nhiều độc giả nhấn mạnh đến sự bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân Việt Nam, dù hoàn cảnh kinh tế giàu hay nghèo. Trần Thanh viết: "Trước pháp luật phải bình đẳng. Truyền thống của người Việt thường xem xét cả lý và tình, nhưng không phải vì nghèo mà làm bừa làm ẩu mà phải thượng tôn pháp luật. Dù ít hay nhiều cũng phải bắt họ đền một phần thì lần sau họ mới thay đổi được".

Độc giả có nick Bờm Sợ Vợ bày tỏ: "Để có xã hội văn minh thì không nên phân biệt giàu nghèo sang hèn, mà hãy nhìn vào cách tuân thủ pháp luật. Chỉ có tuân thủ pháp luật, xã hội mới có trật tự, mới có thể phát triển. Bất luận bạn là ai, nếu sai thì phải chịu trách nhiệm trước phát luật".

Cùng với việc bày tỏ quan điểm, độc giả Võ Văn Thơ còn kể câu chuyện của mình: "Không nên tha thứ cho hành động của tài xế xe chở gạch. Thứ nhất, xe ba gác là xe tự chế không có trong danh mục xe được phép lưu thông mà pháp luật quy định. Hai, khi gây tai nạn lại đổ lỗi do nghèo, nếu gây chết người thì được quyền nói do nghèo hay sao? Thứ ba, tôi đã gặp trường hợp thế này: Một bà đi mua đồng nát bằng xe đạp kéo một xe tôn cũ (tấm tôn dài 5 mét) chạy vượt đèn đỏ. Khi xe tôi dừng bên đường, cách ta-luy 20cm, bà ta cho xe chạy qua, cắt 2 đường từ đầu xe ô tô đến cuối xe khoảng hơn 4m. Tôi giữ bà ta lại. Cũng vẫn thông điệp 'tôi nghèo cho tôi xin', và bà ta rút 200 ngàn đồng bồi thường, tôi không chịu nhận. Tôi nói bà nghèo nên được quyền đi sai luật hả? Các bạn biết đấy, tôi phải sơn lại xe hết 12 triệu đồng, xe mazda màu đỏ đấy".

Cách đây vài ngày, mạng xã hội facebook chia sẻ hình ảnh nắp capo xe Mercedes màu trắng vương rất nhiều viên gạch, đầu xe bị bóp méo sau sự cố va chạm giao thông ở cầu An Dương (huyện An Dương, TP Hải Phòng) với xe ba bánh tự chế chở gạch. Vụ tai nạn khiến giao thông bị ách tắc nghiêm trọng. Mặc dù chiếc Mercedes bị hư hỏng phải sửa chữa nhưng chủ xe quyết định miễn truy cứu trách nhiệm cho người lái xe ba bánh chở gạch. Cộng đồng mạng dành nhiều lời khen ngợi cho hành động này. Tuy nhiên, cũng nhiều người cho rằng việc tha thứ, không bắt người đó chịu trách nhiệm là không nên vì sự dung túng cho hành vi vi phạm luật giao thông có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến của bạn ở box bình luận bên dưới.

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn