Chồng trộm phôi thai của vợ cho nhân tình: Người vợ có quyền khởi kiện?

Sức khỏeThứ Ba, 15/10/2019 15:38:00 +07:00

Theo các luật sư, người vợ hoàn toàn có quyền khởi kiện chồng và cô nhân tình khi cho rằng, quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về trường hợp chồng trộm phôi thai của vợ đem cho nhân tình xảy ra tại Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội). Không ít người băn khoăn về vấn đề trách nhiệm của các bên bao gồm người chồng, nhân tình và bệnh viện ra sao, sẽ được giải quyết như thế nào? Và người vợ có quyền được khởi kiện trong trường hợp này hay không?

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), người vợ trong câu chuyện trên hoàn toàn có thể khởi kiện chồng, cô nhân tình và cả bệnh viện, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định tại Điều 186 và Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

2

  Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS.

Theo Luật sư Tuấn, dù chưa có quy định nào cụ thể để áp dụng, nhưng tòa án cũng không được từ chối để giải quyết vụ việc dân sự này vì lý do chưa có điều luật áp dụng. Vì vậy, người vợ có thể gửi đơn khởi kiện các bên khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Để thực hiện được điều đó, tất nhiên người vợ phải có đủ tài liệu, căn cứ chứng minh việc bản thân bị xâm hại do bị đánh cắp phôi thai.

Cũng theo Luật sư Tuấn, hành vi thực hiện cho, nhận phôi khi không được phép theo quy định của pháp luật, chưa được sự đồng ý của cả hai vợ chồng thì căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 33 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, người chồng và cô nhân tình có thể sẽ bị phạt hành chính số tiền khoảng 30.000.000 – 40.000.000 đồng.

Ngoài ra, những người này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng mà có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm tùy theo mức độ thực hiện hành vi phạm tội.

Mặt khác, theo Luật sư Đặng Văn Cường – đoàn Luật sư Hà Nội, do phôi thai theo quy định của pháp luật không phải là tài sản, không thể mua bán, định giá bằng tiền hay có đủ các thuộc tính của tài sản nên... không được coi là tài sản theo quy định của pháp luật.

Do vậy, theo luật sư, hành vi lừa dối để chiếm đoạt phôi thai của người chồng và người phụ nữ trên không đủ yếu tố để cấu thành tội trộm cắp tài sản, cũng như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định.

Tuy nhiên, theo vị luật sư này, do người chồng sử dụng nhiều giấy tờ giả bao gồm: giấy ủy quyền, giả chữ ký của vợ… để thực hiện thủ đoạn qua mặt bác sĩ của bệnh viện, nên vấn đề quan trọng nhất ở đây là cần làm rõ xem những giấy tờ giả đó có được cơ quan chức năng (phòng công chứng hoặc UBND xã) xác nhận hay không.

Nếu không, trong trường hợp người chồng giả con dấu thì có thể bị xem xét xử lý theo tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

1

  Luật sư Đặng Văn Cường – đoàn Luật sư Hà Nội.

Về Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội), Luật sư Cường cho rằng cần xem xét, làm rõ trách nhiệm của cá nhân cán bộ, bác sĩ có liên quan đến việc thực hiện thủ tục cho/nhận phôi thai xem có sai sót không; xem ai không làm hết trách nhiệm để người chồng thực hiện hành vi qua mặt…

“Trong trường hợp này người vợ hoàn toàn có thể yêu cầu bệnh viện xin lỗi và bồi thường những thiệt hại về tinh thần. Còn với người chồng và người phụ nữ kia, người vợ có quyền làm đơn trình báo xem xét làm rõ hành vi làm giả giấy tờ nhằm chiếm đoạt phôi thai.

Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan chức năng sẽ dựa vào các căn cứ để nhận định xem người chồng có hành vi giả mạo tài liệu hay con dấu hay không để từ đó xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật”, Luật sư Cường nhấn mạnh.

Sự việc  chồng lấy trộm phôi lưu trữ của vợ để dùng cho người tình gây xôn xao dư luận mấy ngày gần đây. Bà N.T.D. (ở Quế Võ, Bắc Ninh) tố chồng cũ lấy trộm phôi thai của mình đang lưu trữ tại Bệnh viện Bưu điện để sử dụng cho tình nhân là bà G.T.D. (45 tuổi, trú tại Bắc Giang).

Bà N. cho biết, bà và chồng cũ kết hôn năm 1990, có 4 con. Năm 2017, họ sàng lọc được 2 phôi và chuyển một phôi vào tử cung người vợ. Tháng 9/2018, bà sinh bé trai. Phôi còn lại, hai vợ chồng quyết định gửi lại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản để lưu trữ, cấp đông.

Khi đang chăm con trai 7 tháng tuổi, bà N. bất ngờ nhận được cuộc gọi của Bệnh viện Bưu điện hỏi về tình hình sức khỏe của thai nhi. Người phụ nữ này hỏi thêm thì được thông báo bà vừa được chuyển phôi và đã đậu thai.

Nghi ngờ phôi bị đánh cắp, bà N. làm việc với bệnh viện và tra hỏi chồng. Lúc này, ông chồng thừa nhận lấy phôi của vợ cho một người phụ nữ khác mang thai. Vụ việc đang gây xôn xao dư luận.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn