Chống tham nhũng: Cần kiểm soát thu nhập mọi đối tượng

Thời sựThứ Ba, 18/09/2012 08:00:00 +07:00

(VTC News) – “Kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi đối tượng trong xã hội mới bảo đảm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng”.

(VTC News) – “Kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi đối tượng trong xã hội mới bảo đảm cho việc kê khai tài sản, thu nhập thực sự phát huy được tác dụng trong việc phòng ngừa cũng như phát hiện tham nhũng”.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị như vậy vào chiều 18/9, khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Kê khai, minh bạch tài sản còn hình thức

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện - Ảnh: TTXVN. 
Qua thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, Ủy ban Tư pháp đề nghị, các nội dung của dự án luật sửa đổi lần này cần bám sát vào những khó khăn, bất cập, vướng mắc đã được phản ánh trong Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng.

Kiên quyết khắc phục tính hình thức, khẩu hiệu trong các quy định; bảo đảm các quy định phải phù hợp với thực tiễn, nhất là phải toàn diện, đầy đủ và cụ thể thì mới tạo điều kiện cho công tác tổ chức thực hiện; bảo đảm việc thực hiện thống nhất, qua đó góp phần phát huy hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài tài sản, thu nhập, Chính phủ nêu 2 loại ý kiến: thứ nhất cho rằng, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và bổ sung thêm đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đang công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị (không bao gồm nhóm đối tượng đảng viên là nông dân hoặc đã nghỉ hưu);

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đối tượng kê khai bao gồm người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành.

Ủy ban Tư pháp cho rằng, theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành thì kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với tính hợp pháp về tài sản, thu nhập của mình, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức hữu quan phát hiện hành vi tham nhũng.

 
Việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế nhìn chung là hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng là rất thấp.
Ông Nguyễn Văn Hiện
 
Tuy nhiên, việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế nhìn chung là hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng là rất thấp.

Để khắc phục hạn chế, bất cập này thì cùng với việc “Từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức” theo Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng khóa XI, cần quy định cụ thể những nội dung liên quan đến kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập như việc cơ quan có thẩm quyền xác minh, ra kết luận; trách nhiệm của người kê khai; phạm vi sử dụng kết luận xác minh; cơ chế giải trình; trình tự, thủ tục, thời gian, mối quan hệ phối hợp trong việc xác minh; khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong việc kê khai, xác minh…

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cũng cho biết thêm, có ý kiến của Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị, cùng với việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức thì đồng thời cũng cần quy định việc kê khai tài sản, thu nhập của cả bố mẹ, vợ, chồng, con cái (kể cả đã thành niên), anh em ruột của người có nghĩa vụ phải kê khai, góp phần khắc phục tính hình thức và hiệu quả thấp trong công tác kê khai, minh bạch tài sản thời gian qua.

Dự án luật quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi thường xuyên làm việc, công tác và nơi cư trú của cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên nhằm mục đích để cơ quan, tổ chức hoặc cộng đồng dân cư tại nơi cư trú giám sát tính trung thực trong việc kê khai để ngăn ngừa, phát hiện tham nhũng.

Với quy định này, Ủy ban Tư pháp cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản của việc kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, chưa hiệu quả là do các cơ quan nhà nước chưa có khả năng và biện pháp kiểm soát được tài sản, thu nhập của mọi công dân, doanh nghiệp, bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên.

“Do đó, căn cơ về lâu dài Nhà nước ta phải sớm có kế hoạch, phương án cụ thể trong việc ban hành các quy định để kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi đối tượng trong xã hội, có như vậy mới bảo đảm cho việc kê khai tài sản, thu nhập thực sự phát huy được tác dụng trong việc phòng ngừa cũng như phát hiện tham nhũng”.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa nghiêm

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, về quy định chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức – qua thẩm tra cho thấy, việc thực hiện quy định chuyển đổi vị trí công tác ở hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với một số vị trí công tác cụ thể như kế toán, giáo viên, bác sỹ, những người giữ chức danh tư pháp (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên), công an phụ trách khu vực, các cán bộ làm công tác trinh sát điều tra…

“Do đó, Uỷ ban Tư pháp cho rằng, việc chuyển đổi đối với một số vị trí công tác nhạy cảm như: hải quan, thuế, kiểm toán, quản lý thị trường là cần thiết, nhưng để khắc phục những vướng mắc hiện nay thì bên cạnh việc mở rộng phạm vi những đối tượng cần chuyển đổi, trong dự án luật cần xác định lại cho phù hợp và quy định rõ, cụ thể về vị trí, điều kiện, thời hạn, cách thức chuyển đổi đối với từng vị trí và việc kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý đối với việc thực hiện các quy định về chuyển đổi, góp phần tạo điều kiện và bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật”.

 
Một người đã có dấu hiệu tham nhũng lại được chuyển sang vị trí công tác khác là không hợp lý và sẽ bất cập khi áp dụng, tạo kẽ hở cho việc bao che hành vi tham nhũng, đồng thời sẽ gây dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
 
Cũng theo ông Hiện, về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, qua thẩm tra cho thấy, việc thực hiện các quy định về xử lý trách nhiệm đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng còn gặp lúng túng và ở một số nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm.

Dự thảo luật quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng.

Do đó, Uỷ ban Tư pháp cho rằng, để phục vụ, tạo điều kiện cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng thì việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tham nhũng là cần thiết.

Tuy nhiên, quy định này có liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật nên nhất thiết phải quy định ngay trong dự án luật những căn cứ để xác định một hành vi được coi là có dấu hiệu tham nhũng, đồng thời phải quy định rõ nếu qua xác minh kết luận cán bộ, công chức, viên chức không tham nhũng thì họ phải được phục hồi vị trí công tác, bồi thường về danh dự và lợi ích vật chất.

Mặt khác, Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, theo đề nghị của Chính phủ, một người đã có dấu hiệu tham nhũng lại được chuyển sang vị trí công tác khác là không hợp lý và sẽ bất cập khi áp dụng, tạo kẽ hở cho việc bao che hành vi tham nhũng, đồng thời sẽ gây dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Trần Vũ

Bình luận
vtcnews.vn