'Chống' chủ trương phá đập, vị Chủ tịch tỉnh cứu sống hàng vạn người

Thời sựThứ Tư, 25/07/2018 16:30:00 +07:00

Trước cơn lũ dữ, dự tính phá đập từ Trung ương được tính đến nhưng vị Chủ tịch tỉnh Quảng Nam khi đó đã đanh thép nói: "Tôi đang đứng trên mặt đập, nếu vỡ đập, tôi sẽ là người đầu tiên bị cuốn cùng cơn lũ".

Cách đây 19 năm, vào đầu tháng 12/1999, suýt chút nữa thôi, một đại thảm họa tương tự vụ vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy ở Attapeu, Nam Lào đã được chặn lại, không để xảy ra tại Quảng Nam.

Tất nhiên, nếu sự cố này xảy ra, sức nước và quy mô tàn phá thì không bằng vụ vỡ đập mới đây tại Lào bởi lượng nước của hồ Phú Ninh chỉ bằng khoảng 1/12 con số 5 tỷ m3 nước từ đập Xe Pian-Xe Namnoy vừa tràn xuống tối 23/7. Tuy nhiên, nếu hồ Phú Ninh bị vỡ, thiệt hại về con người chắc chắn sẽ khủng khiếp hơn hàng chục, hàng trăm lần, thậm chí không thể so sánh nổi.

Đập Xe Pian-Xe Namnoy nằm trong khu vực rừng già lẫn núi non, dân cư xung quanh rất thưa thớt. Toàn tỉnh Attapu rộng khoảng 10.000km2 chỉ có 126.000 dân. Vùng bị cơn hồng thủy cuồng nộ của vụ vỡ đập quét qua chỉ gồm 6 bản (xã) với tổng cộng trên dưới 10.000 nhân khẩu.

1_45343

Hồ Phú Ninh (Quảng Nam) từng có nguy cơ trở thành một quả "bom nước" trong trận lũ năm 1999. 

Trong khi đó, với diện tích gần như tương đương, tỉnh Quảng Nam lại có dân số gấp 12 lần tỉnh Attapu. TP Tam Kỳ, khi đó còn là thị xã, nằm ngay dưới chân đập chỉ rộng hơn 100 km2 nhưng có tới gần 160.000 dân sinh sống. Vùng Tam Kỳ và hai huyện Thăng Bình, Duy Xuyên kế bên là địa hình thuần đồng bằng, sẽ không gì có thể ngăn dòng nước, không nơi nào địa hình có cao độ tối thiểu để người dân có thể sơ tán kịp khi nước đổ xuống. Tất cả con người, tài sản sẽ lập tức bị cuốn phăng ra biển và nhấn chìm.

Từ Trung ương, chủ trương phá đập (vỡ đập chủ động, tránh vỡ mất kiểm soát) đã được nhắc đến, đại thảm họa đã không xảy ra, tất cả nhờ vào quyết tâm, lòng dũng cảm trên nền tảng tri thức và tấm lòng của một công bộc đúng nghĩa: Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập.

Xuất thân, ông Tập là một kỹ sư thủy lợi được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm thực tiễn. Trì hoãn yêu cầu phá đập từ Trung ương để cứu dân là quyết định sinh tử của đời ông. Một quyết định được ông mang mạng sống của mình ra để đánh cược chứ không chỉ là sinh mạng chính trị.

Ông đưa ra quyết định đó, trì hoãn nó đến giây cuối cùng khi đang đứng ngay trên mặt đập Phú Ninh, chỉ huy bộ đội, công an và nhiều lực lượng khác tải cát đóng bao gia cố cao độ mặt đập trong cơn mưa như trút nước dai dẳng nhiều ngày. Nếu đâp vỡ, chính ông sẽ là người hy sinh ngay trong giây đầu tiên.

Ít lâu sau sự việc, ông Tập nghỉ hưu. Trong một lần đến thăm ông tại nhà riêng vào 10 năm sau đó, năm 2010, tôi đã nghe ông bảo: “Nếu được chọn lựa chọn lại từ đầu, tôi vẫn chọn nghề thủy lợi. Nếu quay lại thời khắc đó, tôi vẫn sẽ không cho phá đập..."

images1433873_Tap

 Ông Lê Trí Tập, vị Chủ tịch tỉnh đã cứu sống hàng vạn người trong gang tấc trước nguy cơ vỡ đập hồ Phú Ninh.

Đầu tháng 12/1999, miền Trung oằn mình trong cơn lũ "bà thêm" (xảy ra ngày 23/10 âm lịch). Ông Lê Trí Tập có hàng chục năm gắn với công tác thuỷ lợi và kinh nghiệm lãnh đạo ở một tỉnh bão lũ thường xuyên như Quảng Nam, ông biết chắc thiệt hại sắp xảy ra sẽ rất tàn khốc.

5h30 ngày 1/12/1999, trước đỉnh lũ đúng 24h, ông Tập đứng trên mặt đập hồ Phú Ninh, trọng điểm xung yếu bậc nhất của tỉnh Quảng Nam để thị sát và chỉ đạo. Mưa chéo mặt và kín trời, nước hồ dâng rất nhanh. Tất cả những người có mặt đều cực kỳ lo lắng. Khá đông phóng viên báo chí có mặt, nhưng câu hỏi đưa ra thì chỉ có một: "Nếu mưa không giảm thì sao? Vỡ đập thì sao?". Người ướt sũng, vị Chủ tịch tỉnh kiên quyết: "Tôi đang đứng trên mặt đập, nếu vỡ đập, tôi sẽ là người đầu tiên bị cuốn cùng cơn lũ".

images1323201_T27a 5

 

Tôi đang đứng trên mặt đập, nếu vỡ đập, tôi sẽ là người đầu tiên bị cuốn cùng cơn lũ.

Ông Lê Trí Tập

Hồ Phú Ninh cách thị xã Tam Kỳ chỉ 7 km, rộng 23.409 ha. Đáy tự nhiên của đập nằm ở cao độ 25m, hai đập tràn sự cố Long Sơn I và Long Sơn II nằm ở cao độ 26m. Cao trình đập phụ Dương Lâm ở đỉnh là 35m. Đến chiều 1/12/1999, mưa vẫn không ngớt. Tốc độ xả lũ 1.000 m3/s hầu như không ăn thua gì với tốc độ nước dâng trong đập. Chỉ cần mưa thêm khoảng 40mm, nước sẽ tràn qua và phá vỡ mặt đập.

Tình hình căng như dây đàn. Một cuộc họp khẩn cấp được tổ chức ngay, gồm một bên là toàn bộ cán bộ chủ chốt của tỉnh và bên kia là đoàn công tác do đích thân Bộ trưởng Bộ NN và PTNT kiêm Trưởng Ban Phòng chống lụt bão TW Lê Huy Ngọ dẫn đầu.

Các thông số báo cáo đều khẳng định: đến nửa đêm, ngưỡng 35m sẽ bị nước phá vỡ. Lúc đó, cả công trình thuỷ lợi hồ Phú Ninh sẽ bị xoá sổ. Đại thảm họa đã gần kề. Để cứu đập chính và cả công trình, không còn cách nào khác, phải cho nước tràn, nghĩa là phải phá vỡ đập phụ Dương Lâm, theo đúng tiêu chuẩn thiết kế.

Có ý kiến cho rằng, thậm chí nếu đập không vỡ thì phải cho nổ mìn. Lúc đó, nước sẽ tràn qua cao trình, mặt đập bằng đất sẽ bị nước phá vỡ ngay. Một khối nước 300-400 triệu m3 ngay lập tức từ độ cao 30m sẽ đổ ập xuống khu vực thị xã Tam Kỳ, biến cả vùng Bắc Tam Kỳ thành một con sông không có bờ và cuốn đi bất kỳ thứ gì nằm trên dòng chảy của nó.

Nếu điều đó xảy ra, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người dân Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên... sẽ bị lũ cuốn phăng. Đại thảm họa sẽ xảy ra, thiệt hại là không thể tính nổi và không gì có thể ngăn chặn được dòng nước. Thời gian bàn bạc, chọn lựa phương án xem như cũng không còn nữa.

Ở cương vị Chủ tịch tỉnh, ông Lê Trí Tập phát biểu: "Mục đích cao nhất là cứu dân. Nếu để nước tràn đập hoặc phá đập lúc nửa đêm, số người chết sẽ rất kinh khủng. Nếu không có đoàn công tác của Chính phủ, tôi sẽ là người quyết định. Nhưng đã có đoàn ở đây, chúng tôi xin Trung ương cho quyết định: nâng cao trình mặt đập lên thêm 30cm để kéo dài thời gian tràn đập nhằm cứu dân".

Lập luận của ông được xác tín bằng những số liệu lượng mưa cập nhật từ trạm đầu nguồn ở Tiên Phước và hai trạm riêng cho hồ Phú Ninh là Xuân Bình và Phú Thọ. Nếu mưa vẫn không giảm, việc nâng cao trình mặt đập lên thành 35,3m, hồ Phú Ninh sẽ đủ sức chứa thêm 17,3 triệu m3 nước, đủ để trì hoãn việc tràn đập đến tận sáng, thay vì nửa đêm như với cao trình hiện tại. Ông Tập nói: "Đến lúc đó thì hết cách, có phá là trời phá chứ chúng ta không phá. Nhưng vỡ đập vào ban ngày, việc sơ tán, cứu dân chắc chắn hiệu quả hơn, giảm thiểu được tổn thất".

Không có ý kiến nào thuyết phục hơn. Ngặt một nỗi, cao trình mặt đập là con số của thiết kế, có tính pháp lệnh. Thay đổi cao trình là vi phạm pháp lệnh. Cho dù có dũng cảm thay đổi cao trình mà mưa vẫn tiếp tục thì đại thảm họa vẫn cứ xảy ra. Cho tràn đập hay trì hoãn, đó là quyết định sinh tử, không chỉ thách thức sinh mệnh chính trị của một cá nhân, một tập thể mà quan trọng hơn cả, nó còn quyết định luôn cả số phận, sinh mạng và tài sản của hàng chục ngàn người dân. Không có thời gian cho sự đắn đo, ông Tập quyết định ngay: "Xin cho nâng mặt đập, tôi sẽ chịu mọi trách nhiệm".

Không khí cuộc họp trở nên căng thẳng cao độ. Đoàn công tác của Chính phủ đề nghị tạm hoãn cuộc họp để xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Tiếp điện thoại của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông Tập khẳng định: "Tình hình hiện tại chỉ có thể giải quyết tại chỗ, không thể chờ sự chi viện từ Trung ương hay địa phương khác. Quảng Nam đã có phương án sẵn, xin Trung ương cho tự quyết để thực hiện".

Không đầy 10 phút sau, cuộc họp lại tiếp tục. Bộ trưởng Lê Huy Ngọ và đoàn công tác đều ủng hộ ý kiến "sửa thiết kế" của Chủ tịch tỉnh nhưng rất lo lắng. Làm sao có thể gấp rút tăng cao trình lên thêm 30cm, trong khi mưa vẫn xối xả? Ông Tập mừng quá, trình bày luôn phương án đã chuẩn bị: một trung đoàn bộ đội 500 quân đang đi dã ngoại ở huyện miền núi Tiên Phước đã được điều động chờ sẵn tại chân đập hồ Phú Ninh cùng với 2.000 bao đất đóng sẵn. Xe xúc, xe ủi cũng đã chuẩn bị và tập kết từ trước. Chỉ cần phát lệnh, sau không đầy 20 phút là sẽ nâng cao xong cao trình cho mặt đập dài 200m, bằng cách chồng 2 bao đất lên thành hàng.

Chưa đến "giờ G" - nửa đêm, công việc nâng cao trình đã hoàn tất. Từ đó đến sáng, cả Chủ tỉnh tỉnh Lê Trí Tập và hầu như toàn bộ cán bộ lãnh đạo đầu ngành của tỉnh Quảng Nam lẫn đoàn công tác của Trung ương đều thức trắng và ướt sũng trên mặt đập. Sống cùng sống, chết cũng chết, không chỉ sự nghiệp chính trị mà cả tính mạng của họ cũng gắn luôn vào số phận của con đập.

Trời không phụ lòng người. Gần sáng, mưa ngớt, rồi tạnh hẳn. Lên đến chớm "điểm chết" mới nâng cao của mặt đập, nước hồ chững lại, sau đó hạ dần theo đà tiêu thoát của trận đại hồng thuỷ. Con đập và cả công trình hồ Phú Ninh vẫn đứng vũng trong cơn lũ lịch sử. Hàng chục ngàn dân các huyện Bắc Quảng Nam thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Mười năm sau ngoảnh lại, cảm xúc căng thẳng, thắt ruột vẫn chưa tan hẳn trong lòng ông Tập. Ông bảo: "Nếu mất con đập, hàng ngàn dân thảm nạn, tôi chắc cũng để nước cuốn mình trôi chứ không sống nổi".

Sau cơn lũ, ông Lê Trí Tập được thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất nhưng ông không quan tâm đến danh hiệu hay chức vị. Ông chỉ hài lòng vì đã quyết định đúng, vì sở học, kiến thức khoa học đã phát huy tác dụng trong giây phút quyết liệt nhất. Với quyết định níu giữ mạng sống hàng chục ngàn người của vị Chủ tịch tỉnh, trong tâm thức của người dân Quảng Nam, ông Tập thật sự đã là một anh hùng. 

Tôi tin chắc ông cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Nam sẽ được người dân đồng lòng lập đền thờ ngay khi còn sống. Dù sao, thờ một người đang sống, một người đã vì dân mà quên mình, không vịn tay vào mấy chữ "đúng quy trình" cũng là chuyện hạnh phúc hơn nhiều việc phải thờ hàng ngàn, hàng chục ngàn người đã chết trong một ngày.

Và tôi cũng biết, đền thờ ông Lê Trí Tập, rất nhiều người dân xứ Quảng đã dựng sẵn trong lòng.

NGUYỄN HỒNG LAM
Bình luận
vtcnews.vn