Chốn 'vô luật pháp': Chết phải tự chịu trách nhiệm!

Thời sựThứ Năm, 04/04/2013 06:23:00 +07:00

(VTC News) - Nếu không thực hiện đúng các quy định mà xảy ra tai nạn chết người thì người bị chết cũng phải tự gánh chịu hậu quả.

(VTC News) - Nếu không thực hiện đúng các quy định mà xảy ra tai nạn chết người thì người bị chết cũng phải tự gánh chịu hậu quả.

Đó là ý kiến của Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh, Hà Nội trong cuộc trao đổi với PV về loạt bài "Chốn vô luật pháp ngay giữa thđô" mà VTC News đã đăng tải.

- Xe khách đón trả khách vô tư trên đường trên cao đang gây bức xúc dư luận, ông đánh giá sao về việc này?

Trước tiên, tôi khẳng định đây không chỉ là vấn đề bức xúc dư luận mà nó còn là mối quan ngại hàng đầu của các cơ quan quản lý và nỗi khiếp sợ của của đại đa số những người và phương tiện đã, đang và sẽ tham gia giao thông ở đường trên cao.

Sở dĩ tôi nói như vậy là xuất phát từ sự nguy hiểm hay phải nói đúng hơn là cực kỳ nguy hiểm của hành vi trên đối với những người tham gia giao thông cũng như những người có trách nhiệm trên quản lý đối với tuyến đường trên.

Hành vi người điều khiển xe khách vô tư đón trả khách trên đường trên cao (đoạn Bắc Linh Đàm - Mai Dịch) không chỉ thể hiện sự coi thường pháp luật mà còn là hành vi coi thường mạng sống của người khác, đe dọa đến sự an toàn của những người cùng tham gia giao thông trên đoạn đường này.

 

Như vậy, chúng ta thấy rằng ở đây, cả người lái xe khách và hành khách đều không thực hiện đúng và đủ những “phần việc được giao cho, phải bảo đảm làm tròn” thì tất yếu phải tự mình gánh chịu phần hậu quả do chính mình gây ra.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền
 
Thực ra, tình trạng xe dù, bến cóc, việc các xe khách đón trả khách sai quy định...diễn ra tại tất cả các địa điểm có cung đường xe khách chạy qua, đặc biệt là các địa điểm gần bến xe như: Bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Lương Yên... không phải riêng gì ở đường trên cao.

Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã có những biện pháp khá cứng rắn, quyết liệt (như cương quyết xử lý các hành vi vi phạm.

Đồng thời
liên tục tổ chức tuần tra, kiểm soát, kết hợp với các phương tiện truyền thông tuyên truyền, nhắc nhở, răn đe, giáo dục...), song dường như vẫn không thể chấm dứt được tình trạng này.

Nếu có dịp đi khảo sát tại các khu vực gần bến xe hay ở bất cứ một khúc đường nào thuộc đoạn đường trên cao, thì ngay lập tức chúng ta sẽ thấy, cứ ở đâu không có cơ quan chức năng thường trực hoặc tuần tra thì ở đó có vi phạm xảy ra.

Mỗi lần có việc phải đi xe khách, tôi có cảm giác khi đi qua những đoạn đường trên, phụ xe và lái xe chỉ có mỗi nhiệm vụ là “nhìn xem có công an không” để còn bắt khách!


- Vì sao người ta bất chấp nguy hiểm để dừng đón trả khách và bắt xe ở khu vực này?

Cái “vì” duy nhất ở đây theo tôi là “vì khách”. Rõ ràng đón là đón khách, trả cũng là trả khách, vậy nên nếu không “vì khách”, không có khách thì sẽ không diễn ra tình trạng này. Còn khi phân tích sâu hơn về vấn đề này chúng ta sẽ thấy, việc này xuất phát từ hai phía:
Tình trạng đón xe khách diễn ra vô tư trên đường trên cao.

Thứ nhất, phải nói đến căn nguyên chính ở đây là do “khách”. Chính những hành khách đi xe trên tuyến đường này là những người trực tiếp tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật của các xe khách.

Bởi nếu chỉ cần mỗi hành khách có một chút ý thức trong việc tham gia giao thông bằng cách vào bến xe mua vé, lên xe tại bến và chỉ xuống xe khi xe đến điểm được phép trả khách thì làm sao còn tình trạng đón khách dọc đường sai quy định.


Tôi đã từng chứng kiến có những hành khách phàn nàn, la ó đòi xuống, thậm chí là cáu gắt khi yêu cầu xuống xe giữa đường không được đáp ứng. Như vậy, chỉ vì một chút nhanh, tiện lợi, tiết kiệm mà vô tình quên đi sự an nguy của bản thân và của những người tham gia giao thông khác.

Thứ hai,những người điều khiển xe khách cũng không phải là những người “vô tội”. Chúng ta thấy rằng chỉ vì lợi ích mà các xe khách đã bất chấp quy định của pháp luật, bất chấp sự nguy hiểm của hành khách và của những người tham gia giao thông khác để ngang nhiên dừng xe bắt khách sai quy định.

Hay chỉ do “nể nang”, “chiều khách” không đúng nơi, đúng chỗ đã dẫn đến việc dừng trả khách không đúng quy định.

- Đây là một biểu hiện của hành vi vô văn hóa giao thông, thưa ông?

Cũng có thể gọi là như vậy hoặc nói đúng hơn theo ngôn ngữ pháp luật là: Không chấp hành đúng luật an toàn giao thông đường bộ còn được hiểu là hành vi vi phạm pháp luật.

- Ai sẽ chịu trách nhiệm trước tính mạng của người dân nếu tai nạn xảy ra khi xe dừng đón trả khách ở đây?

 
Nếu không thực hiện đúng các quy định trên mà xảy ra tai nạn gây chết người thì phải tự gánh chịu hậu quả.
 
Để hiểu rõ ai có “trách nhiệm” thì chúng ta cần phải hiểu được “trách nhiệm” nghĩa là gì? Trong trường hợp nào thì sẽ phát sinh “trách nhiệm”?


Theo từ điển Tiếng Việt định nghĩa thì trách nhiệm là: Phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả.


Như vậy, chúng ta thấy rằng ở đây, cả người lái xe khách và hành khách đều không thực hiện đúng và đủ những “phần việc được giao cho, phải bảo đảm làm tròn” thì tất yếu phải tự mình gánh chịu phần hậu quả do chính mình gây ra.

Đấy là nói về trách nhiệm theo nghĩa nội tại của nó, còn đứng về góc độ pháp lý thì khi các bên vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ thì sẽ bị xử phạt.

T
ùy theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm và yếu tố lỗi của các bên để quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như quyết định các vấn đề liên quan đến bồi thường dân sự khi xảy ra thiệt hại trên thực tế.


- Nếu tai nạn xảy ra gây chết người trong trường hợp này, những người liên quan sẽ phải chịu hình phạt như thế nào?

Như đã đề cập ở trên, tùy vào tính chất, mức độ, yếu tố lỗi, hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm thì sẽ có các quy định pháp luật phù hợp để điều chỉnh. Đối với hành vi gây tai nạn giao thông đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định từ Điều 202 đến Điều 205 Bộ luật Hình sự Việt Nam;

Trong trường hợp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị phạt vi phạm hành chính theo Pháp lệnh về việc xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, còn căn cứ vào yếu tố lỗi để xem xét trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng) giữa các bên khi xảy ra tình huống nêu trên.

- Tình trạng này xảy ra có phải là do sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng?

Về quan điểm của tôi, cũng như xét trên góc độ pháp lý thì điều này chưa hoàn toàn chính xác. Bởi ở đây, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng hành vi vi phạm là diễn ra mọi lúc, mọi nơi.

Các đối tượng vi phạm thì luôn luôn nghĩ ra và thực hiện các hành vi đối phó với các cơ quan chức năng, trong khi đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra, tuần tra hay chốt chặn kiểm tra thì lại mỏng không thể đi theo để giám sát từng xe một trên cả một chặng đường dài như vậy.


Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa thật sự cao. Vậy, nguyên nhân từ đâu thì ta phải tìm cách “điều trị” từ đó, đồng thời bên cạnh đó là kết hợp với các biện pháp cương quyết, cứng rắn của các cơ quan chức năng, tôi nghĩ rằng hiện tượng trên sẽ giảm đáng kể.

- Ông có lời nhắn nào cho những hành khách đang coi thường tính mạng của bản thân khi đón xe ở đây?

Đường trên cao không phải nơi dành cho các bạn, hãy dừng lại trước khi quá muộn và đừng tự đưa mình vào những rủi ro đã được cảnh báo trước. “Tuân thủ pháp luật là tự bảo vệ mình”.
Điều 202 của BLHS quy định:

1. Người nào điều khiển phương tiện GTĐB mà vi phạm quy định về an toàn GTĐB gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn  giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.





Nam Minh (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn