Chợ Trời Hà Nội bị 'xới tung' sau hàng loạt vụ trộm gương ngày Tết

Kinh tếThứ Bảy, 20/02/2016 04:43:00 +07:00

Bên cạnh các loại phụ tùng không rõ nguồn gốc được trà trộn, một số cửa hàng tại chợ Trời còn "mang tiếng" là đầu nậu tiêu thụ đồ trộm cắp.

Bên cạnh các loại phụ tùng không rõ nguồn gốc được trà trộn, một số cửa hàng tại chợ Trời còn "mang tiếng" là đầu nậu tiêu thụ đồ trộm cắp.

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi đỗ xe ở khu vực gần nhà, chiếc ôtô của anh Tùng (Đống Đa, Hà Nội) bị bẻ trộm hai chiếc gương và tháo mất lazăng bánh. Đến đầu giờ chiều, anh tới chợ Trời (Hai Bà Trưng) để tìm mua phụ tùng đã bị mất cắp.

"Chỉ cần báo khu vực bị mất và loại xe thì 2 tiếng sau có người gọi điện bảo tôi đến lấy đồ, đúng phụ tùng của chiếc xe vừa bị mất buổi sáng", anh Tùng cho hay.

Phụ tùng ô tô được bày bán tại chợ Trời đủ mọi chủng loại
Theo chủ xe, giá bán của số phụ tùng trên bằng khoảng 30-40% thị trường nên nhiều người sau khi bị mất đồ thì thường lên khu vực này để mua lại, ít khi sắm mới. Gia đình anh đổi xe đến nay là 3 lần thì cả 3 chiếc đều từng gặp tình huống như trên.

"Có lần tôi còn bị mất biển số, lúc lại mất logo và viền, còn đến nay là gương và lazăng. Lần nào mất, nơi đầu tiên tôi nghĩ đến chợ Giời và chỉ một vài tiếng, chậm nhất là vài ngày có thể tìm lại đúng đồ mà mình bị lấy trộm", anh Tùng kể lại.  

Không có thâm niên sử dụng ôtô như anh Tùng, song nhờ mách nước của một người bạn, anh Chiến (Thanh Xuân) cũng vừa tìm lại được đôi gương xe vừa bị mất trước đó vài ngày.  

"Tôi chỉ cần lên đó hỏi là những người bán hàng quanh đó chỉ đến tận nơi. Sau đó nói phụ tùng muốn mua, hãng xe, nếu có ngay đồ họ sẽ mang ra, còn nếu không đặt 2-3 ngày là có hàng, thậm chí đúng đồ của xe mình vừa mất, giá chỉ bằng một nửa đồ mới", anh Chiến nói.

Câu chuyện của 2 khách hàng trên không phải bởi từ lâu, người Hà Nội truyền nhau kinh nghiệm khi mất phụ tùng ôtô, xe máy… thì cứ ra chợ Trời để tìm, kiểu gì cũng thấy. Bên cạnh hoạt động buôn bán đồ cũ, hàng nhái thì việc bán đồ mất cắp tại đây cũng diễn ra khá công khai nhiều năm qua.

Cách đây vài ngày, lực lượng quản lý thị trường vừa kiểm tra và thu giữ hơn 1.000 sản phẩm phụ tùng ô tô các loại như vòng bi, cần gạt nước, logo, lazăng, gương xe đã qua sử dụng… tại chợ Trời.

Hôm qua, 11 điểm kinh doanh khác cũng bị kiểm tra, thu giữ hàng nghìn phụ tùng. Đại diện cơ quan này cũng cho biết, số sản phẩm trên không có giấy tờ hóa đơn chứng từ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên nhiều khả năng được tuồn ra từ đường dây trộm cắp.


Khảo sát cho thấy, tại khu chợ này, hiện các kios, cửa hàng bày bán chủ yếu vật tư phụ tùng liên quan đến các ngành cơ khí, công nghệ, trong đó đa số vẫn là phụ tùng thiết bị ôtô, từ xe tải đến xe du lịch....

Phần lớn mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ là từ Trung Quốc, một số ít xuất xứ từ Đài Loan, Nhật Bản...  do đó cùng một loại phụ tùng nhưng có tới năm bảy loại giá khác nhau. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng đủ am hiểu để biết các mặt hàng mình mua có xuất xứ thực sự từ đâu.


Khi hỏi mua một số phụ tùng, nhân viên một cửa hàng cho biết, đơn vị này bán rất nhiều chủng loại với chất lượng khác nhau, giá có thể chênh lệch vài lần.

"Phụ tùng trên thị trường có chính hãng, phụ tùng thay thế (OEM), loại do những nhà máy độc lập sản xuất theo mẫu mã của nhà sản xuất (OE), phụ tùng nhái. Trong loại này lại có nhái loại một, loại 2… Ngoài ra, chúng tôi còn có phụ tùng cũ thường là hàng chính hãng và loại được phục hồi, tức là đã hỏng nhưng được chế tác, gia công lại", nhân viên này giới thiệu.

Gương ô tô là một trong những mặt hàng phổ biến nhất. Ảnh: Bá Đô 
Theo anh, với những người không phải trong nghề thì rất khó phân biệt các mặt hàng, chủng loại. "Chỉ có những người rất tinh tường và làm trong nghề may ra mới biết thông qua vỏ hộp của phụ tùng giả nhìn kỹ thấy hơi nhoè, màu sắc mờ nhạt hơn, phụ tùng được làm trông tự nhiên hơn, ít lỗi mép viền...", anh này nói.

Chủ một cửa hàng trên phố Đỗ Ngọc Du chia sẻ, khoảng hơn chục năm trước, số lượng cửa hàng còn ít, các hãng xe cũng không nhiều như hiện nay nên công việc kinh doanh của gia đình chị thuận lợi hơn.

"Khi đó, chủng loại xe không nhiều như hiện nay, số lượng cửa hàng cũng ít hơn nên không phải cạnh tranh nhiều. Còn bây giờ, khách hàng tuy có đông lên nhưng hàng hóa đa chủng loại nên phải đầu tư nhiều vốn. Hơn nữa, hàng thật giả bán lẫn lộn trên thị trường, trong khi khách hàng đôi khi cứ thấy rẻ là mua, cạnh tranh ghê lắm", chị cho hay. Cũng theo chị, đó chính là nguyên nhân khiến nhiều cửa hàng tăng lợi nhuận bằng cách tiêu thụ cả những đồ trộm cắp.

"Đồ được lấy trộm mang về được chủ hàng mua lại với giá 10-30% giá trên thị trường, tùy vào độ xịn và độc của thương hiệu xe. Sau đó, khi có khách, họ bán được giá gấp đôi nhưng rẻ hơn đồ mới nên nhiều người vẫn mua. Một số khách do xe thuộc hàng độc, khó kiếm phụ tùng nên đành phải ra đây để tìm mua lại", chị này cho hay.

Chợ Trời còn được gọi là chợ Hòa Bình, hình thành vào khoảng những năm 1954 - 1955 của thế kỷ trước. Nếu như trước đây, khu chợ chỉ chỉ rải rác ở khu vực phố Trần Cao Vân, Đỗ Ngọc Du thì nay chiếm hết cả phố Lê Gia Định, Nguyễn Công Trứ...

Theo đại diện lực lượng quản lý thị trường, đợt kiểm tra vừa qua nhằm đẩy lùi những bức xúc về nạn hàng gian, hàng giả tại khu chợ này nói riêng và trên thị trường nói chung. Thời gian tới, việc kiểm tra chợ Hòa Bình sẽ tiếp tục được tăng cường.

Nguồn: VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn