Cho thuê đất, người dân bị 'chuyển nhượng đất'

Thời sựThứ Tư, 29/02/2012 06:26:00 +07:00

(VTC News) - Nhằm hợp thức hóa nhanh chóng các thủ tục về đất đai, vị cán bộ tư pháp đã bỏ qua các bước quy định, gây thiệt hại cho những người liên quan.

(VTC News) - Nhằm hợp thức hóa nhanh chóng các thủ tục về đất đai, vị cán bộ tư pháp đã bỏ qua các bước quy định, quy trình gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan.

Trong đơn thư gửi đến Báo điện tử VTC News, tập thể 4 hộ dân gồm Dương Văn Lân (SN 1964), Dương Duy Thành (SN 1949), Nguyễn Thị Dung (SN 1925) - Dương Duy Hạnh (SN 1970), Trần Văn Toàn (SN 1976, ngụ xóm Đông, Phong An, Cát Trinh, Phù Cát) phản ánh, vợ chồng ông Trần Lực (SN 1959) và bà Lê Thị Ánh Tuyết (SN 1973) - Giám đốc Công ty TNHH Ánh Tuyết, địa chỉ 26 Tô Hiến Thành, TP.Quy Nhơn - nuôi đà điểu gây ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống xung quanh và có hành vi lừa gạt trong lĩnh vực đất đai liên quan đến các"hợp đồng cho thuê đất", "hợp đồng chuyển nhượng quyền sử đất". 

Theo đơn phản ánh, vào tháng 02 năm 2008, vợ chồng Lực - Tuyết có nhã ý đến các hộ dân xóm Đông, Phong An đặt vấn đề mình đang có dự án nuôi đà điểu, nhằm kinh doanh phát triển kinh tế địa phương.

Các hộ dân phản ánh vụ việc với báo chí - Ảnh: H.C

Vì tình cảm quê hương, lại vốn là người cùng địa phương với nhau (ông Trần Lực là người xóm Đông, sau khi lấy vợ đến TP.Quy Nhơn sinh sống), nên các hộ dân đã không chút do dự đồng ý cho vợ chồng Lực - Tuyết thuê đất với thời hạn 5 năm (từ tháng 02/2008 - tháng 10/2014).

Theo đó, có 8 hộ dân đồng ý cho thuê đất, ngoài ra UBND xã cũng có phần đất cho thuê đối với vợ chồng Lực - Tuyết. Tổng diện tích cho thuê là 13.187m2 (trong đó: hộ gia đình cá nhân sử dụng: 10.597m2; UBND xã quản lý: 2.590m2). 

Vợ chồng Lực - Tuyết bắt đầu tiến hành làm hợp đồng giao kèo hai bên rõ ràng, giao tiền thuê đất cho các hộ dân. Theo đó, ông Dương Văn Lân với diện tích đất cho thuê 1.877m2 được nhận 18.500.000 đồng; ông Dương Duy Thành 1.820m2 được nhận 18.500.000 đồng; hộ Nguyễn Thị Dung - Dương Duy Hạnh với 500m2 nhận được 5 triệu đồng; ông Trần Văn Toàn 1.360m2 được nhận 27.200.000 đồng...

 Ban đầu là hợp đồng thuê đất, sau đó chuyển sang
hợp đồng chuyển nhượng đất - Ảnh: H.C

Với lý do "Mượn sổ đỏ Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất để trình lên các cấp chính quyền, chứng minh là có đất thật để cơ quan chức năng cho mở trang trại chăn nuôi", vợ chồng Lực - Tuyết đã đến các hộ dân gom sổ đỏ rồi tiến hành các thủ tục chuyển toàn bộ số đất mà các hộ dân cho thuê có thời hạn sang chuyển nhượng sử dụng lâu dài.

Đến năm 2011, vợ chồng Lực - Tuyết hợp thức hóa cho mình bằng "sổ đỏ" mà họ là chủ sở hữu" - các hộ dân cho biết.

Sự việc vỡ lở khi ông Dương Duy Thành mang sổ đỏ của mình đến Qũy tín dụng Ngô Mây - Phù Cát để vay tiền chăn nuôi sản xuất thì không vay được vì đất này không thuộc quyền ông Thành nữa.

"Sự việc gây thiệt thòi cho những người nông dân chất phác như chúng tôi. Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với vợ chồng ông Lực, bà Tuyết nhưng họ luôn tìm cách tránh né, không chịu gặp mặt chúng tôi để làm cho rõ chuyện, giải quyết cho hợp tình hợp lý" - ông Thành bức xúc.

 Diện tích đất của hộ Dương Duy Thành đã bị cơ quan chức năng gạch bỏ vì đã được "chuyển nhượng" nên không vay được tiền tín dụng - Ảnh: H.C

"Hôm rồi, ông Trần Lực có về xóm Đông, chúng tôi tìm cách truy hỏi tại sao vợ chồng lại lừa đảo lấy đất của chúng tôi như vậy thì họ bảo rằng họ không biết, tất cả giấy tờ hợp đồng chứng thực đều do cán bộ xã làm, có gì lên làm việc với xã" - ông Lân nói.

Bất ngờ từ "hợp đồng chuyển nhượng đất"

PV VTC News trực tiếp làm việc với UBND xã Cát Trinh để tìm hiểu thực hư đơn tố cáo người dân. Ông Nguyễn Văn Liền (Tư Liền) - Cán bộ địa chính, cho chúng tôi xem những tập hồ sơ của các hộ liên quan đến đơn thư. Theo đó, thay vì chỉ có "Hợp đồng thuê đất" mà người dân cung cấp thì vị cán bộ này đưa ra những bản "Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất", có chứng thực của chính quyền địa phương và chữ ký những người liên quan.

Tuy nhiên, đằng sau những bản "Hợp đồng chuyển nhượng" có nhiều điều khuất tất cần làm sáng tỏ. Lý do, những đương đơn có quyền - lợi ích liên quan đến hợp đồng đã không đích thân ký vào đơn mà do người khác ký thay vào.

Cụ thể, "Hợp đồng chuyển nhượng đất" của hộ ông Dương Văn Lân. Ngoài chữ ký của vợ là bà Trần Thị Diện (SN 1959), thì ông Lân ký tên cho ông và ký đại diện cho tất cả con cái. 

 Ông Thành được chỉ định ký thay cho các con của mình (hàng dọc góc trái) - Ảnh: H.C

Tương tự hộ ông Dương Duy Thành, một mình ông Thành đã ký thay cho các con mình. Kể cả bà Lộc là vợ ông Thành cũng bị người nào đó ký thay vào một số chỗ.

Riêng hộ Nguyễn Thị Dung - Dương Duy Hạnh, qua tìm hiểu thì bà Dung là mẹ của ông Hạnh, vào thời điểm ký "Hợp đồng chuyển nhượng đất", bà Dung tuy tuổi cao sức yếu nhưng vẫn còn năng lực dân sự nhưng cán bộ địa chính lại bỏ qua quyền và lợi ích của bà. Nghĩa là hợp đồng không có chữ ký xác nhận của bà Dung. Năm 2010 thì bà Dung chết.

"Về luật, về nguyên tắc việc làm này của cán bộ tư pháp xã là vi phạm pháp luật" - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Cty Luật Anphana - TP.HCM) cho biết.

Cán bộ xã làm sai

Trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Văn Chung - Cán bộ tư pháp xã Cát Trinh - người đi chứng nhận các đơn sự liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng đất, thừa nhận việc làm của mình là chưa đúng nguyên tắc, không đúng quy định.

Vị này "kể khổ", chúng tôi biết làm như vậy là sai nhưng nếu không làm thì biết bao giờ hợp đồng mới xong. Bởi có hộ gia đình con cái bận đi làm việc, học hành ở xa không thể về ký giấy tờ được (?!). Bởi vậy nên mới nhờ ai đó, đại diện trong gia đình ký thay.

 "Các bên giao kết đã đọc hợp đồng này, đã đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong hợp đồng và đã ký vào hợp đồng này trước sự có mặt của tôi" - lời ghi khống của vị Phó Chủ tịch UBND xã Cát Trinh Nguyễn Thanh Tùng vào thời điểm năm 2009. Hiện tại, vị này đang giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Cát Trinh - Ảnh: H.C

Trong văn bản "Lời chứng thực" của các hợp đồng do ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Trinh - ký (vào các ngày 31/3/2009, 17/11/2009), có đoạn viết tay "Các bên giao kết đã đọc hợp đồng này, đã đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong hợp đồng và đã ký vào hợp đồng này trước sự có mặt của tôi".

Trao đổi về "Lời chứng thực" ghi trong văn bản, ông Chung cho rằng đó là đoạn văn mẫu, theo lệ thì cứ ghi cho đúng vào biên bản là được, chứ không hề có mặt mọi người trước mặt ông Tùng.

"Ông Phó chủ tịch xã ghi rằng hợp đồng này đọc trước nhiều người, những người liên quan nghe nhưng có mấy ai biết vì có ai đến UBND xã làm việc đâu, lại nữa vị phó chủ tịch xã cho rằng "trước sự có mặt của tôi", chúng tôi có thấy mặt mũi ổng lúc đó như thế nào mà ổng dám ghi thế" - bà Lộc nói.

Ngoài ra, theo quy định, sau khi chứng thực hợp đồng chuyển nhượng đất giữa các bên liên quan (bên A, bên B) mỗi bên được nhận một bản hợp đồng chính, còn 1 bản lưu tại UBND xã nhưng những hộ dân cho biết, đều không nhận được bản hợp đồng này nên không hề hay biết vợ chồng Lực - Tuyết "làm gì" sau đó.

Nuôi đà điểu gây ô nhiễm môi trường

Ngoài vấn đề về đất đai, đơn thư còn phản ánh, sau một thời gian dài 3 năm chăn nuôi đà điểu tại trang trại xóm Đông, vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những hộ dân sinh sống xung quanh khu vực đã xảy ra.

"Vào mùa mưa, toàn bộ phân đà điểu kèm nước thải trôi chảy lênh láng trên mương tràn vào vườn nhà, giếng nước các hộ dân. Vợ chồng ông Lực, bà Tuyết không chịu nạo vét, không dọn cây cối để um tùm, làm ứ đọng tràn ngập trên vườn, tràn vào chuồng bò gần nhà ở, hôi tanh tột cùng. Mùa nắng thì mùi khai khăng khẳng, hôi thối bốc lên không thể nào chịu được" - ông Lân nói.

Khi bà con hết chịu đựng nổi, phản ánh đến thì vợ chồng Lực - Tuyết mới cho người phun thuốc tiêu trùng, khử mùi lúc thì 10 ngày/lần, lúc 1 tháng/lần. Tuy nhiên, việc xử lý "mì ăn liền" không thể giải quyết cho vấn đề môi trường bị ô nhiễm lâu dài, không khí hít thở không còn trong lành, nguồn nước bị nhiễm bẩn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhiều người dân nơi đây.

Theo hồ sơ, nhận được đơn phản ánh, lực lượng chức năng gồm Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện, cảnh sát môi trường, công an kinh tế huyện Phù Cát, UBND xã Cát Trinh đã 3 lần tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân đối với Công ty TNHH Ánh Tuyết vào các tháng 4-7-11 năm 2011.

 Một biên bản kiểm tra môi trường của các cơ quan chức năng đối với trang trại chăn nuôi đà điểu Cty TNHH Ánh Tuyết - Ảnh: H.C

Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng nhận định, trang trại chăn nuôi đà điểu chưa có nhà ủi phân đảm bảo, chưa có hệ thống thu gom và thoát nước chảy tràn, nước vệ sinh chuồng trại; Công suất chăn nuôi vượt quá mức cho phép, Công ty Ánh Tuyết chỉ được phép nuôi số lượng dưới 150 con nhưng có thời điểm vượt 300 con đà điểu (kể cả giống và thương phẩm); diện tích sân chuồng chăn nuôi vượt mức (13.420m2/5.000m2).

Một cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phù Cát cho biết: "Việc mở rộng trang trại chăn nuôi đà điểu của Công ty TNHH Ánh Tuyết có thể không được chấp thuận vì công ty này bị phản đối dữ dội của nhiều người dân nên chính quyền sẽ xem xét lại".


Theo luật sư Hữu Trạch, liên quan đến vụ việc, nếu những gì thể hiện chính quyền xã làm sai trong "Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất", thì giá trị hợp đồng này không có tính pháp lý. Vì vậy, người dân có thể khởi kiện ra tòa án, cơ quan chức năng đề nghị thu hồi sổ đỏ của vợ chồng Lực - Tuyết đang sở hữu.
Phan Cường
Bình luận
vtcnews.vn