Cho người nước ngoài kinh doanh BĐS: Đề xuất tăng điều kiện ràng buộc

Kinh tếThứ Tư, 18/06/2014 08:45:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều đại biểu đồng tình với việc mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản nhưng phải có các cơ chế quản lý, đặc biệt đối với người nước ngoài.

(VTC News) – Nhiều đại biểu đồng tình với việc mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản nhưng phải có các cơ chế quản lý, đặc biệt đối với người nước ngoài.

Chiều 18/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Luật Kinh doanh bất động sản. Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là mở rộng phạm vi kinh doanh trong lĩnh vực này của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Đa số các ý kiến đồng ý việc mở rộng như trong dự thảo là tạo sân chơi bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, tranh thủ được nguồn lực tài chính, nhân lực.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam)
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đặt vấn đề phải quản lý được người nước ngoài đầu tư kinh doanh bất động sản tại Việt Nam 

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nêu ra thực tế thời gian qua có một số lớn dự án bất động sản được cấp phép cho việt kiều hoặc nhà đầu tư nước ngoài nhưng năng lực của chủ đầu tư yếu kém, không có điều kiện triển khai, bỏ hoang, thậm chí bị thu hồi làm phát sinh tranh chấp, kiện tụng .

Đại biểu Tiến đề nghị đặt ra vấn đề mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản, để tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng phải tăng cường điều kiện ràng buộc và hạn chế để đảm bảo sự kiểm soát của nhà nước đối với các chủ thể này cũng như với thị trường bất động sản và lợi ích quốc gia nói chung.

Vì vậy, ông Tiến đề xuất cần hạn chế các tổ chức, cá nhân nước ngoài không được đầu tư kinh doanh bất động sản ở một số địa bàn nhạy cảm về an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Bất động sản
Việc kinh doanh bất động sản tại Việt Nam trong thời gian tới cần phải quy định chặt chẽ hơn 

Bên cạnh đó, nhà nước cần sàng lọc kĩ tư cách pháp lý và năng lực tài chính của các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh bất động sản ở Việt Nam như đặt ra điều kiện ở mức điều lệ tình hình tài chính, năng lực và kinh nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí có thể quy định cả quy mô vốn tối thiểu của dự án mà nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư.


Ngoài ra, nhà nước cần siết chặt hơn thủ tục phê duyệt dự án bất động sản, thủ tục đầu tư đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tăng mức ký quỹ, thực hiện dự án khi phải mua bảo hiểm bắt buộc cho dự án.
Đại biểu Lê Công Đỉnh 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) nêu ra một số tình hình nhạy cảm gần đây, nhất là người Trung Quốc đang mua rất nhiều bất động sản.


“Tôi thống nhất cần phân biệt quyền kinh doanh bất động sản, tuy nhiên theo tôi chỉ phân biệt hai yếu tố là người có quốc tịch Việt Nam và người không có quốc tịch Việt Nam.

Không phân biệt yếu tố định cư ở đâu và không phân biệt yếu tố người gốc Việt hay không.

Nếu chỉ phân biệt như thế sẽ góp phần thực hiện khả thi luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật quốc tịch sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, cũng như phù hợp với quy định mới của Hiến pháp năm 2013”, đại biểu Đỉnh đề xuất.


Quy trách nhiệm chủ đầu tư


Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lại đề cập đến vấn đề bất động sản hình thành trong tương lai.

“Điều quan trọng tôi đề nghị là phải bảo đảm quyền của người góp vốn gồm có 2 quyền: thứ nhất là quyền người mua được kiểm soát bất cứ lúc nào số tiền của mình góp vào được sử dụng như thế nào;

Thứ hai là người mua được chuyển nhượng”, đại biểu Nghĩa đề xuất.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt ra nhiều vấn đề mới trong kinh doanh bất động sản 

Ông
Nghĩa cũng đặt vấn đề trách nhiệm của người đầu tư và kinh doanh bất động sản.

Vị đại biểu này nêu ý kiến, ở Việt Nam có tình trạng sau khi tiền người dân đóng vào hàng trăm tỷ thì nhà đầu tư không hoàn thành, kéo dài, trây ỳ và không có cách nào để buộc nhà đầu tư tiếp tục dự án. Do đó, rất nhiều người dân bị mất tiền trong trường hợp này, cho nên phải bảo đảm nguyên tắc đó.


Vấn đề bảo hành của công trình cũng được đại biểu Nghĩa đặt ra: “Nhiều công trình bất động sản, có những dự án cực kỳ lớn, rất mẫu mực, xem lại thì không bảo đảm tuổi thọ. Tôi đề nghị đưa vào khái niệm là phải bảo hành tuổi thọ, có cam kết về tuổi thọ và bảo hành tuổi thọ”.
Đại biểu Trần Du Lịch 

Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đặt ra thêm vấn đề quy trách nhiệm nếu chủ đầu tư không toàn thành đúng tiến độ.


“Cách đây mấy năm ở Quốc hội, tôi có nói phát triển cái này là chúng ta biến đất nông nghiệp thành đất hoang.

Tôi xin nói lại, khi có quy hoạch 1/500 ai xây dựng bên trong không quan trọng, vấn đề là xây dựng theo quy hoạch, theo tiến độ mới là quan trọng. Chủ đầu tư đầu tiên phải chịu trách nhiệm trên tổng thể như vậy”, đại biểu Lịch đề xuất.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn