Cho con tiền tiêu vặt

Tổng hợpThứ Bảy, 04/12/2010 02:08:00 +07:00

Hãy dạy con trẻ tiêu tiền một cách khôn ngoan, càng sớm càng tốt!

HTML clipboard

Thông thường khi muốn được tặng đồ vật gì đó trong các dịp lễ hoặc sinh nhật, con tôi thường xin tôi đi mua cho nó. Nhưng Giáng Sinh năm nay, tôi thật bất ngờ khi nó muốn tôi cho tiền để tự đi mua những gì mà nó thích. Tôi hoàn toàn không chuẩn bị cho tình huống này bởi nó mới 7 tuổi. Cho con tiền tiêu vặt định kỳ ư? – đó không phải là một ý tưởng tồi. Có điều, tôi nên cung cấp cho chúng khi nào, để mua những gì và đưa bao nhiêu?

Tôi quyết định tìm đến sự tư vấn của một người bạn. Cô ấy là một kế toán còn chồng là một chuyên gia hoạch định tài chính; tất nhiên, họ cũng là cha mẹ. Trong cuộc nói chuyện, Kathie Barnes đã chia sẻ bí quyết dạy con về tầm quan trọng của đồng tiền và cách quản lý nó mà hai vợ chồng đã áp dụng cho con gái của họ. Kathie tin rằng cha mẹ nên dạy con điều này càng sớm càng tốt.

 

"Hãy nói với bọn trẻ về tầm quan trọng của tiền và chia sẻ cách quản lý nó... bởi nếu không, chúng sẽ không biết giá trị của những đồ vật mà chúng thích. Bạn càng chần chừ, sau này càng khó dạy chúng" – Kathie nói thêm.

Cô ấy đã cho Jenny con gái mình 3 đô la hàng tuần từ khi con bé còn học mẫu giáo, rồi để mỗi đô la vào một cái cốc, trên đó có dán nhãn: Tiêu, Dự Phòng, và Tiết Kiệm.

Trẻ con thích rất nhiều thứ cùng một lúc, và đôi khi chúng không biết phải chọn cái gì và liệu đồ vật ấy có phù hợp với ngân quỹ mà chúng có. Vì vậy, hai vợ chồng Kathie luôn khuyến khích con tự sàng lọc ra thứ mà Jenny yêu thích nhất, cần thiết nhất và quan trọng hơn, nó phải cân đối với khoản tiền trong cái chén có chữ "Tiêu", hoặc "Dự Phòng".

"Một trong những việc dễ nhất mà mọi người thường làm với tiền của họ là quẳng đi. Nhưng họ không nghĩ rằng, nó sẽ quay trở lại dưới hàng trăm ngàn kiểu hệ quả" – Kathie nói thêm. Trong khi đó, tuần này qua tuần khác, cái cốc Tiết Kiệm của Jenny ngày càng đầy lên và số tiền ấy hai vợ chồng sẽ cho vào tài khoản ngân hàng mang tên con.

Khi Jenny lên lớp bảy, vợ chồng Kathie tăng khoản tiền phụ cấp lên thành 25 đô la/tháng. Con gái họ vẫn áp dụng phương thức trước đây nhưng từ nay, Jenny sẽ có toàn quyền quyết định số tiền – nay là của riêng cô bé: giữ hoặc tiêu hết.

Rồi Kathie nhận ra rằng con gái cô vẫn trông đợi mẹ mua mọi thứ, ví dụ như quần bò 45 đô la chẳng hạn. Vì thế, khi Jenny lên lớp Tám, Kathie quyết định cho con gái 100 đô la mỗi tháng, bao gồm cả tiền mua quần áo.

"Tôi cố gắng phân loại ra những gì chúng tôi nên mua cho Jenny và những gì con bé phải tự mua. Nó sẽ xây dựng phong cách ăn mặc của riêng nó đồng thời phải biết được giá trị của những đồ vật ấy" – Kathie giải thích.

 

Tôi hỏi vợ chồng họ rằng tại sao không cho Jenny tiền thưởng mỗi khi cô bé làm được việc vặt nào đó trong nhà, như cách mà những gia đình khác đã áp dụng với con họ.

Hai đầu lông mày của Kathie nhíu lại với nhau: "Con gái tôi có giúp đỡ những việc gia đình nhưng chúng tôi không muốn cho nó tiền như là một hình thức trả công; bởi lẽ đó là gia đình chung của chúng tôi và tất nhiên mọi thành viên đều phải cùng nhau xây dựng nó".

Tuy nhiên, việc trả công này đã được hai vợ chồng Kathie áp dụng khi Jenny học đại học năm thứ ba. Cô bé làm thêm cho công ty riêng của hai vợ chồng. Thù lao cho con bé khởi điểm từ 2 đô la, sau đó tăng dần đến 5 đô la. Số tiền này thậm chí còn thấp hơn cả mức thù lao tối thiểu mà họ trả cho nhân viên.

"Cũng giống như việc phải học vỡ lòng, rồi mới lên cấp hai, cấp ba, rồi đại học. Quá trình dạy con giá trị của đồng tiền và cách quản lý nó cũng phải thực hiện từng bước với những chiến lược khác nhau. Được cho tiền tiêu định kỳ, trẻ con sẽ rất phấn khích." – Kathie mỉm cười mãn nguyện.

Phương thức này của vợ chồng cô ấy chắc chắn không phải là sự lựa chọn duy nhất cho các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh trẻ em ngày nay quá dư thừa về vật chất và liên tục bị nhồi nhét những thông tin có tính thương mại trên các phương tiện truyền thông, thì đây cũng là một biện pháp đáng để cha mẹ áp dụng thử.

Hồng Đào

Bình luận
vtcnews.vn