Tít bài ‘Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc' gây tranh cãi: TS Nhị Lê lên tiếng

Chính trịThứ Năm, 06/02/2020 16:30:00 +07:00
(VTC News) -

Tác giả Nhị Lê làm rõ những tranh cãi xung quanh tít bài báo ‘Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc'.

Trả lời VTC News, TS Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản vẫn bảo lưu quan điểm trước những ý kiến trái chiều xung quanh tít bài báo ‘Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc' đăng trên Báo Đầu tư ngày 3/2.

Tít bài ‘Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc' gây tranh cãi: TS Nhị Lê lên tiếng - 1

Bài viết “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc” của TS Nhị Lê đăng trên báo Đầu tư ngày 3/2 khiến dư luận tranh cãi.

- Bài viết “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc” đăng trên báo Đầu tư, nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng ngày 3/2 vừa qua của ông đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng tít của bài báo không rõ nghĩa, gây khó hiểu với người đọc, thưa ông?

Đối với một bài báo hay công trình khoa học, tít rất quan trọng. Nó phải bao chứa nội dung vấn đề và mang tính gợi mở. Với tôi, rất khó. Tôi có thói quen thường đặt tít sau cùng.

Bài báo với nhan đề:“Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc”, cũng vậy.

Tôi bắt đầu ý tưởng từ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản -  cương lĩnh chính trị đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trong đó đề cập một cách tất yếu về Đảng Cộng sản và nghiên cứu Hồ Chí Minh đã phát triển những luận điểm cơ bản trong Tuyên ngôn thành những nội dung chính yếu trong tư tưởng của mình và cương lĩnh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập, rèn luyện, ra sao.

 Sự biến đổi mạnh mẽ của điều kiện lịch sử trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, sự khác biệt về không gian văn hóa, về đặc điểm xã hội giữa Việt Nam- một nước phong kiến thuộc địa phương Đông với nơi ra đời của chủ nghĩa Mác... đã đòi hỏi ở Hồ Chí Minh sự sáng tạo mạnh mẽ.

Trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen lưu ý: Sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản mang tính quốc tế nhưng giai cấp vô sản mỗi nước phải hoàn thành nghĩa vụ trước hết với dân tộc mình. Yêu cầu đặt ra là “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”, tức là việc thành lập các Đảng Cộng sản phải nên được thực hiện trong phạm vi từng quốc gia - dân tộc và đảng cộng sản mỗi nước phải lãnh đạo không chỉ giai cấp công nhân nước mình mà còn lãnh đạo toàn xã hội.

 Tuân thủ chỉ dẫn này, Hồ Chí Minh đã bền bỉ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ vào công nhân mà còn vào phong trào yêu nước bởi muốn trở thành “dân tộc” theo chỉ dẫn của C.Mác và Ph.Ăngghen ở nơi giai cấp công nhân vô cùng ít ỏi, Đảng Cộng sản Việt Nam phải quy tụ được đông đảo những người dân Việt Nam yêu nước, phải đưa phong trào yêu nước đi theo con đường cách mạng vô sản.

Kết quả là, trong sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, có sự tham gia của yếu tố thứ ba - phong trào yêu nước.

 Thực hiện chỉ dẫn của C.Mác và Ph.Ăngghen về nghĩa vụ đối với dân tộc của giai cấp công nhân mỗi nước cũng như hiểu rõ đặc điểm của mỗi nước Đông Dương, Hồ Chí Minh kiên quyết thành lập ở mỗi nước Đông Dương một đảng cách mạng riêng và ở Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam mặc dù Quốc tế Cộng sản đã yêu cầu chỉ thành lập ở Đông Dương một Đảng Cộng sản duy nhất.

Sáng tạo trong thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Chủ nghĩa Mác – Lênin về Đảng Cộng sản đã chỉ ra quy luật ra đời, tồn tại, phát triển của Đảng là chủ nghĩa xã hội khoa học kết hợp với phong trào công nhân. Theo Lênin, Đảng Dân chủ - xã hội Nga ra đời là sự kết hợp phong trào công nhân với chủ nghĩa xã hội, “Cho nên trong tất cả các nước châu Âu, chúng ta nhận thấy ngày càng có xu hướng kết hợp chủ nghĩa xã hội với phong trào công nhân thành một phong trào dân chủ - xã hội thống nhất…đó là, đảng công nhân dân chủ - xã hội độc lập”.

Tít bài ‘Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc' gây tranh cãi: TS Nhị Lê lên tiếng - 2

nhi le.jpg

Tôi gói các ý tưởng khoa học rất toàn diện và sâu sắc của C. Mác - Ph. Ăng-ghen, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Điều lệ Đảng, một cách hệ thống và căn cơ, để rút tít gồm 11 từ cho bài báo đã đăng.

TS Nhị Lê

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, khi vận dụng quy luật này vào Việt Nam đã khái quát: “Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”.

Như vậy, trong quy luật ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã bổ sung thêm thành tố phong trào yêu nước. Sự bổ sung này rất sáng tạo và phù hợp với điều kiện lịch sử của Việt Nam.

Đây là sự sáng tạo độc đáo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin về quy luật ra đời của Đảng cộng sản ở những quốc gia kém phát triển.

Đồng thời, sáng tạo trong làm rõ thêm những biểu hiện tính dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh tính giai cấp, Đảng phải thể hiện được tính dân tộc của mình.

Trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, khi bàn về tính dân tộc của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”, nhưng tính dân tộc biểu hiện như thế nào thì chưa có điều kiện làm rõ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rõ tính dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Người chủ trương thành lập ở mỗi nước Đông Dương một chính đảng khác nhau lãnh đạo cách mạng. Do Việt Nam, Lào, Campuchia tuy là 3 nước nằm trên bán đảo Đông Dương, cùng chịu ách đô hộ của thực dân Pháp nhưng quá trình hình thành, phát triển, phong tục tập quán của dân tộc ở mỗi quốc gia có nét khác biệt. Điều này thể hiện sự hiểu biết sâu rộng về tình hình cách mạng cụ thể ở 3 nước Đông Dương, trái ngược lại chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản là thành lập một chính đảng lãnh đạo cả 3 nước Đông Dương.

Đảng Cộng sản Việt Nam bảo vệ cho lợi ích giai cấp công nhân nhưng về cơ bản lợi ích giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích đại đa số quần chúng nhân dân lao động và dân tộc. Cho nên Đảng ta còn bảo vệ cho lợi ích của đại đa số nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong giai đoạn này quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”.

Năm 1953, Hồ Chí Minh viết: “Đảng lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc… Đảng là đảng của giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân”.

Đảng Cộng sản Việt Nam còn tạo ra cơ sở xã hội, lực lượng xã hội là chỗ dựa cho tính dân tộc. Điều này rất quan trọng. Đảng không chỉ kết nạp những quần chúng ưu tú xuất thân từ giai cấp công nhân mà kết nạp những người tiên tiến từ các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội như giai cấp nông dân, tầng lớp tiểu tư sản…

Có như vậy, Đảng mới trở thành đại diện xứng đáng cho dân tộc, là đạo đức, là văn minh, là kết tinh trí tuệ của dân tộc và thời đại.

Khi luận giải về mối quan hệ giữa tính giai cấp và tính dân tộc của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần tránh quan điểm phi giai cấp khi nói về bản chất của Đảng và tính giai cấp, tính dân tộc không mâu thuẫn mà có mối quan hệ mật thiết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng ta.

 Và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 2011, viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”.

Thế là đã rõ ràng: Đảng không xứng đáng tự mình trở thành dân tộc thì rất khó dẫn dắt được dân tộc. Con đường trở thành này rất gập ghềnh! Tôi muốn nói vậy!

Tôi nghĩ, cái gì được tư duy một cách có căn cứ khoa học và thực tiễn một cách hệ thống thì tất có trên tay điều đó một cách hiện thực.

Theo đó, tôi gói các ý tưởng khoa học rất toàn diện và sâu sắc của C. Mác - Ph. Ăng-ghen, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Điều lệ Đảng, một cách hệ thống và căn cơ, để rút tít gồm 11 từ cho bài báo đã đăng. Vậy thôi!   

Tít bài ‘Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc' gây tranh cãi: TS Nhị Lê lên tiếng - 3

Bài viết “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc” của TS Nhị Lê đăng trên báo điện tử Baodautu.vn. (Ảnh chụp màn hình)

- Có quan điểm cho rằng, cần viết cho những người đọc phổ thông cùng hiểu chứ không chỉ không phải chỉ viết cho những người có trình độ lý luận, thưa ông?

 Đó là một cách quan niệm.

Nhưng báo chí của chúng ta hiện nay không như vậy. Tờ báo nào có tính phổ thông, tờ báo nào truyền tải trình độ cao? Chia cắt như thế là một sự thất bại được báo trước.

Bạn đọc của chúng ta dù ở nhiều trình độ, nhưng nhìn chung có trình độ cao, thậm chí một bộ phận rất cao. Báo chí phải nâng mình lên và đáp ứng tất cả. Nếu không báo chí sẽ tự mình chuốc lấy thất bại.

 Qua báo chí, tất cả bạn đọc tự nâng mình lên, tự mình học tập và trao đổi lẫn nhau. Đó là đòi hỏi chính đáng và nhu cầu tất yếu. Và, đó cũng là con đường đối thoại giữa báo chí và bạn đọc, để qua đó, báo chí phải tự nâng mình lên và phát triển, mới đủ sức hấp dẫn, dẫn dắt bạn đọc và có chỗ đứng với bạn đọc.

 Thực tiễn đang như thế!

- Nhiều ý kiến cho rằng, bối cảnh của đoạn trích dẫn trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của C. Mác và Ăng-ghen mà ông sử dụng là từ thời điểm Đảng Cộng sản đang đấu tranh giành dân tộc, đến nay nếu trích dẫn ý này đã không còn phù hợp. Điều này có đúng, thưa ông?

 Đó là mối quan hệ giữa cái bất biến và cái khả biến. Đúng hay lịch sử đã vượt qua, phải qua thực tiễn kiểm chứng. Sinh thời, C.Mác và Ph.Ăngghen đã căn dặn: “Bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy thuộc theo hoàn cảnh đương thời”.

Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và sau nhiều tìm tòi, trăn trở, Người quyết định đi theo con đường cách mạng vô sản mà Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vạch ra.

Thấu hiểu cội nguồn sinh thành ra con đường đó, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”. Một trong những điều làm nên sức sống của chủ nghĩa Mác chính là đặc tính “mở”, tức là khả năng tự đổi mới theo quá trình phát triển của tri thức nhân loại và phong trào cách mạng thế giới.

 Luận đề mà tôi rút làm tít, dù thời thế thay đổi ra sao, như đã trình bày ở trên, đối với chúng ta là điều bất biến suốt 90 năm qua, kể từ khi Đảng ta ra đời, được thực tiễn cách mạng nước ta nghiêm khắc kiểm chứng và hiện nay dù rất phù hợp, nhưng đòi hỏi phai tiếp tục nghiền ngẫm và phát triển. Đó là yêu cầu tự nhiên.        

- Liệu có sai sót trong quá trình dịch từ nguyên bản tiếng Đức, sang tiếng Anh và tiếng Việt tạo nên câu từ khó hiểu, thưa ông?

Đó là sự khác nhau về phong cách của các ngôn ngữ! Chân lý vốn đơn giản,   dù nó được thể hiện bằng bất cứ ngôn ngữ nào. Vấn đề ở đây, chỉ có người dịch thuật hay chuyển ngữ, đúng là lắm khi làm người đọc vất vả. Ngay ở ta, các bản dịch “Nam quốc sơn hà” hay “Đại cáo bình Ngô” là những ví dụ.

Và, ở đây, dù ngôn ngữ nào, có lẽ ít ai không hiểu đúng tư tưởng của văn phẩm chính trị Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, với tư cách là cương lĩnh cách mạng của các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế.

- Ông có biết về những tranh luận trên mạng xã hội và một số diễn đàn về bài viết của mình?

Tôi theo dõi rất thường xuyên và kỹ lưỡng là đằng khác. Rất nhiều ý kiến, rất đa dạng về thái độ và nhận thức. Rất mừng, vì được bạn đọc quan tâm. Không chỉ có bài này đâu. Góp cho bạn đọc điều gì hữu ích về nội dung hay phương pháp thì rất mừng và tự nhủ mình cần cố gắng hơn.

Xin trung thành trích lại trực tiếp mấy ý kiến bạn đọc trên mạng xã hội chung quanh bài này, tương dung với chủ ý của tôi, hoặc do bạn đọc khác biết tôi và gửi tới tôi.

Chẳng hạn, bạn Nghia Nhan Hoang viết: “Chủ nghĩa cộng sản không phải là lý thuyết đóng. Nó luôn cần được phát triển. lý giải cho sát thực tế. Dân tộc – nghĩa triết học của mó không chỉ là danh từ, mà còn là tính từ. Bài viết về Đảng Cộng sản Việt Nam, gắn bó thực tiễn Việt Nam. Tác giả cũng không hề trích dẫn đâu cả. Tức là đã biến tư tưởng của các bậc tiền bối thành của mình và phát triển nó. Đây là việc tốt. Đấy là nhiệm vụ của các nhà lý luận như ông Nhị Lê. Tất nhiên bài viết đó không dành cho số đông, nên nhiều người không cảm nhận được, thậm chí phản ứng.

Dân tộc ở đây là tính từ, hàm ý Đảng ngày càng dân tộc hơn. Nếu đảng viên đọc mà không cảm nhận ra, vẫn không thấy dân tộc tính là bắt buộc, là thuộc tính phải có cho đảng cầm quyền trong thể chế nhất nguyên…thì hơi lo à nha”.

Một bạn khác chuyển tới tôi ý kiến của một bạn khác viết: “Đảng – dân tộc = Họ dốt hay mình hạn hẹp. Mấy hôm nay em thấy nhiều người, trong đó có không ít trí thức “chửi” cái tít này. Mấy hôm nay có tí việc, nay tranh thủ ngồi đọc lại bài này rồi mới thấy đây là một cái tít quá hay, quá triết lý. Nhiều người đọc vào thì thấy cái tít này mơ hồ, tối nghĩa. Nhưng họ không hiểu hết các khái niệm của hai phạm trù Đảng và dân tộc”. Bản báo đăng hết thì tôi trích tiếp, dài lắm.

Bạn Nguyễn Thị Thảo (Diễn đàn Báo chí và Truyền thông xã hội), thì viết: “Lí giải về cái tít gây tranh cãi trên Báo Đầu tư của TS. Nhị Lê, nguyên PTBT Tạp chí Cộng sản. Hóa ra không phải TS. Nhị Lê nói, mà là cử nhân Mác nói”.

Tranh luận một cách cầu thị, dân chủ và có nghĩa lý là con đường ngắn nhất tiếp cận chân lý. Viết, đăng mà bài báo rơi tũm như ném viên gạch  xuống ao bèo, thì chán chết!

- Ông có bảo lưu quan điểm của mình trước một số ý kiến chỉ trích vừa qua?

Câu hỏi của anh về một số ý kiến chỉ trích, tôi nghĩ, đó là chuyện bình thường. Và, lại làm tôi chợt nhớ tới Tháp Eiffel, mà tôi đọc được một cách rất thích thú, về lịch sử của nó, từ hồi còn bé. Với một lịch sử đầy thăng trầm của công trình cao nhất hành tinh, từng bị nhiều người ghét bỏ, rồi trở thành biểu tượng của nước Pháp và là tòa tháp được nhiều người tìm đến chiêm ngưỡng nhất thế giới, làm tôi càng nhớ rất kỹ.

Và, năm 2019 vừa qua, nước Pháp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 120 của Tháp. Kể từ khi công trình này khánh thành năm 1889 đến nay đã có hơn 200 triệu lượt người tới thăm tháp Eiffel, khiến nó trở thành công trình được tới thăm và chiêm ngưỡng nhiều nhất trên thế giới.

Tác giả của nó là Nhà thiết kế tháp, kỹ sư Gustave Eiffel; và tên Ông Gustave Eiffel được đặt cho tên Tháp, sau khi khánh thành.

Nhớ lại, ban đầu, dự án Tháp Eiffel từng bị nhiều người Paris ghẻ lạnh và coi nó là cái gai trong mắt họ. Báo chí Pháp thời đó thường đăng những bức thư phản ánh thái độ phẫn nộ của cộng đồng nghệ thuật Paris đối với ngọn tháp. Tiểu thuyết gia Guy de Maupassant là một trong những người nổi tiếng ghét công trình này. Ông thường tới ăn trưa tại nhà hàng ngay bên trong tháp vì cho rằng đây là nơi duy nhất ở Paris giúp ông không phải nhìn thấy tháp Eiffel.

Khi tháp Eiffel khánh thành năm 1889, nó lập tức trở thành công trình cao nhất thế giới, với kỷ lục cao 230 mét, được giữ tới tận năm 1930.

Ngày 10/9/1889, nhà phát minh bóng đèn Thomas Edison tới thăm tháp Eiffel và viết vào sổ lưu niệm, trong đó bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với kỹ sư Gustav Eiffel vì sự dũng cảm của ông đã tạo ra một công trình kỳ vĩ.

Tôi tự mình là người nghiêm cách và khó tính trong làm nghề báo. Sau khi cân nhắc, hạ bút viết và cho đăng bài báo, tôi chịu trách nhiệm. Tôi cam kết với tòa soạn, nếu sửa gì, nhất là tít và các chữ tôi gạch chân đề nghị nhấn mạnh, nên cho tôi xem lại. Và, may mắn thay, tờ Đầu tư không sửa chữa cái tít, dù chỉ một chữ.

Năm mới, xin có mấy lời tâm sự và cảm ơn bạn đọc, cảm ơn bản báo dành cho tôi sự ưu ái rất đáng trân trọng này!

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Trường(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp