Chính sách thương mại mơ hồ của Mỹ với Trung Quốc gây tranh cãi

Tư liệuThứ Tư, 13/10/2021 12:27:00 +07:00
(VTC News) -

Trung Quốc phản hồi tích cực với các phát biểu của Mỹ về quan hệ thương mại, nhưng các nhà phân tích chưa thực sự hiểu ưu tiên của chính quyền Biden là gì.

Trong bài phát biểu của Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai tuần trước, bà vạch ra cách tiếp cận mới của chính quyền Biden với Trung Quốc. Tại phần hỏi đáp, bà đặc biệt lưu ý đến từ: “Tái hợp”.

Đại diện Mỹ khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden không hướng tới “thổi bùng căng thẳng thương mại với Trung Quốc”. Thông điệp về việc có lẽ hai bên nên tiếp cận nhẹ nhàng hơn để thảo luận các vấn đề thương mại – đã nhận được phản hồi tích cực từ những người đồng cấp của bà Tai tại Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Washington vẫn chưa thực sự hiểu chính sách thương mại của ông Biden và bà Tai là gì. Họ gọi đây là chính sách “Trump phiên bản đơn giản hóa” khi các chương trình thuế quan và lệnh trừng phạt mà người tiền nhiệm của ông Biden áp dụng vẫn được duy trì.

Một số nhà phân tích kêu gọi Nhà Trắng ngừng khăng khăng thay đổi hành vi thương mại của Trung Quốc, thay vào đó theo đuổi một chiến lược “vì tất cả những người khác” - làm việc với các nước có chung quan điểm và sẵn sàng chơi chung luật.

Chính sách thương mại mơ hồ của Mỹ với Trung Quốc gây tranh cãi - 1

Tàu chở hàng ngoài cảng Los Angeles và Long Beach, California, Mỹ, (Ảnh: Reuters)

Mỹ sẽ mềm mỏng hơn với Trung Quốc?

Tần Cương, tân đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, hôm 8/10 cho biết phía Trung Quốc đã lắng nghe các phát ngôn của bà Katherine Tai rất cẩn thận.

“Tôi đã lưu ý việc đại sứ Tai nói Mỹ muốn tái hợp với Trung Quốc, điều này khá tích cực. Hai bên có thể ngồi xuống và xem lại các lĩnh vực đã mất kết nối và làm thế nào để kết nối trở lại”, ông nói.

Khi được hỏi có theo đuổi hướng "tái hợp" này không, bà Tai cho biết: “Tôi biết đã có nhiều người nói về chuyện chia rẽ giữa hai nền kinh tế. Tôi không nghĩ đó là kết quả đến từ chúng tôi”.

Bà nói thêm: “Vấn đề có lẽ là, khi nói chuyện tái hợp, các mục tiêu chúng ta đang tìm kiếm là gì? Khi đó chúng ta có thể có một mối quan hệ như thế nào với Trung Quốc? Mối quan hệ thương mại sẽ được thiết lập thế nào khi chúng ta đang giữ các vị trí vững chắc và mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng và có hoạt động thương mại không phụ thuộc?"

Trước đó, "tái hợp" đã được giáo sư nghiên cứu quốc tế Wang Dong tại Đại học Bắc Kinh sử dụng nhiều trong một bài báo. Ông lập luận: "Thay vì hướng đến tách rời hoàn toàn, gây tổn hại hai nền kinh tế, Washington và Bắc Kinh có thể liên kết lại hoặc tái tạo nền kinh tế của họ trên cơ sở có đi có lại mới".

Việc bà Tai sử dụng từ này dường như để báo hiệu cho Bắc Kinh rằng Washington đang lắng nghe. Nhưng bà cũng cẩn thận không nói từ đó trong phần phát biểu để không làm cho nó giống như chính sách chính thức của Mỹ. 

Chính sách thương mại mơ hồ của Mỹ với Trung Quốc gây tranh cãi - 2

Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai. (Ảnh: FP)

Vấn đề hai nền kinh tế bị tách rời vốn đã là một mối quan tâm lớn đối với Trung Quốc. Ngay cả khi khẩu chiến với Mỹ về thương mại, Trung Quốc cũng suy nghĩ về việc các công ty sẽ rời nước này để thiết lập chuỗi cung ứng riêng.

Trong một hội thảo trực tuyến của CSIS (trung tâm nghiên cứu tại Mỹ), một ngày sau bài phát biểu của Tai, hai học giả Trung Quốc bày tỏ sự nhẹ nhõm khi đại diện thương mại Mỹ đã không ủng hộ quan điểm "chia tay". 

Tai đã sử dụng các thuật ngữ như "chung sống lâu bền" và "tái hợp". "Những từ này khá mới mẻ, nhưng về cơ bản, tôi nghĩ chúng tích cực cho mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung", chuyên gia Trung Quốc nói.

Wang Yong, giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, gọi gợi ý của Tai về việc tái hợp là "tích cực", "thiết thực" và "thực tế".

Kế hoạch chậm trễ

Nhưng Edward Alden, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Western Washington và là thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viết trên tờ Foreign Policy rằng việc xem xét chính sách thương mại của chính quyền Biden thời gian qua đã thất bại.

Ông viết: "Thật khó để biết các quan chức Mỹ dành tất cả thời gian đó để nói về điều gì; sản phẩm của họ không phải là một chính sách hay chiến lược mà chỉ là một cái nhún vai - họ không thực sự chắc chắn phải làm gì với Trung Quốc", ông viết.

Alden lập luận: “Chính quyền Biden sẽ phải vất vả để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ thương mại này, trừ khi họ thay đổi định nghĩa về thành công. Họ nên ngừng cố gắng thay đổi Trung Quốc và thay vào đó theo đuổi các chính sách kinh tế và thương mại có tác dụng tốt hơn cho Mỹ và cho phần còn lại của thế giới".

Ông viết: "Thay vì cố gắng xây dựng một chính sách thương mại chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Quốc, chính quyền Biden nên theo đuổi một chiến lược 'vì tất cả những người khác' mà theo cách nói của Tai, là 'cho phép cạnh tranh lành mạnh'".

"Điều đó sẽ cho các đối tác thương mại nhiều thứ hơn, thay vì phương án Trump đã đưa ra, khiến họ phải lựa chọn giữa đối phó với kẻ bắt nạt Mỹ và đối phó với kẻ bắt nạt Trung Quốc. Nó cũng có thể thay đổi các cuộc đối thoại chính trị trong nước về thương mại".

Bên cạnh đó, Alden nói với Nikkei Asia rằng "phần còn lại của thế giới" nên làm việc để cải thiện WTO. Ông nói: “Rất nhiều 'phần còn lại của thế giới' có thể vui vẻ hoạt động theo hệ thống WTO, trong khi WTO sẽ được bổ sung bằng các thỏa thuận khu vực khác nhau như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ về Xuyên Đối tác Thái Bình Dương (CPTPP) và Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)".

Chính sách thương mại mơ hồ của Mỹ với Trung Quốc gây tranh cãi - 3

Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala. (Ảnh: Reuters)

Một khía cạnh khác cần xem xét là thương mại nằm ở đâu trong các ưu tiên của Biden. Trong bài viết tiêu đề "Chiến lược thương mại của Biden thì không", tờ Wall Street Journal chỉ trích sự thiếu chi tiết của chính quyền trong việc theo đuổi chính sách thương mại và "sự lộn xộn ngoại giao" của bà Tai về việc liệu Mỹ có tái gia nhập CPTPP hay không.

"Tất cả những điều này cho thấy một chính quyền dường như không có chiến lược gì đối phó với Trung Quốc ngoài việc nói chuyện cứng rắn", bài viết nhận định.

"Một lời giải thích cho điều này có thể là vì ưu tiên chính - và duy nhất - của chính quyền với Trung Quốc là đạt được cam kết giảm lượng khí thải carbon dioxide, trước cuộc thảo luận khí hậu ở Glasgow vào tháng tới", bài viết nêu. 

Phương Anh(Nguồn: Nikkei Asia)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp