Dồn dập đòi ưu đãi thuế, ‘ông lớn” bị từ chối thẳng thừng

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Năm, 10/12/2015 06:59:00 +07:00

Nhiều ông lớn trong và ngoài nước “kể khổ” xin giảm thuế nhưng đã bị Bộ Tài chính thẳng thừng từ chối.

(VTC News) – Nhiều ông lớn trong và ngoài nước “kể khổ” xin giảm thuế nhưng đã bị Bộ Tài chính thẳng thừng từ chối.

Dồn dập đòi ưu đãi thuế

Trong tháng 11/2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã gửi công văn lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đề nghị xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu áp dụng cho xăng dầu Dung Quất từ nay đến cuối năm.

Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lý giải,  theo cam kết trong ASEAN, hiện nay thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng với các mặt hàng từ ASEAN. Tính toán cơ học có thể nhận thấy, giá bán sản phẩm dầu DO của Dung Quất chịu thuế cao hơn 5% so với hàng cùng chủng loại nhập từ Singapore hoặc Thái Lan (những nước xuất khẩu dầu DO cho Việt Nam).
Đề xuất xin ưu đãi thuế của PVN đã bị Bộ Tài chính từ chối
Đề xuất xin ưu đãi thuế của PVN đã bị Bộ Tài chính từ chối
Chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu làm cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chuyển sang mua các sản phẩm nhập khẩu từ các nước ASEAN để hưởng chênh lệch thuế, khiến xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất gặp khó trong khâu tiêu thụ.

Vì vậy, PVN đề nghị xem xét điều chỉnh mức thuế nhập khẩu mặt hàng dầu diezen (DO) giảm về mức 7%, mặt hàng hạt nhựa PP giảm về mức 0%.

Đầu tháng 11, “ông lớn” Hàn Quốc Công ty TNHH Samsung Electronics CE Complex (Samsung) tiếp tục xin đề xuất nhiều ưu đãi vượt quy định về thuế cho dự án Samsung CE Complex” (SECC). Trước đó không lâu, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có báo cáo kiến nghị về những ưu đãi đầu tư đặc biệt, vượt khung cho dự án đầu tư 3 tỷ USD của Samsung.

Đầu tháng 9 năm nay, ngành than cũng gây chú ý khi xin ưu đãi thuế dù giá than cao ngất ngưởng. Đại diện ngành than cho rằng tỷ lệ thuế, phí trong cơ cấu giá thành than rất cao nên để có thể trang trải được chi phí và có mức lợi nhuận, ngành than đề nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh giảm thuế môi trường tài nguyên chung cho cả khai thác lộ thiện và hầm lò.

Ngành than cũng đề nghị miễn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (vì thuế tài nguyên và chi phí cấp quyền khai thác khoáng sản có cùng bản chất, nên chỉ giữ thuế tài nguyên).

Bị từ chối thẳng thừng

Các ông lớn dồn dập đòi ưu đãi thuế nhưng Bộ Tài chính đã nhanh chóng từ chối. Trong văn bản phản hồi chính thức về những kiến nghị của PVN liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết: “Việc đề nghị giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng dầu vừa đề nghị tăng mức giá trị ưu đãi cho các sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất là chưa hợp lý trong tương quan lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh hiện nay trong công thức tính giá cơ sở đối với sản phẩm xăng dầu làm cơ sở cho giá bán lẻ xăng dầu trong nước mức thuế nhập khẩu là mức thuế nhập khẩu ưu đãi.

Bộ Tài chính cũng “lắc đầu” với đề nghị xin ưu đãi thuế của Samsung. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, một số đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp vừa được Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam nêu lên là vượt khung hoặc không quy định trong luật hiện tại.

Bộ Tài chính chưa “bình luận” về kiến nghị của ngành than nhưng đề nghị này sớm bị chính những đơn vị trong ngành phản đối. TS Nguyễn Thành Sơn, Chuyên gia khoáng sản cho rằng, mức tính toán giá bán than theo quy hoạch như trên là quá cao. Do đó ngành than phải tính toán lại chi phí cấp than trong nước để phù hợp, đặc biệt là giá bán than cho điện.


Thu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn