Chứng khoán 2019: Cổ phiếu ‘gãy cánh’, đại gia mất nghìn tỷ đồng

Chính sách thuế và cuộc sốngChủ Nhật, 05/01/2020 19:07:00 +07:00
(VTC News) -

Thị trường chứng khoán Việt Nam 2019 khép lại với tăng trưởng 7,67% của VN-Index, tuy nhiên thanh khoản lại giảm xấp xỉ 35%, dòng tiền trên thị trường kém dồi dào.

Năm qua, thị trường cũng chứng kiến nhiều mã cổ phiếu diễn biến bất thường. Trong đó, có cổ phiếu đột ngột lao dốc hàng chục, thậm chí 30 phiên giảm sàn liên tiếp khiến tài sản chứng khoán nhiều đại gia bị thổi bay cả ngàn tỷ đồng.

Chứng khoán 2019: Cổ phiếu ‘gãy cánh’, đại gia mất nghìn tỷ đồng - 1

Nhiều đại gia sàn chứng khoán mất cả ngàn tỷ trong 2019 do cổ phiếu lao dốc. 

Dữ liệu từ HoSE cho thấy mã YEG của Yeah1 giảm 84,2% thị giá từ đầu năm (tính từ 1/1-31/12/2019). Đóng cửa giao dịch ngày 31/12, YEG đứng mức 37.000 đồng/cổ phiếu, giảm 1.200 đồng so phiên liền trước. Như vậy, mỗi cổ phiếu mất 198.000 đồng trong 2019. Với hơn 28 triệu cổ phiếu đang lưu hành, trải qua 250 ngày giao dịch, vốn hoá Yeah1 bị cuốn bay khoảng trên 5.600 tỷ đồng.

Do nắm giữ hơn 13 triệu cổ phiếu, ứng với 45,2 vốn Yeah1, tài sản chứng khoán của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Chủ tịch Hội đồng quản trị Yeah1 bị bốc hơi hơn 2.580 tỷ đồng. Hiện ghi nhận mức 482 tỷ đồng.

Nguyên nhân cổ phiếu Yeah1 suy giảm bắt nguồn từ việc đối tác YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung liên quan tới mảng YouTube Adsense của YEG sau ngày 31/3.

Cụ thể, Youtube dừng hợp tác với Yeah1 do liên quan đến công ty SpringMe Pte Ltd (trụ sở Thái Lan, do Yeah1 sở hữu 16,93%) có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của Youtube. Youtube đã áp dụng chính sách tương tự với tất cả công ty khác liên quan với Tube Adsense trực thuộc tập đoàn.

Không chỉ ảnh hưởng thị giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh quý II và III của Yeah1 cũng bị ảnh hưởng nặng nề, lỗ lần lượt 117 tỷ đồng và 126,4 tỷ đồng.

Dù gây nhiều chú ý trên thị trường nhưng cổ phiếu Yeah1 chưa phải mã giảm sâu nhất. Đứng đầu trong danh sách giảm mạnh là TKC của Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ (Địa ốc Tân Kỷ). Theo đó, tính từ đầu năm, TKC giảm từ 32.800 đồng/cổ phiếu xuống 3.400 đồng/cổ phiếu, tức mất 88,9% giá trị, tương ứng 27.432 đồng mỗi cổ phiếu.

Địa ốc Tân Kỷ hiện có hơn 11,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, trong đó hai cổ đông lớn nhất là ông Trần Văn Tuấn (Tổng giám đốc TKC) nắm 12,1% vốn TKC và ông Trần Văn Sỹ (Chủ tịch Hội đồng quản trị) nắm 11,7% vốn TKC. Với việc giảm thị giá cổ phiếu giảm 88,9% giá trị, tài sản chứng khoán của ông Tuấn và ông Sỹ bị cuốn trôi lần lượt 35,7 tỷ đồng và hơn 34,7 tỷ đồng.

Không thuộc nhóm cổ phiếu lao dốc mạnh nhất song với việc mã MSN (Masan Group) và mã TCB (Techcombank) mất 26 - 27% thị giá, khiến tài sản của hai tỷ phú Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan Group) và Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank) mất hơn 5.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tài sản của ông Quang giảm 5.318 tỷ xuống còn 14.470 tỷ đồng (gồm giá trị cổ phiếu niêm yết mà ông Quang nắm giữ trên sàn như TCB, MSN, MCH). Tài sản của ông Hồ Hùng Anh giảm 5.284 tỷ đồng, xuống 14.898 tỷ đồng.

Biến động giảm 66% của cổ phiếu CTD của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons cũng làm tài sản chứng khoán ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch Hội đồng quản trị CTD) giảm 417 tỷ từ 613 tỷ xuống còn 197 tỷ đồng.

Những cái tên khác có thể kể đến như ông Bùi Thành Nhơn (Novaland, mã NVL), ông Lê Văn Quang (Thuỷ sản Minh Phú, mã MPC)…Theo thống kê, năm 2019, ông Nhơn mất khoảng hơn 800 tỷ đồng, ông Quang hao hụt khoảng gần 600 tỷ đồng.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn