Chính sách của Việt Nam đang chuyển mình thích ứng nhu cầu của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST

Sản phẩmThứ Sáu, 30/11/2018 17:20:00 +07:00

Sáng 30/11, tại Đà Nẵng, đã diễn ra Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018 (Techfest 2018).

Diễn đàn diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh và Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng với sự tham gia của hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về khởi nghiệp sáng tạo từ các nước trong khu vực và thế giới, đại diện Đại sức quán, các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chinh sach chuyen minh (1)

Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh phát biểu khai mạc Diễn đàn (Ảnh: Nguyễn Hương) 

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh cho biết: Như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã định vị doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) là đối tượng quan trọng của nền kinh tế, động lực để phát triển bền vững. Để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, Chính phủ và các chính sách là thành tố không thể thiếu trong hệ sinh thái, thúc đẩy ĐMST.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, Diễn đàn được mở ra nhằm tạo một không gian đối thoại chính sách giữa các quốc gia trong khu vực để chia sẻ kinh nghiệm, bài học, triết lý hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và thảo luận biện pháp phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trong khu vực và trên thế giới.

Chinh sach chuyen minh (2)

 Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ KHCN Phạm Hồng Quất trình bày tham luận về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Hương)

Với tham luận về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ KHCN Phạm Hồng Quất: cho biết: Theo Topica Founder Institute, Việt Nam đang ở giai đoạn thứ 3 của khởi nghiệp ĐMST.

Được biết, giai đoạn thứ nhất là những tên tuổi ứng dụng công nghệ thông tin (IT) khá thành công và gắn liền với cuộc cách mạng về internet, máy tính, hiện nay, họ đã trở thành những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực IT.

Giai đoạn 2 là một số startup trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là thương mại điện tử, cũng như trong lĩnh vực ẩm thực, du lịch với vốn đầu tư không nhiều nhưng có thể khai thác thế mạnh trên thị trường nội địa. Mỗi một thế hệ này đang trải qua khoảng 5 năm phát triển. Và giai đoạn thứ 3 là khi startup trải dài trong tất cả các lĩnh vực tiềm năng và có khả năng vươn ra toàn cầu, gọi vốn hàng triệu USD trong thời gian rất nhanh chóng, kể cả trong lĩnh vực thanh toán, giáo dục…

Xem xét hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST được sử dụng phổ biến ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Israel, Singapore và các nước trong khu vực GEN, có thể  nhận thấy 9 thành tố tạo nên hệ sinh thái này. Trong đó, ông Quất nêu bật lên với 4 thành tố quan trọng trên hết:

Một, nguồn nhân lực tri tuệ, tài năng – các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở dạy nghề.

Hai, các nguồn vốn về tài chính, công nghệ, dịch vụ sẽ là nguồn lực để giúp cho nguồn nhân lực xây dựng những mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ và sản phẩm trí tuệ;

Ba, chủ trương, chính sách, cơ chế, pháp lý của Chính phủ và địa phương về đầu tư, thị trường vốn và đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm, có vai trò thúc đẩy liên kết quốc tế để tạo ra các startup có khả năng vươn ra toàn cầu; Bốn, văn hóa khởi nghiệp thông qua truyền thông.

Về yếu tố con người, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Cái khó nhất của Chính phủ hiện nay là làm sao để có một cơ sở dữ liệu lớn và mở cho cộng đồng khởi nghiệp, đó là dữ liệu từ Chính phủ, doanh nghiệp và đặc biệt là dữ liệu đến từ ý kiến đóng góp của người dân. Mà trước hết tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế, du lịch, thanh toán điện tử…

Chinh sach chuyen minh (3) 3

 Toàn cảnh Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Ảnh: Nguyễn Hương)

Trong thời gian tới, bên cạnh Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, sẽ có một đề án xây dựng hệ thống tri thức Việt để tất cả mọi người đều tham gia đóng góp dữ liệu, để từ đó startup có thể tìm ra và phát triển những giải pháp, sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ cho lợi ích của quốc gia.

Đây chính là những hoạt động hỗ trợ tích cực cho cộng đồng khởi nghiệp từ phía Chính phủ, và qua đó khẳng định niềm tin của đất nước đối với giới trẻ Việt Nam hiện nay trên con đường khởi nghiệp ĐMST. “Từ phía người điều hành, chúng tôi thấy còn rất nhiều thách thức nhưng thách thức đó có trở thành cơ hội hay không thì câu trả lời nằm ở những startup”, Phó Thủ tướng khẳng định

Về phía chính sách, cơ chế, nhận thức được đây là một trong 4 thành tố quan trọng nhất để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, Chính phủ Việt Nam đã dựa trên thực tiễn phát triển của đất nước xây dựng hành lang pháp lý, chính sách để hỗ trợ tạo môi trường phát triển thuận lợi cho khởi nghiệp ĐMST.

Về mặt cơ sở hạ tầng kĩ thuật, các tổ chức vườn ươm, đặc biệt là các tổ chức thúc đẩy kinh doanh mở (khác với những tổ chức vườn ươm đóng nằm trong khuôn viên các trường đại học, khu công nghệ cao) là nhân tố rất được chú trọng. Hiện Việt Nam có tới 50 cơ sở thúc đẩy kinh doanh mở trên cả nước.

Bên cạnh đó, có nhiều coworking space (không gian làm việc chung) dành riêng cho startup ở tất cả các thành phố, tỉnh thành. Trào lưu này giúp cho các bạn trẻ có không gian để khởi nghiệp và kêu gọi các startup quốc tế cùng khởi nghiệp tại Việt Nam.

Nguồn lực đầu tư ở Việt Nam so với khu vực còn rất khiêm tốn với sự thu hút của trên 40 quỹ đầu tư, theo thống kê của Founder Institute - Tech in Asia. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư ở nước ta lại được đánh giá là rất có tiềm năng.

Một số giao dịch đầu tư cũng đã thành công, đặc biệt, một số nhà đầu tư trong nước, tập đoàn, công ty đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm theo Nghị định 38 do Bộ KHCN phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành năm 2018. Đây là một tín hiệu tích cực về thị trường vốn đầu tư cho khởi nghiệp.

Cũng theo báo cáo của Topica Founder Institute, khoảng thời gian từ năm 2015 – 2017 thể hiện sự tăng trưởng khá nhanh về tổng giá trị gọi vốn đầu tư của startup Việt Nam, so với những năm trước đây, giá trị tăng cao. Từ những chuyển biến như vậy, chính sách có sự chuyển mình nhất định để thích ứng và phù hợp với nhu cầu của thực tiễn, đặc biệt là nhu cầu của startup.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn