Tại sao bắt người dân mua nhà 8B Lê Trực chịu tội cùng chủ đầu tư?

Kinh tếThứ Năm, 20/06/2019 15:54:00 +07:00

Hơn 4 năm bị chỉ đạo phá dỡ nhưng dự án 8B Lê Trực Hà Nội) vẫn chưa xử lý xong, trong khi người mua nhà mòn mỏi chờ với nỗi oan không thể giải tỏa.

Doanh nghiệp vi phạm, chính quyền xử lý chậm chạp

Đã 4 năm sau quyết định cưỡng chế phá dỡ dự án 8B Lê Trực của UBND quận Ba Đình được đưa ra nhưng dự án hiện vẫn “niêm phong” và chuẩn bị cho việc phá dỡ giai đoạn 2.

Hồi năm 2015, 8B Lê Trực trở thành một điểm nóng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Hà Nội khi đó đã đưa ra thông điệp kiên quyết xử lý công trình xây dựng này. Nhưng đến tận bây giờ, dư luận vẫn phải đặt câu hỏi: Sự “kiên quyết” đó đến đâu khi hơn 4 năm nay, các sai phạm tại công trình này vẫn chưa có một phương án chính thức nào được đưa ra?

8B-Le-Truc

 Dự án 8B Lê Trực.

UBND TP Hà Nội cũng nhiều lần yêu cầu Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình xem xét phương án xử lý, các đơn vị này sau đó cũng lần lượt báo cáo, kiến nghị. Thế nhưng, sự việc chỉ dừng lại ở việc “trên dưới” chờ nhau, “quả bóng” trách nhiệm tiếp tục bị đá đi, đá lại.

Kết quả, sau hơn 4 năm có quyết định cưỡng chế, đến nay dự án vẫn “treo”, chờ xử lý và “niêm phong”. Người mua nhà hơn 4 năm đi khắp các cơ quan chức năng để “cầu cứu” thì vẫn không nhận được bất cứ câu trả lời thỏa đáng nào từ các cơ quan chức năng. Hàng loạt câu hỏi được dư luận đặt ra: Sai phạm tại dự án này như thế nào? Đến khi nào sai phạm sẽ được xử lý triệt để, công trình được tiếp tục thi công và người dân có nhà để vào ở? Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD do Sở Xây dựng Hà Nội cấp ngày 24/3/2014 có đúng quy định của pháp luật hay không?

Cụ thể, UBND quận Ba Đình từng căn cứ vào tờ Giấy phép xây dựng này để đưa ra kết luận Công trình xây dựng 8B Lê Trực sai phạm và đưa ra quyết định cưỡng chế. Thế nhưng, dự án 8B Lê Trực lại thuộc công trình không phải cấp phép và bản thân tờ Giấy phép xây dựng này lại không phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng.

Vậy tờ Giấy phép xây dựng này có được ban hành đúng quy định của pháp luật hay không? Cư dân rất cần 1 câu trả lời của chính quyền về sự hợp pháp của tờ Giấy phép xây dựng này. Bởi lẽ, nếu tờ Giấy phép xây dựng này vi phạm quy định của pháp luật thì cần bị hủy bỏ. Điều đó cũng có nghĩa Quyết định cưỡng chế sai phạm tại dự án cần được thu hồi.

Chỉ khi xác định được đúng sai phạm tại dự án 8B Lê Trực thì mới có thể đưa ra quyết định đúng cho số phận dự án này. Chủ đầu tư sai ở đâu sẽ phải chịu trách nhiệm ở đấy. Và khi những sai phạm được rõ ràng, có sức thuyết phục thì dự án mới được xử lý nhanh chóng, thấu tình đạt lý, khiến người dân tâm phục khẩu phục.

Ngoài ra, có thể thấy chính quyền nợ người dân một câu trả lời về việc cưỡng chế công trình 8B Lê Trực trước khi có phương án phá dỡ được phê duyệt như hiện nay. Liệu việc cưỡng chế này có đảm bảo an toàn cho tòa nhà sau khi đã đi vào vận hành hay không? Nếu xảy ra sự cố, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Trước những thực tế này, lãnh đạo Quận Ba Đình cần có câu trả lời thỏa đáng.

UBND Hà Nội cũng cần công khai cho người dân kết quả thanh tra Giấy phép xây dựng tại dự án 8B Lê Trực. Việc thanh tra Giấy phép xây dựng của dự án này là cần thiết, nhưng còn cần thiết hơn nữa là sớm đưa ra kết luận việc thanh tra.

Người mua nhà bị dồn vào đường cùng

Trong vụ việc dự án 8B Lê Trực, dư luận vô cùng bức xúc với những vi phạm của doanh nghiệp, cũng như cách xử lý vi phạm của chính quyền Hà Nội. Tuy nhiên, lớn hơn cả vẫn là sự cảm thông cho sự khốn khổ tột cùng của khách mua nhà - những người đã bỏ biết bao đồng tiền mồ hôi xương máu ra mua nhà nhưng vẫn không biết đến bao giờ mới được nhận nhà. 

Trong bằng đấy năm dự án 8B Lê Trực bị dính "phốt", những người mua nhà đã gõ cửa biết bao cơ quan chức năng. Nhưng đổi lại, đến tận bây giờ, hàng trăm người dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực vẫn phải từng ngày, từng giờ chờ kết luận của cơ quan chức năng, để biết đến lúc nào họ có thể được nhận nhà.

Sự việc đã kéo dài suốt 4 năm qua, nhiều người mua nhà dự án 8B Lê Trực đã tỏ ra rất thất vọng, mất niềm tin vào chính quyền, bởi những câu trả lời rõ ràng, thuyết phục vẫn chưa được đưa ra. Đáng bức xúc hơn đó là những sai phạm của chủ đầu tư đã quá rõ ràng, việc xử lý những sai phạm đó là tất yếu nhưng việc xử lý chậm trễ của chính quyền vô hình chung đã biến người mua nhà trở thành "oan gia", phải gánh trách nhiệm cùng chủ đầu tư, trong khi họ không hề có lỗi và thậm chí đang nguy cơ bị mất tài sản của chính mình.

Biết bao người dân đã đặt câu hỏi: "Tại sao chúng tôi phải gánh hậu quả không phải do chúng tôi gây ra? Tại sao chủ đầu tư thì chưa bị xử lý mà người dân chúng tôi đã phải chịu trận khi bỏ cả đống tiền ra mà không được nhận nhà? Chúng tôi ủng hộ việc sai ở đâu thì xử lý ở đó. Đúng người đúng tội. Cơ quan quản lý cũng đã yêu cầu phải xử lý sai phạm tại công trình này ráo riết. Nhưng một công trình ở giữa Thủ đô mà hơn 4năm chưa xử lý xong sai phạm thì quả là đáng thất vọng".

Nhiều người cũng bày tỏ sự xót xa cho những đồng tiền mình đã bỏ ra. Không chỉ là tiền mua nhà mà còn là biết bao chi phí phát sinh trong 5 năm không thể nhận nhà. Những tốn kém này ai sẽ là người đền bù cho họ, nhất là khi không biết đến bao giờ sự việc này mới được giải quyết xong xuôi?

Khi mà những câu trả lời thỏa đáng của chính quyền Hà Nội chưa được đưa ra thì e rằng, "đường về nhà" của những người dân mua dự án 8B Lê Trực sẽ vẫn còn xa. Và họ sẽ phải tiếp tục đóng vai những "oan gia", gánh trách nhiệm cho những vi phạm không phải do mình gây ra. 

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn