Chính quyền khuyên bỏ ăn thịt chó, dân TP.HCM nói gì?

Thời sựChủ Nhật, 15/09/2019 12:07:00 +07:00

Thông tin Ban quản lý ATTP TP.HCM kêu gọi người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

TP.HCM khuyên bỏ ăn thịt chó

Mới đây, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM khuyến cáo,  thịt chó - món khoái khẩu của nhiều người - đang là mối nguy cơ gây ra nhiều bệnh tật, nhất là các bệnh về ký sinh trùng, côn trùng, thậm chí có thể gây tử vong cho người sử dụng.

Ngoài ra, chó là vật nuôi gắn bó với cuộc sống của con người từ rất lâu, được nhiều gia đình xem như thành viên trong nhà, dành sự yêu thương, gắn bó.

Các phòng khám thú y và tiệm chăm sóc thú cưng đang phát triển mạnh theo nhu cầu của chủ nuôi cho thấy, tình cảm con người dành cho loài chó ngày càng sâu đậm, thân thiết.

Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng cho biết, Luật Thú y quy định thịt gia súc, gia cầm được sử dụng làm thực phẩm phải qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm. Trong trên thực tế, thịt chó trên thị trường thường không trải qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm, kể cả chó nuôi và cho lấy thịt.

thit-cho

Dọc các tuyến đường ở phường Trung Mỹ Tây (quận 12, TP.HCM), các sạp bán thịt chó được bày bán từ sáng sớm.

Người ta bán thịt chó ngang nhiên, không cần biết chó đó có nguồn gốc ở đâu, quy trình giết mổ như thế nào, có an toàn vệ sinh thực phẩm không... 

Trong điều kiện hiện nay, thịt chó là thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan bệnh tật, thậm chí gây tử vong do có thể nhiễm sinh vật nguy hại (đặc biệt là virus gây bệnh dại), ký sinh trùng.

Đặc biệt, trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập gan, phổi, các phủ tạng khác, thậm chí có thể xâm nhập não và mắt.

Hiện tượng này được gọi là hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng (larva migrans), rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, thịt chó có thể nhiễm hóa chất tồn dư, nhất là hóa chất dùng để đánh bả chó. Những chất này thường rất độc, có thể gây chết người.

Trước tình trạng này, Ban quản lý ATTP TP.HCM kêu gọi: "Những người có thói quen sử dụng thịt chó hãy từ bỏ ngay, vì điều này không chỉ có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng mà còn thể hiện sự văn minh trong thời kỳ hội nhập”.

Nhiều tranh cãi

Cảnh báo trên trở thành đề tài "nóng" và gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Theo khảo sát của VTC News ngày 15/9, dọc tuyến đường TMT13 (phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM), các sạp bán thịt chó vẫn được bày bán từ sáng sớm, lượng khách khá đông.

Thịt chó bán tại đây thường là giống chó cỏ (chó ta), có giá từ 100.000 - 170.000 đồng/kg. Mỗi ngày, một sạp bán ra khoảng 15 con. Các chủ sạp khẳng định, số chó bán tại đây hầu hết được mua từ người dân nên đảm bảo an toàn vệ sinh.

Nói về lời kêu gọi từ bỏ thịt chó của thành phố, chị L.T.T. (chủ một sạp thịt chó ở tại quận 12) cho rằng, ăn hay không là quyền của mỗi người, Ban quản lý ATTP TP.HCM cũng chỉ khuyên chứ không cấm nên chị không quan tâm.

"Khi nào có quy định cấm ăn thịt chó rồi hẵng tính, chứ giờ chỉ khuyên thôi thì không vấn đề gì cả. Ai muốn thì ăn, không muốn thì thôi, có sao đâu. Tôi bán thịt chó cũng ngót nghét chục năm rồi, có thấy ai phản ánh bị bệnh tật hay không an toàn thực phẩm gì đâu", chị T. nói.

thit-cho1

Những con chó đã được giết thịt được bày bán không khác gì các điểm bán thịt heo, thịt bò với lượng khách khá đông.

Trái với chị T., anh N.L.B. (cũng là chủ một sạp thị chó ở quận 12) lại tỏ ra không hài lòng: "Tôi bán bỏ mối khắp thành phố này, người ta ăn có ai bị sao đâu. Quán tôi ngày nào cũng bán, nhiều hôm khách đông không có hàng mà bán. Tôi cho rằng việc khuyến cáo người dân từ bỏ thịt chó của Ban quản lý ATTP TP.HCM là hết sức vô lý, vì thịt chó cũng chỉ là thực phẩmthôi, sao lại không nên ăn".

"Nếu nói về góc độ tình cảm, con chó gắn bó với chủ, vậy thì sao con trâu, con bò cũng cày bừa cho chủ nhưng vẫn bị giết thịt, giá vẫn rất cao và ai ai cũng ăn?", anh B. nói.

Tuy nhiên, xét thực tế, khuyến cáo của Ban quản lý ATTP TP.HCM cũng đã phần nào tác động đến người dân.

Cô Nguyễn Thuỳ Linh (sinh viên Đại học Luật TP.HCM) chia sẻ: "Trước đây mình có ăn thịt chó, nhưng sau này suy nghĩ lại thấy không nên. Biết là không cấm nhưng bản thân tự thấy không nên ăn. Chưa xét vấn đề an toàn thực phẩm, thì nghĩ tới việc ăn thịt một con vật suốt ngày quanh quẩn bên mình là thấy không chấp nhận được rồi".

"Hơn nữa, giờ chó mắc bệnh dại không ít, nhiều người ăn vào đã nhận hậu quả rõ ràng rồi. Hàng bán thịt chó tràn lan, không biết chó bệnh hay khoẻ, cứ ăn vậy cũng có ngày tự gieo mầm bệnh cho bản thân thôi. Vì vậy, mình rất đồng ý và sẽ hưởng ứng khuyến cáo của Ban quản lý ATTP TP.HCM về việc nên từ bỏ thói quen không tốt này".

Đồng quan điểm, anh Trần Quốc Phong (nhân viên văn phòng ở quận 3) cho rằng, việc từ bỏ một món ăn nếu vừa tốt cho sức khoẻ, vừa nhân văn hơn thì rất nên làm.

"Cả nhà mình đều ăn thịt chó, nhưng giờ suy nghĩ lại thì mình thấy đây là việc làm rất không tốt. Ở nước ngoài người ta rất thương chó, nếu qua đây thấy người Việt mình ăn thịt thú nuôi thì rất không hay, sẽ tạo nên một cái nhìn không mấy thiện cảm về con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế", anh Phong nói.

Người đàn ông này cũng khẳng định: "Từ nay mình sẽ không ăn thịt chó nữa, đồng thời phân tích cho bố mẹ mình hiểu để cùng từ bỏ thói quen không tốt này".

Nói về vấn đề này, Nhà Nghiên cứ văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vỹ - nguyên giảng viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc từ bỏ thịt chó là rất cần thiết trong thời hội nhập quốc tế hiện nay, tuy nhiên cũng tùy theo thói quen, lựa chọn của mỗi người.

Ông Vỹ chia sẻ: "Bản thân tôi trước đây cũng ăn, nhưng 20 năm nay không ăn, đó là dựa vào ý thức cá nhân của mỗi người. Ngày xưa thiếu thực phẩm, ở các vùng quê mỗi năm người ta làm thịt chó vài ba lần để ăn cùng nhau cho vui. Dần đến một thời kỳ bùng nổ lên, quán thịt chó phát triển và rất nhiều người ăn".

"Bây giờ lương thực thực phẩm phong phú, người ta có thể ăn nhiều món khác mà không buộc phải ăn thịt chó. Do đó, bản thân tôi thấy khuyến cáo thì rất nên, còn quy định cấm thì không nên, vì với một số làng xã ở Việt Nam, ăn thịt chó đã là tập quán và không thể thiếu", nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ nói.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn