Chính phủ ủng hộ tự chủ đại học, tạo điều kiện cho ĐH Tôn Đức Thắng phát triển

Diễn đànThứ Hai, 09/11/2020 16:45:00 +07:00
(VTC News) -

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ ủng hộ tự chủ và tạo điều kiện cho ĐH Tôn Đức Thắng phát triển.

Chiều 9/11, trả lời chất vấn của đại biểu về tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học nhưng mới chỉ được một số bước. Dù vậy, cũng đã ghi nhận kết quả tốt thời gian qua. 

Về việc cách chức hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là quyết định có ý kiến khác nhau.

Chính phủ cũng trao đổi với Bộ Tư pháp rất nhiều lần. Khi chưa rõ ràng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn hết sức trách nhiệm, không hề lơ là nhưng phải làm rất cẩn trọng và đúng quy định. 

"Chắc chắn sau báo cáo này chúng tôi phải họp lại, có cả Bộ Tư pháp và sau đó sẽ công khai, minh bạch cho toàn dân biết. Nhưng tinh thần là Chính phủ sẽ rất công minh và ủng hộ tự chủ, tạo điều kiện cho trường phát triển", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, có 5 điểm có tính nguyên tắc cho toàn thế giới và một điểm có tính nguyên tắc cho Việt Nam và một số nước có hoàn cảnh tương tự. 

Một là, đại học không chỉ là nơi làm ra tri thức mà còn là nơi làm việc, sinh hoạt của tri thức có mặt bằng nhận thức cao hơn mặt bằng chung nên đại học cần xây dựng mô hình quản trị tiên tiến để từ đó lan tỏa ra toàn xã hội, đảm bảo tính dân chủ, tính sáng tạo, tính khoa học. 

Chính phủ ủng hộ tự chủ đại học, tạo điều kiện cho ĐH Tôn Đức Thắng phát triển - 1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. 

Hai là, đã tự chủ phải luôn gắn với trách nhiệm giải trình. Mọi hoạt động của cơ sở giáo dục đại học vừa phải tuân thủ pháp luật, vừa phải theo quy chế công khai để toàn xã hội giám sát chi tiết.

Ba là, tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư tiền nữa. Ở tất cả các nước, Nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư không chỉ đặt hàng đào tạo mà còn xây dựng cơ sở vật chất.

Bốn là, tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý mà phải quản lý theo pháp luật. Không chỉ pháp luật về giáo dục mà pháp luật nói chung về tất cả các mặt. 

Năm là, tất cả quốc gia, cả Chính phủ, xã hội và nhà trường thực hiện tự chủ nhưng vẫn phải có cơ chế đảm bảo các đối tượng như con người nghèo, người khuyết tật không bị giảm bớt cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học. Nhất là đại học chất lượng cao. 

Sáu là, với những nước có nền kinh tế chuyển đổi, trong đó có Việt Nam, khái niệm chủ sở hữu của đại học có thay đổi. Vì đóng góp vào trường đại học không chỉ là tiền, nhà cửa máy móc mà còn là trí tuệ, học phí. Đóng góp này là của toàn xã hội.

Chính phủ ủng hộ tự chủ đại học, tạo điều kiện cho ĐH Tôn Đức Thắng phát triển - 2

Đại học Tôn Đức Thắng.

Liên quan tới câu hỏi có nên bỏ chủ quản không, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thực ra luật pháp nước ta giờ không còn Bộ chủ quản. Ông Đam cho biết hiện tại chỉ còn khái niệm cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu.

"Trước mắt có hai việc quan trọng để thực hiện tự chủ theo đúng hướng, đúng luật là tất cả trường đại học phải thành lập hội đồng trường với tư cách là cơ quan thực quyền chứ không phải mang tính hình thức. Thứ 2, các trường đều phải xây dựng quy chế điều hành, quản lý nội bộ tỉ mỉ, chi tiết, theo quy định của pháp luật và công khai cho toàn dân biết và giám sát.

Đây là quá trình chuyển đổi, có nhiều điểm chưa được quy định rõ và chưa có tiền lệ nên khi xử lý cần bĩnh tĩnh và xu hướng là phải ủng hộ theo tự chủ”, Phó Thủ tướng cho hay. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn