Chính những ngôi sao ảo đang đầu độc nhạc Việt

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 17/09/2013 07:38:00 +07:00

(VTC News) – Nhạc sỹ Cát Vận cho rằng chính những giá trị ảo của không ít nghệ sỹ đang đầu độc khán giả làm họ cuồng nộ chạy theo hiệu ứng đám đông.

(VTC News) – Nhạc sỹ Cát Vận cho rằng chính những giá trị ảo của không ít nghệ sỹ đang đầu độc khán giả, họ cuồng nộ chạy theo hiệu ứng đám đông, chứ không hẳn hiểu biết giọng ca đó.

Thời gian qua, công chúng yêu nhạc dậy sóng vì những nhận xét 'thẳng thắn và có phần quá thật' của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trên Báo điện tử VTC News về một số điểm mạnh cũng như hạn chế ở vài ca sỹ nổi tiếng hiện nay.

Cũng từ những phân tích mổ xẻ của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, hàng loạt tờ báo lớn đã vào cuộc mở ra góc nhìn về thực trạng âm nhạc Việt Nam hiện nay.

Những góc khuất của nhạc Việt được phơi bày ra hết trong những cuộc mổ xẻ như: có 99% ca sỹ không đọc được nốt nhạc (theo nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện), các nhạc sỹ thời nay không thể định nghĩa nổi từng loại nhạc, viết ca khúc thì xáo xào, chuyên đi cắt gọt các ca khúc nước ngoài thành nhạc Việt,...

Để nhạc Việt có được một diện mạo lành mạnh và đẹp hơn, Báo điện tử VTC News mở diễn đàn với chủ đề ‘Chấn hưng nhạc Việt’. Diễn đàn sẽ là nơi đăng tải ý kiến một số nhạc sỹ, ca sỹ, chuyên gia, và đông đảo công chúng… trong lĩnh vực âm nhạc.

Qua đây, diễn đàn muốn ghi nhận những góc nhìn, những chia sẻ đa chiều và cả những 'kế hay' nhằm cùng các nhạc sỹ, ca sỹ và công chúng yêu nhạc tâm huyết vẽ nên diện mạo một con đường đi đúng đắn cho nhạc Việt trong thời gian tới.

Mở đầu Báo điện tử VTC News xin giới thiệu những chia sẻ của nhạc sỹ Cát Vận, đại diện Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Âm nhạc và báo chí….
- Theo ông, âm nhạc Việt Nam đương đại hiện tồn tại những bất cập gì?

Nhắc đến âm nhạc, phân đa công chúng hiện nay đều chỉ hiểu và biết đó là những ca khúc nhạc nhẹ, nhạc thị trường (nói nôm na là nhạc trẻ). Chính sự phản ánh đó đã nói lên sự cân đối của âm nhạc Việt Nam hiện nay.

Trên thực tế, âm nhạc Việt Nam hiện nay có ba dòng: âm nhạc cách mạng, nhạc dân tộc, nhạc dân gian và nhạc thị trường.

Nhưng điều đáng nói là những nhạc sỹ tiền bối đã viết những tác phẩm xuất sắc trong dòng âm nhạc cách mạng như Trọng Bằng, Chu Minh, Hoàng Việt, Nguyễn Văn Thương thì phần đông công chúng không biết đến, còn dòng nhạc thị trường, nhạc ngoại lai lại được phổ biến rộng rãi và nhiều người lầm tưởng nó là dòng chính trong dòng chảy âm nhạc dân tộc.

Đây cũng là dòng nhạc có nhiều những mối nguy cơ lệch lạc khiến công chúng thấy bất an nhất. Nền âm nhạc đại chúng này đang có dấu hiệu nhiễu loạn với hàng loạt nghệ sỹ có danh xưng tự phong, nhưng có trình độ chuyên môn về âm nhạc rất hạn chế. Thậm chí là bằng không khi không được qua bất cứ trường lớp đào tạo bài bản nào.

Người sáng tác thì viết ra những tác phẩm yêu đương khiên cưỡng, đau khổ vật vã nhiều quá. Tôi nhớ có nhạc sỹ nói rằng những đứa con thất tình, sinh ra trong một mối tình không lành mạnh cũng thành quái thai thôi.


- Mới đây nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện cho biết có tới hơn 90% ca sỹ hiện nay không biết ký âm nốt nhạc? Con số này có phản ánh đúng những thực tại đáng báo động trên của nền âm nhạc đại chúng không ông?


Có lẽ con số 90% chỉ mang tính hài hước, đó là cách nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện dùng để chứng tỏ số ca sỹ không được đào tạo, không biết ký xướng âm hiện nay rất phổ biến trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.

Còn thực ra không ai điều tra xã hội học để có con số chính xác, nhưng thực trạng mà  nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện nêu ra là đúng, tôi được biết việc này cũng có từ lâu rồi, nhiều khi người nhạc sỹ phải chỉnh từng tý một cho ca sỹ để có thể hát đúng nhạc.
cát vận
Nhạc sỹ Cát Vận 
Đôi khi nhạc sỹ làm ca sỹ lười đi, bởi nốt nhạc chỉ là nốt nhạc, là chữ viết thôi, còn hồn của nốt nhạc phải nằm trong tinh thần của tác giả.

Nên để lột tả hết ca sỹ phải gặp nhạc sỹ để mà truyền tải tình cảm của mình, linh hồn của bài hát cho ca sỹ.

Có rất ít ca sỹ có thể nhìn bản nhạc mà đọc được ký xướng âm, còn rất nhiều ca sỹ có giọng hát tốt, nhưng chưa có điều kiện học qua trường lớp nào, nhất là khi đã thành ngôi sao họ lại càng ngại đến trường, thế nên đã không biết càng không biết hơn.

Tôi nghĩ những ai đã xác định hoạt động nghề nghiệp lâu dài mà không nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp là điều không chấp nhận được.


Tình yêu của biển của NS Cát Vận, sáng tác theo phong cách bán cổ điển, một trong những bản nhạc ám ảnh nhiều thế hệ người nghe nhạc Việt Nam. 
- Thực tế chuyên môn thì yếu thế, nhưng ca sỹ giờ được đánh bóng nhiều quá, trên báo toàn những phong danh ông hoàng, bà chúa, diva. Ông có nghĩ chính sự ngợi ca quá đà này làm họ ngộ nhận về tài năng của bản thân mình?


Hiệu ứng đám đông của những fan hâm mộ cuồng nhiệt và giới truyền thông hiện nay đã khiến không ít người ngộ nhận về tài năng của mình.

Các phóng viên muốn giật title để mà câu khách, vậy nên bạ ai cũng có thể phong diva được. Những danh hiệu ‘ông hoàng, bà chúa’ đang được nhắc đến hiện nay chủ yếu do báo chí mà ra.

Có ai phong cho ai phong cho Hồ Ngọc Hà là nữ hoàng giải trí, kể cả Mỹ Linh, Thanh Lam toàn là báo chí phong họ thành diva.
mỹ linh
Những danh hiệu diva do báo chí tự phong 
Báo chí đôi khi là con dao hai lưỡi, chúng ta tụng ca, nhưng tụng ca không đúng chỗ là hại các ca sỹ.

Giới âm nhạc chúng tôi không dùng những thuật ngữ đó. Bởi để đánh giá tài năng của một nghệ sỹ, sẽ có rất nhiều chuẩn mực nghề nghiệp.

Nói nhiều cũng quen đi, kiểu nói dối nhiều lần cũng thành ra sự thật nên nhiều người cứ tưởng mình là diva, ngôi sao.

Nhưng thực ra có bài hát là diva, có bài mất đi luôn không đọng lại gì cả. Nên phải hiểu thấu đáo vấn đề để không tôn vinh những giá trị ảo.

- Những tôn vinh ảo trên còn dẫn đến hậu quả gì thưa ông?

Chính những giá trị ảo của không ít nghệ sỹ đã đầu độc khán giả, họ cuồng nộ chạy theo hiệu ứng đám đông, chứ đôi khi không hẳn hâm mộ vì hiểu biết hết cái hay cái đẹp trong giọng ca của ca sỹ đó.

Qua vụ việc Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 nhận định một vài điểm chưa được trong giọng hát của các ca sỹ nổi tiếng như Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Thanh Lam... có thể thấy tâm lý chung của chúng ta là thích nghe khen chứ không không thích chê.

Mục đích của phê bình là hướng đến giá trị đích thực, là ngọn roi quất vào nghệ thuật thì nghệ thuật mới phi nước đại.

Nhưng lực lượng phê bình thì vừa thiếu, vừa yếu, đứng ở vị trí yếu kém nhất trong sự phát triển, còn nhà báo làm thay việc của nhà phê bình, nên không thể không tránh khỏi việc nhầm lẫn trong việc tôn vinh.

 

Chúng ta dễ dãi trong việc đưa họ lên mây xanh để rồi tạo ra những giá trị ảo, và ảo mãi thì tưởng rằng thành thật. 
 
- Liệu có phải do chúng ta đang thả nổi ca sỹ trên sân khấu nên họ thích làm gì thì làm, từ đó mới sinh ra những nhức nhối của làng nhạc hiện nay?


Quả đúng vậy! Với những nghệ sỹ làm nghề, chúng ta phải mở cho họ định hướng về biểu diễn, hiện nay chúng ta thả nổi đối tượng này.

Có những ca sỹ tự lên sân khấu, mất đi hay tồn tại đều do họ nên mới không thiếu những chiêu trò từ phát ngôn sốc, ăn mặc phản cảm cho đến có những hành động rất thiếu văn hóa.

Chúng ta dễ dãi trong việc đưa họ lên mây xanh để rồi tạo ra những giá trị ảo, và ảo mãi thì tưởng rằng thành thật.

Tôi nhớ có đọc một bài báo về giá hát đám cưới của  Quang Lê, Phi Nhung,... cho một đại gia ở Hà Tĩnh. Người ta bảo cát-xê lên tới 300 - 500 triệu đồng. Tôi thật ngạc nhiên. Giọng hát của những người đó làm gì hay đến nỗi phải bỏ ra nửa tỷ để mời?

Quang Lê
Giọng hát như Quang Lê không đáng để bỏ ra cả trăm triệu để mời hát. 
- Giờ thời buổi kinh tế phát triển, con người phải chăng không còn thời gian để thưởng thức nghệ thuật, thưởng thức âm nhạc. Có cảm giác khán giả bây giờ hơi dễ dãi trong thưởng thức âm nhạc. Ông có thấy vậy không?

Đó là hiện tượng có thật, cho nên người ta đã dùng từ rất hay là nhạc giải trí, tức là chỉ phục vụ nhu cầu giải trí sau một ngày lao động vất vả, hoàn toàn không sâu lắng nghệ thuật.

Sự phát triển của xã hội, guồng quay công việc đã khiến mọi thứ trở nên gấp gáp, và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật dễ dãi hơn cũng là điều dễ hiểu.

Trong khi đó những chương trình mang tính nghệ thuật, tính hàn lâm không được tổ chức nhiều, cũng không phải ai cũng có điều kiện để có thể đến xem.

Và điều đáng báo động là nhạc giải trí tràn lan đã khiến nhiều người ngộ nhận nó là dòng chính thống.

Có nên phong danh hiệu diva, nữ hoàng cho ca sỹ?

  • Nên vì đó là một sự công nhận từ phía khán giả
  • Không nên vì danh xưng dễ gây ảo tưởng cho ca sỹ
  • Nên, nhưng phải có hội đồng chuyên môn khi phong tặng
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

- Xuất phát từ sự dễ dãi trên khán giả giờ vô tình để cho các thứ khác trên sân khấu, chứ không phải âm nhạc hay giọng hát ca sỹ, dẫn dắt mình. Chúng ta cứ  ‘phỉnh nịnh’ nhau thế, lâu ngày ông có nghĩ âm nhạc tử tế sẽ không còn được nhận diện nữa không?

Đó là thực tế bản chất vấn đề. Chúng ta cứ tự xây dựng cho nhau những giá trị ảo, để rồi mất dần đi thứ âm nhạc tử tế và đúng nghĩa.

Mà không biết rằng đến với tinh thần thưởng thức nghệ thuật chân chính, nó cũng làm con người cao thượng hơn rất nhiều chứ.

Hãy nhớ rằng, âm nhạc là ngôn ngữ không biên giới. Âm nhạc có sức lan tỏa mãnh liệt, chỉ cần âm nhạc vang lên là rung động triệu trái tim và khi nào ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc cất lời. Nên hãy trả âm nhạc, trở về đúng vị trí của nó.

- Vậy theo ông chúng ta phải làm gì để giải quyết những tồn tại trên, góp phần chấn hưng nền âm nhạc đương đại?

Đây là việc làm cần thời gian, cần sự tham gia của nhiều đối tượng, chứ không thể làm một sớm một chiều và không phải của riêng ai.

Để chấn hưng nền âm nhạc Việt Nam hiện nay, theo tôi chúng ta cần làm những việc sau:

Về phía người nghe, để đưa công chúng đến gần hơn với âm nhạc hàn lâm chúng ta phải giáo dục âm nhạc từ nhà trường để các em biết cái nào hay cái nào không hay.

Hiện giờ chúng ta không giáo dục âm nhạc bài bản, những tồn tại, bất cập của âm nhạc Việt Nam hiện này đều từ lỗ hổng đó mà ra.

Với những nghệ sỹ làm nghề, chúng ta phải mở cho họ định hướng về biểu diễn. Ca sỹ còn có hiện tượng không đọc được nốt nhạc, chỉ hát theo bản năng, huống chi là dân thường

Các nhạc sỹ, cần một sự tự ý thức cao độ, để nâng cao trình độ, không viết ra những ca từ dễ dãi làm hỏng thị hiếu công chúng.

Về phía phê bình nghệ thuật, phải nói thẳng rằng trong số tất cả các hội văn học nghệ thuật, phê bình nghệ thuật đứng ở vị trí yếu kém nhất trong sự phát triển. Cần nhiều hơn nữa những cây bút phê bình có nghề và có tâm.

Ở khía cạnh truyền thông, những người làm báo khi phê bình phải có kiến thức về nội dung, vì âm nhạc là cái bể lớn, khi vũ khí phê bình rơi vào tay các nhà báo, thì không chỉ nghe bằng cảm tính, mà cần kiến thức chuyên môn.


- Xin cảm ơn ông!

An Yên (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn