Chính khách thế giới lên tiếng về cái chết của Gaddafi

Thế giớiThứ Năm, 20/10/2011 11:48:00 +07:00

(VTC News) - Tổ chức Ân xá Quốc tế đã đặt dấu hỏi và kêu gọi điều tra về cái chết còn nhiều điểm chưa rõ ràng của nhà cựu lãnh đạo Libya Gaddafi.

(VTC News) - Hàng loạt chính khách cấp cao trên thế giới đã lên tiếng về cái chết của nhà cựu lãnh đạo Libya Gaddafi. Hầu hết trong số họ đều coi sự kiện này là một bước ngoặt lớn, có ảnh hưởng đến cục diện cuộc chiến Libya; tuy nhiên cũng bày tỏ lo ngại về những diễn biến phức tạp có thể xuất hiện.

Trong khi đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã đặt dấu hỏi và kêu gọi điều tra về cái chết còn nhiều điểm chưa rõ ràng này.

Là một trong những nước giữ vai trò đầu lĩnh cuộc chiến tại Libya, Anh cũng là quốc gia lớn đầu tiên có phản ứng chính thức về sự kiện này.

Thủ tướng Anh David Cameroon hân hoan tuyên bố: "Hôm nay chính là ngày chúng ta tưởng nhớ tất cả những nạn nhân của Gaddafi." Ông cũng bày tỏ niềm tự hào về vai trò của nước Anh trong việc góp phần đưa chế độ Gaddafi xuống mồ, và hân hoan với việc người dân Libya đã nắm trong tay mình thời cơ thuận lợi để xây dựng một tương lai vững mạnh và dân chủ.

 Thủ tướng Anh David Cameroon hết sức hài lòng về đóng góp của quân đội Anh trong chiến công này

Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg tuyên bố, đây thực sự là một bước ngoặt to lớn có ý nghĩa lịch sử đối với hòa bình - tự do ở Bắc Phi, cũng như mở ra trang sử mới cho đất nước Libya.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng đối lập Anh Ed Miniband bình luận, cái chết của đại tá Gaddafi "đánh dấu sự kết thúc của một thời kỳ bi thảm đầy bạo tàn và đàn áp trong lịch sử Libya", đồng thời cho biết ông tự hào về vai trò của quân đội Anh trong chiến tích này.

Ngoại trưởng Anh William Hague thì khẳng định, các nước NATO chưa bao giờ nghi ngờ về tính đúng đắn của những hành động quân sự tại Libya:
"Chúng tôi hiểu rằng mình đến đó để cứu người dân, chúng tôi đã làm như vậy và giờ đây chúng tôi đã được minh oan, bởi nếu không có tất cả những hành động đó, làm sao Libya có thể trở thành một đất nước tự do dân chủ và tốt đẹp hơn các nước láng giềng và phần còn lại của thế giới, những điều không thể nào có được dưới chế độ Gaddafi."

Cựu Đại sứ Anh ở Libya tuyên bố:
"Có một thực tế là Gaddafi đã mang điều tồi tệ đến cho đất nước mình và cái chết của ông ta hóa ra lại là chuyện tốt. Chúng ta (quân đội Anh) đã hoàn tất vai trò của mình, và giờ là lúc người Libya làm nốt việc của họ."

 Phát biểu trên Reuters, ông Sarkozy hào hứng tuyên bố, đây là lúc dành cho "hòa giải trong sự thống nhất và tự do".

Lúc 23h20' hôm nay theo giờ Việt Nam, Tổng thống Pháp Sarkozy cũng đã lên tiếng hoan nghênh sự kiện này như sự khởi đầu cho một thời kỳ dân chủ tại Libya: "Sự kiện giải phóng Sirte là phát súng hiệu mở ra một thời kỳ NTC có được sự đồng thuận để xây dựng hệ thống dân chủ nhằm đảm bảo địa vị và những quyền tự do cơ bản cho tất cả các tầng lớp người dân."

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe thì ca ngợi cái chết của Gaddafi là "sự kết thúc 42 năm chế độ độc tài ở Libya".

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: "Con đường của một khởi đầu mới tươi vui, hòa bình cho nền chính trị Libya đã mở ta trước mắt." Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh, chỉ có thực hiện cải cách chính trị mới giúp Libya giữ cho những thành quả của Mùa xuân Ả Rập không trở nên vô nghĩa.

 

Trước đó, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết, ông hy vọng vào một kỉ nguyên mới tốt đẹp tại Libya: "Sau nhiều thập kỉ chịu đựng chế độ độc tài, giờ đây chúng tôi hy vọng nhân dân Libya sẽ mở ra một chương mới, hòa bình và dân chủ cho đất nước của họ."

Trong bài phát biểu lúc 18h10' ngày 20/10 (tức 1h10' sáng 21/10 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: "Hôm nay là một ngày trọng đại trong lịch sử Libya, ngày mà nhân dân Libya kết thúc một chương dài và đau đớn."

Ông Obama cũng khẳng định, Libya sẽ phải trải qua một chặng đường dài và gian nan trước khi đạt được nền dân chủ thực sự, tuy nhiên, họ đã chiến thắng trong cuộc cách mạng này, xóa bỏ bóng tối của chế độ độc tài và nêu gương cho khu vực Bắc Phi.

 

Trong khi đó, Lầu Năm Góc hiện vẫn đang băn khoăn về nguyên nhân dẫn đến cái chết của Gaddafi, và thú thực rằng họ không rõ nhà cựu lãnh đạo này có mặt trong đoàn xe bị máy bay NATO đánh bom sáng thứ 5 (20/10) hay không.

Ứng viên Tổng thống Mỹ Mitt Romney của Đảng Cộng hòa thì lên tiếng:
"Đó là tên bạo chúa đã giết hại nhân dân của mình, và đương nhiên, cả những người Mỹ trong vụ Lockerbie. Và tôi nghĩ rằng toàn nhân loại đều công nhận thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu không có Muammar Gaddafi."

Các tổ chức quốc tế:

Phát ngôn viên EU ca ngợi cái chết của Gaddafi là "sự kết thúc của một kỉ nguyên chuyên chế".

Liên minh Châu Phi (AU) cho biết, họ đã chấm dứt việc đình chỉ tư cách thành viên của Libya trong AU. Theo đó, chính phủ mới ở Libya sẽ chính thức được ngồi vào chiếc ghế trống chính quyền Gaddafi để lại.

 

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon thận trọng bình luận, đây mới chỉ là sự khởi đầu, đồng thời nhấn mạnh: Đây là lúc người Libya xích lại gần nhau để hàn gắn vết thương và xóa bỏ hận thù, chứ không phải thời điểm để trả thù. Ông kêu gọi các binh sĩ của tất cả các bên hãy hạ vũ khí để cùng hàn gắn và dựng xây đất nước của họ. Ông Ban Ki-Moon cũng khẳng định, đây là một bước ngoặt lịch sử đối với người dân Libya.

Tuy nhiên, ở vào một thái cực khác, vào lúc 18h16' theo giờ Việt Nam, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về hoàn cảnh dẫn đến cái chết của Đại tá Gaddafi. Theo một đoạn phim phát sóng trên kênh truyền hình vệ tinh Arab, ông Gaddafi đã bị bắt sống, và chắc chắn NTC sẽ phải mất nhiều thời gian để giải trình về việc gây ra cái chết cho tù binh của mình.

Từ Vatican, Đức Hồng y Tarcisio Bertone cho biết ông đang cầu nguyện cho nền hòa bình và dân chủ của  Libya:
"Chúng ta phải hành động vì nhân dân Libya và để mọi người chung tay xây dựng lại đất nước đã bị chiến tranh tàn phá này."

Đ.L

Bình luận
vtcnews.vn