Chiết khấu sách giáo khoa 250 tỷ/năm, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT lý giải?

Giáo dụcThứ Hai, 01/10/2018 20:21:00 +07:00

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết mức chiết khấu 18%-20% cho sách giáo khoa (SGK) chủ yếu là chi phí vận chuyển từ nhà xuất bản tới các đơn vị.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 chiều 1/10, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã trả lời về độc quyền và tỷ lệ chiết khấu SGK.

Theo ông Độ, Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục Việt Nam độc quyền biên soạn, in ấn và phát hành SGK là thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về chương trình SGK hiện hành.

Theo đó, Bộ GD&ĐT được giao biên soạn một bộ SGK. Bộ thành lập nhóm biên soạn, tổ chức biên soạn sau đó tổ chức hội đồng thẩm định sách và chuyển sang NXB tổ chức in ấn, phát hành.

NXB Giáo dục Việt Nam đã tổ chức đấu thầu in ấn ở các khu vực. Cụ thể, NXB này chia ra 4 khu vực để đấu thầu việc in ấn cung cấp cho các địa phương, nhằm giảm chi phí vận chuyển.

Lanh dao Bo GD&DT noi gi ve chiet khau sach giao khoa 250 ty/nam? hinh anh 1

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trả lời về độc quyền SGK chiều 1/10. (Ảnh: N.H.) 

Từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cho 5 NXB được tham gia xuất bản SGK và sẽ tiếp tục xem xét mở rộng cấp phép, cũng như thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK, tiến tới xóa bỏ độc quyền.

"Theo báo cáo chính thức của NXB Giáo dục Việt Nam, mức chiết khấu cho SGK hiện nay là 18%-20%. Phần chiết khấu này chủ yếu là chi phí vận chuyển từ các nhà xuất bản tới các đơn vị, sau đó là tới tay phụ huynh, học sinh", ông Độ nói.

Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay việc quản lý SGK là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Đây là vấn đề đang được dư luận quan tâm, vì mỗi năm nước ta dành một khoản tiền khá lớn cho việc này.

"Báo chí đặt dấu hỏi có lợi ích nhóm không, vấn đề này Thủ tướng cũng rất quan tâm. Ngay trong cuộc họp Chính phủ sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ trưởng có giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí SGK, yêu cầu việc in ấn, xuất bản phải được minh bạch, công khai, làm tốt công tác xã hội hóa, trách độc quyền, lợi ích nhóm. Việc biên soạn cũng nên xem xét lại, không để việc viết, vẽ vào SGK", ông Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, sáng 1/10, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ việc độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam (thuộc Bộ GD&ĐT) được nêu ra, phân tích khi xây dựng đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Video: Năm học 2019 - 2020 học sinh có sách giáo khoa mới

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ Thủ tướng chủ trương phải xóa độc quyền. Tinh thần đó đã được thể hiện trong đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, cũng như việc cấp phép thêm cho các nhà xuất bản tham gia làm SGK.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn