Chiến tranh thương mại bế tắc, Mỹ-Trung chuyển sang tranh giành ảnh hưởng ở châu Á

Thế giớiThứ Ba, 13/11/2018 14:52:00 +07:00

Trong khi chưa có dấu hiệu cho thấy Mỹ hay Trung Quốc sẽ nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại, các nhà lãnh đạo của hai nước này lại bắt đầu tiến vào cuộc đối đầu mới - tranh giành tầm ảnh hưởng ở khu vực châu Á, SCMP nhận định.

Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh trong một loạt các vòng đàm phán ngoại giao mới tại châu Á – Thái Bình Dương, khi các lãnh đạo từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cố gắng kêu gọi sự ủng hộ tại những cuộc họp quốc tế then chốt, theo SCMP.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 12/11 đến Singapore trong chuyến công tác 5 ngày – nơi đang diễn ra hội nghị thượng đỉnh thường niên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 tại Papua New Guinea trong tuần sau, tiếp đến sẽ thăm Philippines và Brunei.

us-china-0

 Bế tắc trong chiến tranh thương mại, Mỹ - Trung cố gắng lôi kéo sự ủng hộ ở châu Á. (Ảnh: Reuters)

Trong thời điểm Thủ tướng Trung Quốc đến Singapore, một bài viết được đăng trên Straits Times dẫn lời ông Lý lên án chủ nghĩa bảo hộ thương mại. “Sự mở cửa phải được duy trì vì nó không chỉ là một phương tiện, mà còn là một nguyên lý sẽ được chấp nhận một cách chắc chắn hơn thông qua thử nghiệm và kiểm tra” – ông Lý nói.

Ông cũng tuyên bố trong bài viết rằng Trung Quốc đã mở cửa với thế giới và sẽ không bao giờ đóng lại mà chỉ mở cửa rộng hơn nữa.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thì đang có chuyến thăm dài ngày đến Nhật Bản, Singapore, Australia và Papua New Guinea. Chuyến đi của ông Pence bắt đầu ngày 11/11 và là chuyến công du châu Á thứ 3 kể từ khi ông nhậm chức tháng 1/2017.

Trong một bài viết trên Washington Post, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tái khẳng định các mối quan hệ đồng minh của Mỹ ở châu Á và sự cam kết của Washington trong khu vực này. “An ninh và thịnh vượng quốc gia của chúng tôi phụ thuộc vào khu vực trọng yếu này và Mỹ sẽ tiếp tục bảo đảm tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, có thể phát triển và thịnh vượng trong một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở.”

Ông Pence nói thêm: “Các quốc gia kiềm chế người dân của họ thường cũng kiềm chế chủ quyền của những người hàng xóm. Chủ nghĩa độc tài và hung hăng sẽ không có chỗ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Những bình luận của ông Pence được cho là gián tiếp nhắm vào Trung Quốc, theo SCMP.

Liu Weidong, chuyên gia quan hệ Mỹ - Trung tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng chuyến đi của ông Pence đến châu Á là một nỗ lực nhằm lôi kéo thêm những người hàng xóm của Trung Quốc về phía Mỹ. “Ông Pence đang cố gắng cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương bằng cách nhấn mạnh mối đe dọa của Trung Quốc và sự cam kết của Mỹ với khu vực.” – ông Liu nói.

Dù vậy, những người hàng xóm này có thể sẽ tìm cách bắc cầu giảm bớt khác biệt giữa hai nước đối thủ, thay vì bị kéo vào một cuộc cạnh tranh khiến kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng hơn, - Song Junying, chuyên gia Đông Nam Á nhận định. “Dù chiến tranh thương mại mở cửa cho nhiều hàng hóa từ các nước khác vào Mỹ hơn, bao gồm các nước Đông Nam Á, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây hại đến bất cứ quốc gia nào nếu họ tiếp tục.” – Song nói.

Washington và Bắc Kinh đã tham gia vào những cuộc trao đổi cấp cao trong những ngày gần đây, theo SCMP. Trong cuộc gặp với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tuần trước, ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc muốn giải quyết các vấn đề với Mỹ thông qua đối thoại – nhưng Washington cần tôn trọng con đường phát triển và các lợi ích của Trung Quốc.

Các quan chức đối ngoại và quốc phòng hai bên cũng gặp nhau trong những cuộc thảo luận về ngoại giao và an ninh tại Washington. Thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng không có nước nào có thể lấy cớ thực hiện hành vi quân sự hóa trong khu vực, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói Mỹ tiếp tục quan ngại về các hành vi của Trung Quốc và hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông.

Video: Việt Nam sẽ là "vịnh tránh bão" trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung 

 

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn