'Chiến thuật xúc xích' sẽ quyết định bên thắng xung đột Armenia-Azerbaijan?

Quân sựThứ Ba, 29/09/2020 12:05:00 +07:00
(VTC News) -

Azerbaijan đang sử dụng 'chiến thuật xúc xích salami' nhằm tạo lợi thế trong cuộc xung đột với Armenia tại khu vực Nagorno-Karabakh, vốn kéo dài dai dẳng hơn 30 năm.

Xung đột nổ ra tại khu vực Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan hôm 27/9 và đang diễn biến phức tạp. Cả hai bên liên tục cáo buộc nhau, đồng thời tuyên bố sẵn sàng có hành động đáp trả.

Tranh chấp lãnh thổ diễn ra căng thẳng giữa hai quốc gia vùng Kavkaz khiến nguy cơ xảy ra chiến tranh không có hồi kết trong không gian hậu Xô Viết.

Ai nổ súng trước?

Sáng 27/9, các trận pháo kích lại bắt đầu nổ ra ở biên giới Armenia và Azerbaijan. Viết trên tài khoản Facebook cá nhân, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết lúc 7h30 (theo giờ Matxcơva) quân đội Azerbaijan đã mở cuộc tấn công vào khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Thư ký báo chí của Tổng thống nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng, ông Vahram Poghosyan cũng xác nhận về vụ pháo kích bằng hệ thống tên lửa Grad của Azerbaijan nhằm vào thành phố Stepanakert và các khu định cư khác của Nagorno-Karabakh. Báo cáo sau đó nêu rõ, một phụ nữ và một trẻ em đã thiệt mạng do pháo kích của quân đội Azerbaijan.

'Chiến thuật xúc xích' sẽ quyết định bên thắng xung đột Armenia-Azerbaijan? - 1

Nhiều vũ khí hạng nặng được triển khai tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. (Ảnh: RT)

Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, vào khoảng 6h00 giờ địa phương (7h00 giờ Matxcơva), quân đội Armenia đã nã súng cối và pháo vào một số khu định cư dọc biên giới hai nước, trong đó có một số ngôi làng do chính quyền Azerbaijan kiểm soát.

"Đã có người chết và bị thương trong số dân thường”, chính quyền Baku cho biết. Theo đó, vào lúc 9h10 (theo giờ Matxcơva), Baku tuyên bố bắt đầu "hoạt động phản công toàn bộ mặt trận dọc biên giới".

Bộ Quốc phòng Armenia sau đó lên tiếng chỉ trích và đổ trách nhiệm các cuộc đụng độ cho Azerbaijan. Theo Yerevan, quân đội Azerbaijan đã tấn công dọc theo toàn bộ chiều dài biên giới và là lục lượng đầu tiên pháo kích vào lãnh thổ Nagorno-Karabakh.

Cả Armenia và Azerbaijan đổ lỗi cho nhau và sau đó nhanh chóng ban bố tình trạng thiết quân luật và lệnh tổng động viên lực lượng sau vụ đụng độ này. 

Hôm 27/9, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, hai quốc gia có tiếng nói quan trọng trọng vấn đề xung đột giữa Armenia và Azerbaijan có phản ứng đầu tiên. Theo đó, Tổng thống Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan có cuộc điện đàm, kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt những xung đột giữa hai bên.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng hối thúc Azerbaijan và Armenia kiềm chế tối đa sau các cuộc xung đột. 

Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh, thúc giục các bên quay trở lại bàn đàm phán do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu giám sát. 

Theo các nhà quan sát, khả năng xảy ra xung đột vũ trang tại khu vực này dường như được báo trước, khi truyền thông Armenia đưa tin về việc Azerbaijan tập trung quân và thiết bị quân sự gần biên giới một ngày trước đó.

Ngày 25/9, Đại sứ quán Mỹ tại Baku và Yerevan đã kêu gọi công dân nước này không đến khu vực bên ngoài bán đảo Absheron và khu vực biên giới (Azerbaijan) và Nagorno-Karabakh (Armenia).

Xung đột nổ ra ngay sau khi cuộc tập trận quy mô lớn Kavkaz-2020 của Nga kết thúc hôm 26/9, với một số nội dung tập trận diễn ra trên lãnh thổ Armenia.

Thiết quân luật và tổng động viên

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trưa 27/9 đã ra lệnh điều động nghĩa vụ quân sự toàn quốc, đồng thời ban hành thiết quân luật ở Armenia. Thủ tướng Armenia cũng kêu gọi người dân sơ tán khỏi các khu định cư tiếp giáp với khu vực xung đột.

Cùng ngày, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đưa ra tuyên bố về ý định “giải quyết” vấn đề Karabakh và sẽ “giải phóng” lãnh thổ này khỏi quân đội Armenia.

'Chiến thuật xúc xích' sẽ quyết định bên thắng xung đột Armenia-Azerbaijan? - 2

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan báo cáo rằng không cần ban hành lệnh huy động lực lượng, nhưng Quốc hội Azerbaijan đã ban hành lệnh thiết quân luật trên toàn quốc. Tổng thống Aliyev cũng đã thiết lập lệnh giới nghiêm từ 21h00 đến 5h00. Vào buổi sáng, mạng xã hội đã bị tắt ở Azerbaijan.

Các nguồn tin quân sự Armenia đã lan truyền video tiêu diệt tổng cộng 4 xe tăng T-72 và một số xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân và các thiết bị khác. Phía Armenia cũng thông báo bắn rơi 2 trực thăng và 2 chục UAV của đối phương.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thừa nhận mất một máy bay trực thăng và tuyên bố phá hủy 14 hệ thống tên lửa phòng không Osa-AKM của Armenia. Đồng thời đưa ra các video về cuộc không kích trên mặt đất.

Chiều 27/9, Azerbaijan sau đó tuyên bố chiếm đóng 7 ngôi làng ở phần phía Nam, gần khu vực biên giới với Iran. Tuy nhiên, Cộng hòa Nagorno-Karabakh (NKR)  tự xưng bác bỏ thông tin này.

Tối ngày 27/9, quân đội NKR thông báo có 16 người chết và khoảng một 100 người bị thương trong số quân nhân. Phía Azerbaijan không đưa ra thông tin tổn thất binh sĩ. Song Văn phòng Tổng công tố Azerbaijan đã báo cáo về 5 thường dân thiệt mạng và 19 người khác bị thương.

Tranh chấp lãnh thổ kéo dài

Azerbaijan và Armenia là 2 quốc gia cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết, có xung đột biên giới diễn ra trong nhiều năm tại Nagorno-Karabakh. Đây là khu vực có đa số dân là người Armenia, nhưng nằm dưới sự kiểm soát của Azerbaijan. 

Xung đột Armenia-Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh bắt đầu từ năm 1988, và phát triển thành một cuộc chiến toàn diện sau khi Liên Xô tan rã.

'Chiến thuật xúc xích' sẽ quyết định bên thắng xung đột Armenia-Azerbaijan? - 3

Căng thẳng lên cao hôm 27/9 giữa quân đội Azerbaijan và Armenia về vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Trên thực tế, khu vực Nagorno-Karabakh được nhiều nước công nhận thuộc về lãnh thổ Azerbaijan, nhưng lại có đa số cư dân là người gốc Armenia, nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. 

Vào đầu thập niên 1990, lực lượng ly khai người Armenia, với sự hậu thuẫn của chính quyền Armenia đã kiểm soát được vùng này và thành lập nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng. Theo đó, người Armenia tại khu vực này tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan vào năm 1991.

Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước và dẫn đến cuộc chiến tranh kéo dài, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Một thỏa thuận đình chiến giữa các bên đã đạt được vào năm 1994, nhưng tiến trình hòa bình do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) chịu trách nhiệm không có kết quả như mong đợi.

Chiến sự đã tạm lắng sau từ năm 1994, nhưng điều đó vẫn chưa giúp giải quyết được vấn đề mâu thuẫn của vùng lãnh thổ tranh chấp này. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn thường xuyên xảy ra giữa hai bên.

Tình hình trở nên trầm trọng hơn nghiêm trọng nhất xảy ra vào tháng 4/2015, khi phía Azerbaijan, trong suốt 4 ngày chiến sự, đã chiếm đóng một số đỉnh cao quan trọng tại khu vực.

Tháng 7/2020, xung đột bùng phát đã xảy ra ở biên giới Armenia-Azerbaijan, sau đó xung đột nảy sinh giữa các cộng đồng Armenia và Azerbaijan trên khắp thế giới, bao gồm ở cả Matxcơva.

Các cuộc đụng độ tại khu vực biên giới đã khiến hàng chục người thiệt mạng. Đồng thời làm bùng phát cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm qua tại thủ đô Baku của Azerbaijan, yêu cầu chính phủ giành lại quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh.

'Chiến thuật xúc xích salami'

Mikhail Barabanov, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, cho rằng Azerbaijan vẫn theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn và ban lãnh đạo của nước này hiểu rằng, họ không muốn cuộc chiến “kéo dài hơn một vài ngày”.

Do đó, phía Azerbaijan sẽ thực hiện sách lược “xẻ thịt” lãnh thổ, chiếm các điểm cao và vùng làng mạc.

Điều này có thể dẫn đến việc người Azerbaijan sử dụng "chiến thuật xúc xích salami", tức là chiếm giữ định kỳ các phần lãnh thổ và vị trí quan trọng”, chuyên gia nhận định.

Theo Tổng biên tập Tạp chí "Arsenal of the Fatherland" (Tạm dịch: Kho khí giới của Tổ quốc) Viktor Murakhovsky, phía Azerbaijan chưa triển khai các nhóm quân sự lớn, có khả năng tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ, đồng thời chưa có dấu hiệu của các biện pháp động viên quân sự.

Theo ông Murakhovsky, quân đội Azerbaijan chỉ đang tập trung 50% sức mạnh cho một chiến dịch quy mô lớn. Do đó, sẽ khó có một cuộc chiến tổng lực nhằm vào khu vực tranh chấp. Theo chuyên gia, xung đột sẽ diễn ra ở mức cục bộ, nhỏ lẻ.

Nhận định về việc điều động quân đội của Armenia và những tuyên bố mạnh mẽ của giới lãnh đạo quân sự nước này, ông Murakhovsky nói: “Chúng ta đang nói về kế hoạch cho cuộc chiến dài ngày, trên quy mô lớn, với một số mục tiêu xa vời. Và Armenia hiện không có đủ tiềm lực và sức mạnh cho nhiệm vụ này”.

Phong Vũ
Bình luận
vtcnews.vn