Chiến thắng Xuân Lộc: Mở toang ‘cánh cửa thép’ tiến về Sài Gòn 1975

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 26/04/2017 10:02:00 +07:00

Chiến thắng Xuân Lộc 1975 đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân lực Việt nam Cộng hòa xung quanh Sài Gòn.

Kỳ 1: Cánh cửa thép cuối cùng bảo vệ Sài Gòn

Mùa xuân năm 1975, với sức tiến công mạnh mẽ của các binh đoàn chủ lực Quân Giải phóng miền Nam và sự phối hợp kịp thời của nhân dân địa phương, chúng ta đã lần lượt xóa sổ Quân khu 2 - Quân đoàn 2, Quân khu 1 - Quân đoàn 1 của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH), giải phóng hoàn toàn địa bàn Tây Nguyên và miền Trung, trong đó có hai tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở Huế và Đà Nẵng, đẩy chính quyền và quân đội Sài Gòn vào tình trạng bị động đối phó.

Dưới sự chỉ đạo của cố vấn Mỹ, quân lực VNCH huy động hầu hết lực lượng còn lại, cùng với quân thất trận từ Tây Nguyên và miền Trung chạy vào, nhanh chóng thiết lập một tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ Sài Gòn – Gia Định. Trong đó, Xuân Lộc được xác định là điểm trọng yếu ở phía đông Sài Gòn.

Tướng Mỹ Weyand - Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ - cùng tướng ngụy Cao Văn Viên - Tổng Tham mưu trưởng quân đội VNCH cùng các tướng lĩnh khác của chế độ cũ nhận định: “Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”.

Chính vì thế, địch tập trung một lực lượng mạnh mà nòng cốt là Sư đoàn 18 bộ binh do Lê Minh Đảo chỉ huy, một đơn vị còn nguyên vẹn của Quân đoàn 3 ngụy. Tuyến phòng ngự của sư đoàn này được xác định trên một chính diện khá rộng, từ Túc Trưng qua Dầu Giây, Thị xã Xuân Lộc đến ngã ba Tân Phong.

Ngoài ra, quân đội VNCH còn bố trí thêm một trung đoàn thiết giáp (100 xe), một liên đoàn biệt động quân, 9 tiểu đoàn bảo an, 2 tiểu đoàn pháo binh (42 khẩu), 3 đại đội biệt lập, 4 trung đội pháo và các lực lượng cảnh sát, dân vệ, nghĩa quân tại chỗ (tương đương 2 sư đoàn bộ binh)...  Trong quá trình chiến dịch, địch tăng cường Lữ đoàn Dù 1, Trung đoàn Bộ binh 8 (Sư đoàn 5), một liên đoàn biệt động quân và một trung đoàn thiết giáp (theo thông tin đăng trên báo Quân đội Nhân dân).

chiến thắng xuân lộc, chiến thắng xuân lộc 1975, chien thang xuan loc, chien thang 1975, Google Doole, giải phóng xuân lộc, sư đoàn sông lam, sư đoàn 341, chiến tranh, chiến thắng lịch sử, mùa xuân 1975, lịch sử, chiến thắng, tin tức, kỷ niệm, tin tức vtc, vtc news, vtc.vn

 Bộ đội ta kéo pháo vào mặt trận Xuân Lộc. (Ảnh: tư liệu)

Việt Nam Cộng Hòa đặt hy vọng cuối cùng vào Xuân Lộc, mạnh miệng tuyên bố đấy là “cánh cửa thép” không thể vượt qua ở cửa ngõ phía đông Sài Gòn. Còn với quân Giải phóng, Xuân Lộc là vấn đề chiến lược liên quan trực tiếp đến thời gian, tốc độ của những chiến dịch kế tiếp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, mà trực tiếp nhất là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

12 ngày đêm ác liệt công phá tuyến phòng thủ Xuân Lộc, chúng ta đã giành chiến thắng giòn giã, tạo thế, tạo lực, chuẩn bị một bước quan trọng cho giải phóng Sài Gòn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận định: "Chiến thắng Xuân Lộc (từ 9 - 21/4/1975) làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần quân địch càng thêm suy sụp. Tin chiến thắng đã làm nức lòng nhân dân cả nước".

Nhiệm vụ giải phóng Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long), và một trong những đơn vị chủ lực tiến công là Sư đoàn bộ binh 341 (Sư đoàn Sông Lam). Đây là một sư đoàn non trẻ, được thành lập vào năm 1972 trực thuộc Quân khu 4.

Cựu binh Nguyễn Văn Thắng (Hồng Lĩnh, Can Lộc, Hà Tĩnh) không khỏi tự hào khi nhắc đến cuộc chiến 12 ngày đêm gian khổ đó: “Lúc lên đường, anh em đã xác định là vào giải phóng miền nam, quyết tâm đi đến thắng lợi hoàn toàn. Chúng tôi đã chiến đấu và chiến thắng, dù đó là trận đầu tiên tham chiến cấp sư đoàn của Bộ binh 341”.

Hinh anh

Cựu binh Nguyễn Văn Thắng (áo xanh) cùng các đồng đội Sư đoàn 341. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) 

42 năm trước, cựu binh Nguyễn Văn Thắng đang là trung úy, trưởng Tiểu ban tuyên huấn Trung đoàn 266, Sư đoàn 341. Theo ông Thắng, trong chiến dịch giải phóng Xuân Lộc, Quân đoàn 4 đã tung 3 sư đoàn bộ binh vào tham chiến, trong đó Sư đoàn 7 tầm 6.000 quân, Sư đoàn 6 tầm 4.000 quân, riêng Sư đoàn 341 tham gia đầy đủ với quân số lên đến 12.000 người.

Ông Thắng cho biết, ngày 6/4/1975, Quân đoàn 4 đã duyệt phương án tác chiến đánh vào Xuân Lộc. Lệnh nổ súng được ấn định lúc 5h sáng ngày 9/4. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, trời còn sáng tờ mờ, sương mù dày đặc, lúc bộ đội ta chuẩn bị nổ súng thì bất ngờ có một bộ phận dân chúng trong thị xã đi ra phía bìa rừng cao su, chỗ các đơn vị đã ém quân từ trước. Để đảm bảo bí mật, các chiến sĩ yêu cầu bà con không được quay trở lại nữa mà tiếp tục đi làm như không có chuyện gì xảy ra.

Đến 5h40’ cùng ngày, mặt trời sáng rực lên, sương mù tan gần hết, các vị trí báo về mục tiêu đã xuất hiện rõ, Sư đoàn 341 cùng các đơn vị khác chính thức phát lệnh tấn công vào Thị xã Xuân Lộc.

Pháo binh QĐNDVN bắn dồn dập vào các mục tiêu được xác định sẵn như trung tâm thị xã, Sở chỉ huy tỉnh trưởng Long Khánh, khu chỉ huy bảo an dân vệ, Sở chỉ huy chiến đoàn 48 là nơi tập kết các phương tiện như xe tăng, xe bọc thép, cùng các trận địa pháo của VNCH đặt ở khu vực Trảng Bom, Túc Trưng, Gia Tân…

Hinh anh  3

 5 giờ 40 phút sáng ngày 9 tháng 4 năm 1975, trận Xuân Lộc mở màn với trận pháo kích gần một giờ của bốn cụm pháo binh chiến dịch thuộc Quân đoàn 4. (Ảnh: Tư liệu)

Suốt 1 tiếng đồng hồ nã pháo, đến 6h40’ ngày 9/4/1975, 3 phát pháo bắn vụt lên báo hiệu cho các cánh quân bộ binh ém sẵn bắt đầu phá hàng rào tấn công.

Lúc đó, pháo địch bắt đầu phản kích, bộ binh VNCH cài sẵn các vị trí phòng thủ cũng điên cuồng bắn trả. Bên mình đã có một số thương vong ngay cửa mở tiến vào Xuân Lộc.

“Cuộc chiến ngay buổi sáng 9/4/1975 trở nên cam go, khốc liệt. Nhưng vì ta áp đảo về mặt lực lượng, địch lại đang hoang mang hoảng loạn, không đủ quân chống cự, nên đến 9h30’ cùng ngày, chúng ta đã chiếm được gần hết các mục tiêu chính trong thị xã, cắm cờ trên dinh tỉnh trưởng Long Khánh”, cựu binh Nguyễn Văn Thắng tự hào kể lại.

Đến 11h, quân đội VNCH lại tổ chức phản kích với một lực lượng lớn, sử dụng Chiến đoàn 48 từ Gia Tân kéo về đánh vào sườn của Trung đoàn 266, sự dụng máy bay, xe tăng bắn như mưa sang trận địa của ta. Tuy nhiên, kết thúc ngày đầu chiến dịch, tất cả những vị trí chiếm được ở Xuân Lộc vẫn được bộ đội ta giữ vững.

Còn tiếp…

Video: Ký ức rực rỡ cờ hoa ngày 30/4/1975 tại Hà Nội

Hải Minh (Theo lời kể của cựu binh Nguyễn Văn Thắng cùng đồng đội Sư đoàn 341)
Bình luận
vtcnews.vn