Chiến lược cao tay, thâm sâu của Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ

Thế giớiThứ Sáu, 21/06/2019 06:35:00 +07:00

Trong lúc Mỹ áp thuế ồ ạt, hàng loạt với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh lại hết sức khôn ngoan khi "lựa cơm gắp mắm" với các mặt hàng đánh thuế áp trả.

Tôm hùm là mặt hàng xuất khẩu hái ra tiền của bang Maine, Mỹ. Khi hàng chục triệu người Trung Quốc thoát nghèo, tầng lớp trung lưu có tiền làm giàu "đạm" cho bữa ăn của mình, Maine mang tôm hùm của họ tới. Rất nhanh, tôm hùm của bang này chiếm thị phần đáng kể ở Trung Quốc. 

Tuy nhiên, khi cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra, doanh số tôm hùm của Mỹ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm tới 70%. Bắc Kinh áp thuế 25% mặt hàng này, tích cực giúp đỡ các nhà hàng Trung Quốc bằng cách hỗ trợ chi phí để họ tìm kiếm các nhà cung cấp mới. 

Một trong số đó là Canada, đối thủ cạnh tranh khốc liệt một thời của bang Maine. Giờ đây, trong khi Maine chưa thể vực dậy giữa vũng lầy chiến tranh thương mại, lượng tôm hùm từ Canada vào Trung Quốc tăng gần gấp đôi. Các chuyên gia nhận định tôm hùm Maine sẽ không bao giờ khôi phục được vị thế thống trị của mình trên thị trường xuất khẩu màu mỡ này nữa. 

tom hum

 Tôm hùm Maine từng làm mưa, làm gió ở thị trường Trung Quốc nhưng giờ đã phải nhường ngôi vương cho tôm hùm Canada. (Ảnh: Reuters)

Nhưng tôm hùm không phải là câu chuyện của riêng mình ai. Tổng thống Trump khơi mào cuộc chiến thương mại với đòn đánh thuế trị giá 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế tương tự với các mặt hàng Mỹ và giảm thuế với các đối thủ cạnh tranh với Washington trên nhiều lĩnh vực. 

Trong khi Tổng thống Trump chỉ tập trung vào sự gián đoạn trong xuất khẩu của Trung Quốc, Bắc Kinh dường như cao tay hơn khi dàn quân đều trên cả 2 mặt trận. 

Đầu tiên, khi Washington tìm cách áp thuế với mọi mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh lựa chọn khôn ngoan hơn rất nhiều. 

Họ sẵn sàng đánh thuế vào đậu nành Mỹ, dù rất phụ thuộc vào mặt hàng này, bởi biết rằng có thể tìm tới Brazil và Argentina như một nguồn thay thế dồi dào. Nhưng đó là với các mặt hàng dễ tìm nguồn cung thay thế. Với các mặt hàng khó thay thế, Bắc Kinh chọn bước đi thận trọng. 

Chẳng hạn, Trung Quốc có thể buộc các hãng hàng không quốc gia chuyển mua máy bay từ Boeing sang Airbus, nhưng chắc chắn các công ty này sẽ gặp rắc rối khi tìm kiếm các dịch vụ cần thiết nhằm duy trì đội bay đắt đỏ của họ. Do đó, Bắc Kinh bỏ ngành hàng không sang một bên. 

Thứ 2, Tổng thống Trump không tính tới sách lược giúp người Mỹ đối phó với các khoản chi phí phát sinh từ các chính sách áp thuế ngặt nghèo của ông. Nhà lãnh đạo Mỹ trợ cấp hàng tỷ USD cho nông nghiệp nhưng suy cho cùng đó cũng là chi phí mà người Mỹ phải chịu, chứ không phải là các đối thủ của họ.

Ngược lại, Trung Quốc luôn tìm cách hỗ trợ công dân của mình bằng cách giúp họ tìm và kết bạn mới. Bắc Kinh giảm chi phí chuyển đổi của người tiêu dùng khi giá các mặt hàng của Mỹ tăng chóng mặt. 

Hiện nay, tính trung bình, khoản tiền bỏ ra để mua một vật phẩm có xuất xứ từ Canada, Nhật Bản, Brazil hoặc châu Âu ở Trung Quốc rẻ hơn 14% so với một vật phẩm của Mỹ. Trung Quốc cũng tạo điều kiện để người dân nước này phát triển thêm các mối quan hệ thương mại mới đủ để họ không còn muốn quay lại với các đối tác Mỹ. 

tap

Trong khi Mỹ áp thuế hàng loạt, Trung Quốc lại "lựa cơm gắp mắm" với các mặt hàng đánh thuế đáp trả. (Ảnh: AP) 

Khi Tổng thống Trump nổ phát súng khơi mào cho chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, chiến lược gia thương mại lão làng của ông - Peter Navarro, từng khẳng định khó có quốc gia nào trên thế giới dám trả đũa. Nhưng thực tế chứng minh là cả Nga, Trung Quốc và thậm chí các đồng minh của Washington là Liên minh châu Âu, Canada hay quốc gia láng giềng Mexico cũng không ngần ngại đáp trả tức thì. 

Tuyên bố của ông Navarro cũng làm lộ ra sự hiểu lầm căn bản của ông về cách thức hoạt động của thương mại. Trong mỗi hành động khiêu khích của mình, chính quyền Trump nhìn thương mại qua lăng kính hẹp của một thế giới với 2 quốc gia là Mỹ và chính quyền mà Mỹ chọn để đối kháng. 

Tháng 1/2017, ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Ngay sau đó, New Zealand và Canada nhảy vào thị trường béo bở của Nhật, còn người Mỹ chỉ biết ngậm ngùi nhìn "miếng thịt" rơi khỏi tay dù từng nắm rất vững. 

Trung Quốc cũng rất nhanh nắm bắt tâm lý "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump để kết thêm bạn với các đồng minh kinh tế trước đây của Washington, đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào cảnh bị cô lập.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn