Chiến dịch dẹp vỉa hè ở TP.HCM thất bại thảm hại: Chuyên gia lý giải nguyên nhân

Thời sựThứ Bảy, 23/12/2017 18:30:00 +07:00

Các chuyên gia giao thông cho rằng, chiến dịch dọn dẹp vỉa hè ở TP.HCM thất bại hoàn toàn vì làm theo phong trào, không có khung pháp lý.

Video: Vắng bóng ông Đoàn Ngọc Hải, vỉa hè quận 1 biến thành chợ

Năm 2017, khắp các quận, huyện ở TP.HCM rầm rộ thực hiện chiến dịch dẹp vỉa hè và đạt được những hiệu quả nhất định.

Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của ông Đoàn Ngọc Hải – Phó chủ tịch UBND quận 1, vỉa hè quận trung tâm đã bắt đầu thông thoáng, văn minh hơn. Tuy nhiên, khi ông Đoàn Ngọc Hải cùng các lãnh đạo quận, huyện khác dừng xuống đường xử lý thì vỉa hè lại bị tái chiếm, nhếch nhác, bầy hầy như cũ.

Nhiều người khi nhận xét về "cuộc chiến" giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở TP.HCM cho rằng, chiến dịch này đã thất bại thảm hại, chỉ như "bắt cóc bỏ dĩa"

Ngày 21/12, trả lời VTC News, các chuyên gia giao thông cho rằng chiến dịch dẹp vỉa hè ở TP.HCM đã thất bại, không đạt được kết quả như mong đợi.

25555505_1511914558929745_2081994063_n

 Vỉa hè quận 1, TP.HCM nhếch nhác như chưa từng có chiến dịch dẹp vỉa hè.

TS Phạm Sanh cho biết, TP.HCM dẹp vỉa hè như “bắt cóc bỏ dĩa”, không đồng bộ, không có khung pháp lý nên thất bại là điều tất yếu.

“Trong luật giao thông, luật quy hoạch đô thị về vỉa hè rất mơ hồ, không rõ ràng vì không biết được Bộ Giao thông vận tải quản lý hay Bộ Xây dựng quản lý dẫn đến không có khung pháp lý. Để dọn dẹp vỉa hè thành công phải có khung pháp lý. Phải quy định vỉa hè để trong luật nào, nghị định nào và dùng để làm gì.

Phải có những văn bản pháp lý đi liền, tiếp đó là khung kĩ thuật. Từ khung kĩ thuật, các ngành xây dựng, giao thông, kiến trúc bắt đầu vạch ra nhưng quy định vỉa hè cụ thể”, TS Phạm Sanh nói.

Theo TS Phạm Sanh, ngoài khung pháp lý, các bộ, ban, ngành cần ngồi lại đánh giá vì sao quá trình dọn dẹp vỉa hè gần một năm qua lại thất bại, thiếu cái gì, cái gì chưa đúng. Để hiểu rõ hơn, cần có chuyên gia đô thị tư vấn, góp ý.

Còn theo đánh giá của PGS.TS Phạm Xuân Mai, lúc đầu ông Đoàn Ngọc Hải ra quân dẹp vỉa hè rầm rộ, quyết liệt có hiệu quả, tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn vì làm theo kiểu phong trào.

“Dọn dẹp vỉa hè phải đồng bộ, có chính sách, phương pháp chứ làm theo kiểu phong trào thì không hiệu quả, dẹp hôm trước, hôm sau bày ra.

Phương pháp xử lý trên cơ sở tự nguyện, tự giác, phải chuyển biến văn hóa vỉa hè gắn liền với văn hóa xe máy. Vỉa hè tồn tại một phần do con người sử dụng văn hóa xe máy, tiện đâu để đấy và thường giao dịch với người buôn bán trên vỉa hè.

Các nước không buôn bán trên vỉa hè vì họ không có xe máy. Văn hóa vỉa hè rất tiện lợi nhưng tiện lợi cho một nhóm người. Xe máy tiện lợi nhưng bất tiện cho cộng đồng”, PGS.TS Phạm Xuân Mai lý giải.

Theo ông Mai, phương pháp dẹp vỉa hè như thế nào, chính sách sử dụng vỉa hè ra sao phải công bố cho người dân biết để họ tự nguyện, hạn chế.

Việt Nam vẫn chưa có luật đi bộ, luật vỉa hè, luật đô thị. Cần phải có luật, phổ biến luật để người dân làm theo. Luật không được quá hà khắc mà phải có lợi cho người dân, chính quyền.

124356

PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng dẹp vỉa hè phải có phương pháp, pháp luật mới thành công.

Ngoài ra, PGS.TS Phạm Xuân Mai cho biết, trong xử lý vỉa hè, người đứng đầu TP phải chỉ đạo quyết liệt, đứng ra chỉ đạo chứ không chỉ riêng các quận, các phường. Phải có sự thống nhất từ trên xuống dưới.

Đồng quan điểm với 2 vị chuyên gia trên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng: “Dẹp vỉa hè phải lâu dài, làm với mức độ vừa phải để người dân thích nghi, tự giác thu xếp cuộc sống. Làm để người dân tự ý thức hơn là để người dân sợ. Làm quá mức, quyết liệt quá sẽ thất bại.

Phải xác định chỗ nào gây cản trở giao thông nhiều nhất ưu tiên giải quyết chỗ đó, sau đó mới làm tiếp những chỗ khác”.

Ngày 16/1, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM) dẫn đầu đoàn công tác đi xử lý nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn.

Ông Hải cho biết sẽ không có chuyện xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè theo kiểu "bắt cóc bỏ dĩa". “Nếu không làm được tôi sẽ cởi áo về vườn, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi, để nổi tiếng".

Tuy nhiên, đầu tháng 4, ông Đoàn Ngọc Hải cùng đoàn kiểm tra liên ngành bất ngờ ngừng dọn dẹp vỉa hè, giao cho Chủ tịch 10 phường trực tiếp xử lý. "Quận Ủy quận 1 ra một văn bản và thêm một văn bản của UBND Quận 1, yêu cầu tôi phải ngưng xuống đường dẹp dọn trật tự lòng lề đường. Tôi phải tuân thủ", ông Hải giải thích.

Ngày 7/8, ông Đoàn Ngọc Hải cùng đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục xuống đường dọn dẹp vỉa hè sau 4 tháng tạm ngưng.

Tuy nhiên, sau vài ngày xử lý, ông Hải lại ngừng xuống đường dọn dẹp vỉa hè. Nguyên nhân bởi Quận 1 ra quyết định Đoàn kiểm tra liên ngành, đứng đầu ông Đoàn Ngọc Hải muốn xuống đường dọn dẹp vỉa hè phải được sự đồng ý của chủ tịch quận, 10 phường…

Như vậy, sau gần 1 năm ra quân, vỉa hè quận 1 nói riêng và TP.HCM nói chung lại bị tái chiếm, lại nhếch nhác, bệ rạc như chưa từng có cuộc chiến dẹp “cướp” vỉa hè. 

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn