Chiến dịch đáng nói nhất của công binh Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại

Tư liệuChủ Nhật, 09/05/2021 08:12:24 +07:00
(VTC News) -

Trong các bài viết về Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, hiếm khi tìm thấy câu chuyện về việc một tiểu đoàn công binh độc lập đánh chiếm điểm cao không thể tiếp cận.

Trường hợp đáng kinh ngạc này được biết đến chủ yếu nhờ hồi ức của người trực tiếp tham gia - Ivan Ivanovich Solomakhin - người năm 1943 là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh Cơ giới Độc lập số 106.

Tấn công “Điểm cao quỷ”

Solomakhin mô tả chi tiết kế hoạch đã được hoàn thiện trong tiểu đoàn của anh trong chiến dịch Sinyavino để đánh chiếm điểm cao mà trước đó chưa bao giờ chiếm được. Theo đó, các chiến sĩ công binh, không có pháo binh yểm trợ, sẽ bí mật tiếp cận công sự của địch vào ban đêm mà không bị phát hiện, dùng vũ khí và chất nổ “lấy” điểm cao. Cấp trên chấp thuận đề xuất, các chiến sĩ được huấn luyện trong vài ngày, sau đó, vào đêm 11-12/8, thực hiện kế hoạch đã vạch ra.

Họ bí mật bò thẳng đến các vị trí của quân Đức, lao thẳng vào chiến hào và bất ngờ tấn công. Như chính Solomakhin đã viết trong tuyển tập “Lực lượng công binh của thành phố-mặt trận” (“Инженерные войска города-фронта”), “hơn 200 tên Đức Quốc xã đã bị giết, 120 tên bị bắt. Tiểu đoàn công binh có 16 chiến sĩ hi sinh và 26 chiến sĩ bị thương”. Sau đó, một tiểu đoàn bộ binh đã được điều đến tiếp quản các vị trí do công binh chiếm giữ. Căn cứ vào kết quả chiến dịch, Tiểu đoàn trưởng được tặng thưởng Huân chương Suvorov cấp III, các Đại đội trưởng được tặng thưởng Huân chương Cờ Đỏ.

Chiến dịch đáng nói nhất của công binh Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại - 1

Thành công và ý nghĩa của chiến dịch “Sinyavinskaya thứ năm” vẫn đang là đề tài tranh luận của các học giả và sử gia. (Ảnh: russian7.ru)

Trong cuốn “Những nhà chỉ huy của Chiến thắng Vĩ đại” (“Полководцы Великой Победы”), V. Shchukin mô tả phần tiếp theo của câu chuyện này, thậm chí rất chi tiết. Thực tế là kế hoạch đã được đích thân Tư lệnh Mặt trận - Thượng tướng L. A. Govorov - phê duyệt và “các trận đánh ở Sinyavino kết thúc bằng một đòn đứt điểm, sau đó quân đội Liên Xô cố thủ trên các điểm cao và từ đó, khống chế người Đức”. Cuốn sách cũng nói rằng, nhiệm vụ đã được hoàn thành một cách xuất sắc – Hồng quân “hạ gục” 10 sư đoàn phát xít, ngăn chuyển đến Vòng cung Kursk. Chiến dịch được mô tả là chiến thắng, độc đáo và không có trường hợp tương tự.

Chiến dịch Brusilov

Sau Chiến dịch Iskra, trong đó cuộc phong tỏa Leningrad bị phá vỡ, quân Đức đã cố gắng giữ được các điểm cao Sinyavinsky khống chế toàn bộ khu vực phía nam Ladoga, cho phép pháo kích tuyến đường sắt đến Leningrad nằm trong một hành lang hẹp dài 10 km, được gọi là “hành lang tử thần”. Rất lâu, Hồng quân đã không thành công trong việc chiếm lĩnh điểm cao, và vào ngày 22/7, một chiến dịch tấn công mới trên mặt trận Leningrad và Volkhov mang mật danh “Brusilov” nhưng được biết đến nhiều hơn với cái tên “Mginskaya”, hoặc “Sinyavinskaya thứ năm”, bắt đầu.

 Trong số các mục tiêu chủ yếu của Hồng quân có cứ điểm số 26 và số 5. Cả hai đều ở trên độ cao vượt trội, với độ dốc lớn. Theo mệnh lệnh ngày 9/8, Tiểu đoàn Công binh số 63 do Thiếu tá V.V. Mosin chỉ huy, sẽ đánh chiếm cứ điểm số 5 trong một cuộc tấn công ban đêm; Tiểu đoàn Công binh cơ giới Độc lập số 106 của Đại úy I. I. Solomakhin được lệnh tấn công cứ điểm 26 (cũng vào ban đêm). Tiểu đoàn được hỗ trợ bởi pháo binh của Sư đoàn Bộ binh số 128, trong đoạn mà cuộc tấn công đã được lên kế hoạch.

Các chi tiết của trận đánh này đã được lưu giữ trong cả các tài liệu của Đức và Liên Xô. Trong nhật ký chiến tranh của Sư đoàn bộ binh 11 của Đức Quốc xã có viết rằng, vào đêm ngày 11 sáng ngày 12, một đại đội lên tới 150 người bất ngờ xông vào chiến hào của họ (Solomakhin có 225 quân), không thể bị hạ gục hoặc bị đánh bật trong một số cuộc phản công... Và chỉ sau khi tiểu đoàn phạm binh 561 được tăng cường pháo nhập cuộc, vị trí cũ mới được khôi phục. Theo các nguồn tin của Liên Xô, các chiến sĩ công binh Tiểu đoàn 106 chỉ chiếm được một phần của vị trí kiên cố số 26 vào ban đêm. Trong buổi sáng, một tiểu đoàn của Trung đoàn 741 thuộc Sư đoàn Bộ binh số 128 được đưa vào trận. 

Đây là 309 người khác, nhưng hầu hết trong số họ không đến được chiến hào do công binh chiếm đóng, đã bị tổn thất trên đường đi. Quân Đức liên tục phản công và nã pháo hạng nặng. Các trận đánh ác liệt diễn ra cả ngày, và sau những tổn thất lớn, Hồng quân đã rời khỏi các vị trí đã chiếm được. Tiểu đoàn của Solomakhin theo tài liệu của sư đoàn 124, bị thương vong hơn 60% quân số, không có số liệu chính xác. Theo báo cáo của sở chỉ huy quân đoàn 67, trên 300 người đã thiệt mạng, đến cuối trận chỉ còn 15 người, do Solomakhin chỉ huy, sống sót. Số liệu khác nhau, nhưng rõ ràng là rất ít người sống sót.

Pháo binh của Hồng quân đã tích cực yểm trợ quân tấn công, trong hai ngày, chỉ riêng pháo sư đoàn đã bắn được 15.415 quả đại bác và 10.111 quả đạn pháo. Trong một câu chuyện của mình, Solomakhin đã đề cập rằng vị trí của họ đã bị bao phủ bởi hỏa lực của các giàn Katyushas của Hồng quân, và phàn nàn về độ chính xác của nó. Sau này họ không viết về nó nữa, nhưng, rõ ràng, đã có những tổn thất thực sự từ “hỏa lực quân nhà”. Nhìn chung, sự anh dũng và hy sinh quên mình của tiểu đoàn không có gì đáng bàn; điểm cao không bao giờ được chiếm giữ trong suốt chiến dịch.

Tiểu đoàn Công binh Độc lập số 63 đã thực hiện một cuộc tấn công tương tự vào đêm hôm sau, nhưng đã bị chặn khi nó đến gần. Đêm 17-18/8, một nỗ lực khác được thực hiện nhưng cũng không thành công. Phần không lặp lại ít nhất là thành công tạm thời của các chiến sĩ của tiểu đoàn Solomakhin. Vì vậy, Ivan Ivanovich Solomakhin đã được thưởng Huân chương Suvorov, và trở thành người đầu tiên của lực lượng công binh Liên Xô nhận được phần thưởng cao quý này.

Điều gì tiếp theo?

Dưới thời Liên Xô, người ta cố gắng trình bày các trận chiến ở điểm cao Sinyavinsky một cách tích cực nhất có thể. Họ nhấn mạnh chủ nghĩa anh hùng của các chiến sĩ và sĩ quan Liên Xô, viết về những thiệt hại to lớn gây ra cho Đức Quốc xã và đánh lạc hướng điều gì đó. Trên thực tế, hàng vạn người đã hy sinh mạng sống của mình, nhưng đã không thể đạt được kết quả như mong muốn. Thật khó để nghĩ ra một địa hình khó khăn hơn cho cuộc tấn công: đầm lầy than bùn, không thể vượt qua vào mùa hè và không đóng băng (và do đó càng không thể vượt qua) vào mùa đông, ngay cả việc di chuyển đơn giản của quân đội cũng trở thành một nhiệm vụ khó khăn nhất. Người Đức đã cố thủ trên tất cả các độ cao khô ráo, và đã tổ chức phòng ngự thành công. Còn những chiến sĩ Hồng quân đang tiến đánh không có nơi nào để trốn - không thể đào chiến hào trong đầm lầy.

Chủ nghĩa anh hùng của tập thể công binh Solomakhin và Mosin cùng nhiều lính bộ binh, lính tăng, phi công khác không thay đổi được gì. Các điểm cao Sinyavinsky, do quân Đức chiếm đóng vào năm 1941, vẫn là bất khả xâm phạm cho đến tháng 1/1944, khi chính quân Đức phải rời khỏi khu vực này dưới sự đe dọa bị bao vây. Như nhà sử học Vyacheslav Mosunov lập luận trong tác phẩm “Paschendal gần Leningrad: lính công binh tấn công” (“Пашендаль под Ленинградом: сапёры атакуют”), ngay cả khi lính công binh đã chiếm được những cứ điểm kiên cố này, điều này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tình hình chung. Người Đức phục hồi khả năng phòng ngự khá dễ dàng.

Sai lầm đã được thực hiện ở một nơi nào đó ở cấp độ cao hơn, và bất kỳ thành công nào trong một số lĩnh vực nhất định của mặt trận đều không thay đổi được tình hình. Hồng quân đã mất trong chiến dịch này với 20.890 người chết và 59.047 người bị thương. Thi thể của hàng nghìn người thiệt mạng đến nay vẫn chưa được tìm thấy.

Lê Ngọc(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn