Chiếc máy biến rác thải thành phân bón

Khoa học - Công nghệThứ Tư, 05/09/2018 15:37:00 +07:00

Xuất phát từ thực tế rằng người nông dân phải tiêu tốn nhiều chi phí cho phân bón và phế phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm, chiếc máy chế biến rác thải thành phân bón hữu cơ đã ra đời.

Chủ nhân của sáng chế này là anh Vũ Đình Phúc (khu Đất Mới, phường 7, TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Là một nông dân sinh sống nhiều năm giữa khu vực canh tác nông nghiệp, anh Phúc nhận thấy tình trạng ô nhiễm môi trường do phế phẩm nông nghiệp ngày càng tăng. Cứ vào vụ thu hoạch là cả vùng lại bốc mùi hôi thối bởi sự phân hủy của các loại rác, đặc biệt các loại lá rau.

Trong khi đó ở nước ngoài, mọi thứ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch đều được tận dụng hết, các phế phẩm công nghiệp được chế biến thành phân hữu cơ, sử dụng trực tiếp cho vụ sau. Nhận thấy được điều nay, anh Phúc trăn trở suy nghĩ và cuối cùng ý tưởng về chiếc máy chế biến rác thải thành phân bón hữu cơ cũng từ đó mà ra đời.

Năm 2006, anh bắt tay vào chế tạo máy. Ban đầu, công việc chế tạo gặp nhiều khó khăn do có ít kinh nghiệm chế tạo cơ khí, tất cả đều được anh tự mày mò và học hỏi thêm. “Trời không phụ lòng người”, sau thời gian cực khổ, cuối cùng chiếc máy chế biến rác cũng được hoàn thành. Tuy nhiên, chiếc máy đầu tiên còn nhiều hạn chế: Công suất của máy chỉ đạt 3m3/giờ, quá trình vận hành cũng như phân bón hữu cơ đầu ra vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả.

Nguoi bien rac thai thanh phan bon

 Phân bón hữu cơ thành phẩm được chế biến bởi máy nghiền rác của anh Phúc. (Ảnh: Tuệ Mẫn)

Không nản trí, anh Phúc tiếp tục nghiên cứu, khắc phục, cải tiến máy. Đến nay, chiếc máy chế biến rác thành phân bón đã được hoàn thiện với công suất đạt 10m3/giờ. Ước tính, mỗi năm, người nông dân có thể tiết kiệm được trên 70 triệu đồng tiền mua phân bón nhờ vào sáng chế này.

Máy gồm mô tơ, cối say với một băng chuyền để nghiền nhỏ, trộn đều các loại phế phẩm, phụ liệu nông nghiệp dùng làm phân hữu cơ. Phân hữu cơ đầu ra có chất lượng không thua kém phân bón trên thị trường, tương đương với loại phân bón có giá 12.000 đồng/kg.

Với hiệu quả ưu việt, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ môi trường, sáng chế của anh Phúc được đông đảo bà con tiếp nhận. Giờ đây vào vụ thu hoạch, không còn xuất hiện tình trạng phế phẩm nông nghiệp chất đống bốc mùi hôi thối, thay vào đó chúng được tập trung lại để chế biến thành phân hữu cơ phục vụ cho vụ mùa sau.

Sáng chế máy nghiền rác tạo thành phân hữu của anh Vũ Đình Phúc nhận được nhiều bằng khen từ các cấp địa phương. Đặc biệt, năm 2014, anh vinh dự nhận được Giải thưởng Nhân tài đất Việt nhờ sáng chế của minh.

Ly Nga
Bình luận
vtcnews.vn