Chia tay “thánh địa” Graffiti miền Bắc

Tổng hợpThứ Bảy, 04/09/2010 04:05:00 +07:00

Năm năm trước, khi cộng đồng Graffiti Việt Nam còn non trẻ, khi những bức vẽ trộm trên đường thường xuyên xuất hiện khiến không ít người khó chịu.

Năm năm trước, khi cộng đồng Graffiti Việt Nam còn non trẻ, khi những bức vẽ trộm trên đường thường xuyên xuất hiện khiến không ít người khó chịu. Một nhóm bạn trẻ đã tìm ra một địa điểm nằm sâu phía bên trong ga Long Biên để có thể thoải mái thể hiện tác phẩm và niềm đam mê của mình. Năm năm sau, khu tập thể H5 Thượng Thanh (Long Biên – Hà Nội) đã trở thành “thánh địa” của Graffiti miền Bắc. Không còn là những nét vẽ nguệch ngoạc, tự phát, những bức Graffiti nay đã trở thành một không gian thể hiện tình yêu với thủ đô ngàn năm văn hiến của các bạn trẻ thông qua những hình vẽ hóm hỉnh về phố cổ. Thế nhưng, chỉ chưa đầy một tháng nữa thôi sân chơi này sẽ bị giải tỏa để mở đường xây khu đô thị mới. Những dãy phố cổ trên “Thánh địa” Graffiti sẽ chỉ còn là dĩ vãng.

 

 

Từ tình yêu Graffiti…

 

Hoàng Trọng Báu và Tuấn Anh được coi là những kẻ đặt viên gạch đầu tiên cho “thánh địa” graffiti của Miền Bắc. Cả hai chàng trai cùng sinh năm 1988 này đều không phải là dân mĩ thuật chuyên nghiệp nhưng lại có một tình yêu lớn dành cho hội họa. Xuất phát từ ấn tượng với những bức vẽ lạ, cá tính của các bạn trẻ bên trời Tây trong một chương trình truyền hình, Trọng Báu và Tuấn Anh đã tìm hiểu và biết đó chính là những bức vẽ theo phong cách graffiti. Nét độc đáo đầy ngẫu hứng sáng tạo của những bức họa mang phong cách hiện đại đã ngay lập tức khiến hai chàng trai trẻ bị say mê, cuốn hút và tự nguyện trở thành “tín đồ”. Tự lang thang, mày mò học vẽ qua mạng, tới năm 2005, họ đã cho ra lò sản phẩm đầu tay trên một bức… tường hoang ở gần khu phố đang sinh sống. Đây cũng chính là nơi ghi dấu những tác phẩm dự thi trong hai giải Graffiti Việt Nam đầu tiên. Trọng Báu nhớ lại: “Giải lần 1 tổ chức vào năm 2006 rất ít người tham gia, chỉ khoảng 40 bạn. Nhưng từ lần thứ hai thì đông, cả các bạn yêu graffiti ở cả miền Trung và miền Nam cũng tham gia. Chỉ tiếc là bức tường hoang đầy kỉ niệm đó bây giờ cũng đã bị giải tỏa rồi”.

Thời gian đầu khi đi xin phép được vẽ trên những bức tường trong khu phố, bọn trẻ chỉ nhận được sự la ó, phản đối của người dân. Họ coi đó là một trò nghịch ngợm vớ vẩn. Chỉ đến khi các họa sĩ graffiti tổ chức hai mùa giải một cách chuyên nghiệp, bài bản, các “bô lão” mới bắt đầu gật gù trước những bức tranh sinh động đầy màu sắc. Năm 2007, giải Graffiti Việt Nam lần thứ 3 đã chính thức vượt ra khỏi biên giới bức tường hoang để đến với những bức tường trong khu phố. Bắt đầu từ đây, khu tập thể H5 Thượng Thanh (Long Biên – Hà Nội) trở thành “thánh địa” của graffiti Miền Bắc. Bức tường nhà Báu chính là nơi bức vẽ graffiti đầu tiên công khai xuất hiện trong khu phố. Cùng với bức tường nhà Báu, mỗi bức tường nơi đây đều đã khoác lên mình không biết bao nhiêu bức graffiti. Cứ sau khi một bức tranh hoàn thiện, các bạn trẻ lại xóa đi để vẽ lại một bức khác. Đất chật, tường chỉ có ngần ấy bức mà trí sáng tạo lại luôn sinh sôi, không giới hạn nên họ chẳng có cách nào khác... Cho tới hiện tại, “thánh địa” này là nơi tụ tập của gần 40 nhóm vẽ graffiti trên khắp cả nước, trong đó có những nhóm mạnh, có tiếng trong làng graffiti Việt như: S5, FK Family, Funny Mew…

“Để vẽ được tranh graffiti, bạn cần có chút năng khiếu vẽ, sự sáng tạo và đặc biệt là lòng đam mê. Vẽ graffiti không có một kiểu mẫu nhất định nào, những bức vẽ được ra đời trong sự ngẫu hứng hay nói cách khác đó là phong cách riêng của từng người, không ai giống ai”, Trọng Báu chia sẻ.

Thực chất, từ ”graffiti” có nguồn gốc từ chữ “graphein” trong tiếng Hy Lạp – có nghĩa là viết. Sau này, nó trở thành từ “graffito” trong tiếng LaTinh. Hiểu cách đơn giản, graffiti là vẽ, viết chữ nguệch ngọac lên một bề mặt phẳng lớn. Ngày nay, người ta coi graffiti là phong cách “vẽ NewYork” hay “vẽ hiphop”. Graffiti đã kết hợp vào trong nền văn hóa HipHop, và trở nên một phần không thể thiếu trong bộ 3 cùng với rapping, breakdance.

Chàng họa sĩ trẻ nhấn mạnh: “Điểm đặc biệt của graffiti chính là lấy màu sắc để thu hút người xem, chính vì vậy sau khi đã hoàn thành những nét vẽ phác thảo thì để có được một bức vẽ đẹp hoàn chỉnh người vẽ cần phải biết cách phối màu hợp lý, hài hòa sao cho các màu sắc luôn tăng cường cho nhau và làm nổi bật thông điệp mà họa sĩ muốn gửi tới người xem”.

 

 

Chất liệu màu vẽ graffiti cũng khá đặc biệt. Thời gian đầu người ta dùng marker để vẽ, nhưng trên mặt tường chất liệu này khó vẽ vô cùng. Vì thế họ chuyển sang dùng bình xịt – spray paint. Bình xịt có thể “chơi” với mọi loại bề mặt, rất nhanh và dễ sử dụng. Đầu phun của bình xịt có thể tạo ra những mảnh tranh đầy màu sắc, các bình xịt khác nhau có thể tạo ra những đường lớn nhỏ khác nhau cho bức tranh. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là loại bình xịt có tên là ATM.

Có thể nói, graffiti là một thú chơi tốn kém. Để vẽ được một bức graffiti hoàn chỉnh thì số tiền bỏ ra không hề nhỏ chút nào, ít nhất khoảng 300 nghìn đến 400 nghìn cho một bức vẽ đơn giản. “Thời gian đầu sơn rẻ, chỉ 18, 20 nghìn một lọ. Giờ thì 50 nghìn một lọ cũng không có để mua. Các bạn trẻ vẽ ở khu này phần lớn thường đi vẽ cho các quán, rồi tiết kiệm sơn mang về để vẽ hoặc tự để dành tiền mua sơn. Theo đuổi loại hình hội họa “đường phố” này cũng phải đam mê lắm”, Báu bộc bạch.

 

 

...Tới tình yêu phố cổ Hà Nội

 

Từ khi tổ chức giải Graffiti đầu tiên vào năm 2005, cho tới nay, các bạn trẻ vẫn duy trì tổ chức giải thi đấu này đều đặn mỗi năm một lần với những chủ đề khác nhau để các họa sĩ có thể tham gia tranh tài và sáng tác. Tuy nhiên, mùa giải năm nay trở thành một dấu ấn đặc biệt đối với cộng đồng graffiti Việt Nam...

Đầu năm 2010, Sở xây dựng Thành phố Hà Nội đã chính thức đưa khu tập thể H5 Thượng Thanh vào khu quy hoạch giải tỏa để mở đường xây dựng đô thị mới. “Thánh địa” graffiti này sẽ bị thay thế bởi những con đường to, rộng, những tòa nhà hiện đại, cao chọc trời... “Bọn em quyết định tổ chức giải graffiti lần thứ 5 và cũng là lần cuối cùng với chủ đề gì đó thật sự ý nghĩa. Chủ đề Hà Nội 36 phố phường là ý tưởng của bạn Hoàng Art. Thông qua những bức vẽ về phố cổ Hà Nội, cộng đồng graffiti Việt Nam muốn thể hiện tình yêu của mình với thủ đô ngàn năm văn hiến, đồng thời cùng với cả nước hướng về Hà Nội đón đại lẽ 1000 Năm Thăng Long. Không chỉ sử dụng các con chữ để thể hiện mà các họa sĩ còn phải vận dụng tốt yếu tố màu sắc, hình ảnh để tạo nên nét đặc trưng riêng biệt cũng như thần thái cho con phố mình làm”, Trọng Báu chia sẻ.

Bằng sự sáng tạo đầy ngẫu hứng, các họa sĩ graffiti đã tái hiện 36 phố phường Hà Nội qua những hình vẽ hóm hỉnh, cá tính, đầy sắc màu nhưng cũng không kém phần cổ kính. Phố Hàng Bè giăng giăng dây điện; Phố Hàng Gà với mái ngói liêu xiêu; Phố Hàng Bồ với kim chỉ, cúc, mác... đặc trưng của khu phố chuyên buôn bán đồ may mặc; Phố Hàng Mã nổi bật với đèn lồng, đầu lân... Rồi cả hình ảnh Tháp rùa, Hồ Gươm... cũng được các bạn trẻ phác họa một cách độc đáo...  Những bức vẽ khiến người xem có thể cảm nhận được trọn vẹn không gian văn hóa đặc trưng một thời của kinh đô văn hiến đất Việt.

Kết thúc giải, tác phẩm Hàng Mã của nhóm S5 đạt giải nhất. Tác phẩm Hàng Bồ của nhóm FK Family đạt giải nhì. Tác phẩm Nhà thờ của Hoàng Tex đoạt giải nhất cá nhân.... Mùa giải cuối cùng với những bức vẽ đẹp nhất, nhiều giải thưởng nhất, vui nhất và cũng là mùa giải buồn nhất, nhiều luyến tiếc nhất của cộng đồng graffiti Việt Nam... Chỉ mấy ngày sau khi giải lần thứ 5 kết thúc, những chiếc máy ủi đầu tiên đã được đưa tới để ... giải tỏa “thánh địa” graffiti...

 

 

Đi tìm một “thánh địa” graffiti mới?

 

Cách biệt trung tâm Gia Lâm tấp nập, ồn ào bởi những con phố dài, những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, “thánh địa” graffiti thật yên bình, tĩnh lặng giữa tiết trời heo may dịu mát của mùa thu Hà Nội. Không còn hình ảnh các họa sĩ graffiti thi nhau trổ tài với những bình sơn nhiều màu, những bức tranh sinh động, cá tính về Phố cổ Hà Nội cùng tiếng nói cười ồn ào không dứt. Chỉ còn lại những mảng màu graffiti nham nhở, những góc phố cổ xót lại tả tơi trộn lẫn trong đống gạch vữa đổ nát, vỡ vụn. Ngần ấy những dãy nhà, những con phố chỉ còn lại duy nhất phố Hàng Bồ. Tất cả phố Hàng Than, Hàng Mã, Hàng Thiếc... đều đã trở về với cát bụi.

“Phố Hàng Bồ chính là sản phẩm của nhóm em. Em sẽ cố gắng giữ lại nó tới lúc cuối cùng. Nhưng sớm muộn rồi nó cũng sẽ bị phá đi thôi”, Trọng Báu tiếc nuối. Đã vẽ không biết bao nhiêu tác phẩm, nhưng Hàng Bồ có lẽ là tác phẩm mà Báu ấn tượng nhất. Đó là bức vẽ cuối cùng của cậu trên “thánh địa” này, là bức vẽ chia tay “thánh địa”, bức vẽ về Hà Nội mà cậu hết lòng yêu mến. Tôi hỏi: “Em yêu nhất nơi nào Hà Nội?”, Báu mỉm cười: “Em yêu nhất thánh địa này”. “Thế tại sao em không vẽ nơi mình yêu nhất lại vẽ Hàng Bồ?”, cậu hóm hỉnh: “Vì chủ đề ra là phố cổ! Với lại, em chưa bao giờ vẽ khu phố của mình cả. Em đã dành cho nó một “khoảng tường” riêng rất đặc biệt trong tim mình rồi. Dù “thánh địa” này có bị phá đi, nó cũng sẽ vẫn tồn tại mãi mãi...”.

Cậu họa sĩ trẻ kể những người bạn của cậu cũng đã bắt đầu đi săn lùng “thánh địa” mới. Họ sang Ngọc Hà, rồi cả Trần Khánh Dư... những nơi có khu bỏ hoang để vẽ. “Nhưng mấy lần bọn em bị công an bắt, họ phạt 40 hoặc 50 nghìn gì đó rồi thả ra. Sẽ chẳng ở đâu được vẽ thoải mái như trên “thánh địa” này hết...”

Mạnh Tiến

Ảnh: Dương Triều

Bình luận
vtcnews.vn