Chi tiết bảng lương mới của phi công Vietnam Airlines

Kinh tếThứ Hai, 12/01/2015 06:04:00 +07:00

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam công bố bảng lương theo lộ trình cải cách tiền lương đối với đội ngũ lao động kĩ thuật cao.

(VTC News) - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam công bố bảng lương theo lộ trình cải cách tiền lương đối với đội ngũ lao động kĩ thuật cao.

Theo đó Vietnam Airlines (VNA) đã bắt đầu điều chỉnh tăng lương (đã bao gồm cả lưu trú) cho phi công của hãng từ 1/1/2015.

Bảng lương chi tiết phi công VNA
Bảng lương chi tiết phi công VNA  

Cụ thể, đối với loại máy bay B777 hoặc A330, mức lương đã bao gồm cả lưu trú với chức danh cơ trưởng tăng từ 132 triệu đồng/tháng lên 163 triệu đồng/tháng bắt đầu từ tháng 1/2015 và sẽ tăng lên là 177 triệu đồng vào tháng 7/2015. Với chức danh giáo viên mức lương tăng từ 167 triệu đồng/tháng lên 203 triệu đồng bắt đầu từ tháng 1/2015 và sẽ tăng lên 217 triệu đồng vào tháng 7/2015.

Đối với loại máy bay A321, mức lương đã bao gồm lưu trú của cơ trưởng tăng từ 115 triệu đồng/tháng lên 143,875 triệu đồng/tháng bắt đầu từ tháng 1/2015 và theo lộ trình tăng lên gần 158,875 triệu đồng vào tháng 7 tới. Với chức danh giáo viên mức lương tăng lên là 183,250 triệu đồng/tháng vào 1/2015 và sẽ tiếp tục tăng lên mức 198,250 triệu đồng vào tháng 7 này.

Riêng với loại máy bay ATR72, mức lương đã bao gồm cả lưu trú với chức danh cơ trưởng tăng từ 100 triệu đồng/tháng lên 114,250 triệu đồng/tháng kể từ tháng 1/2015, sau đó tăng lên mức hơn 121,250 triệu đồng/tháng vào tháng 7/2015. Với chức danh giáo viên mức lương tăng từ 135 triệu đồng/tháng lên 153,625 triệu đồng bắt đầu từ tháng 1/2015 và sẽ tăng lên 160,625 triệu đồng vào tháng 7 tới.

Theo ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc TCT HKVN, lộ trình cải cách tiền lương của Tổng công ty không phải chỉ được đưa ra sau khi có những đề xuất từ đội ngũ nhân viên kĩ thuật cao mà từ 2008, VNA đã xây dựng lộ trình cải cách tiền lương chung cho Tổng công ty, đã báo cáo và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Theo lộ trình này, thu nhập của phi công sẽ tăng dần và khi kết thúc sẽ đạt đến mức 75%-80 thu nhập phi công nước ngoài mà VNA thuê.

Đến năm 2015, sau 5 lần cải cách, thu nhập của phi công Việt Nam sẽ bằng xấp xỉ 75% thu nhập phi công nước ngoài mà VNA đang thuê.

Gần đây nhất, tháng 11/2014 Liên đoàn Tổng công ty đã có buổi làm việc  với 250 phi công và đã công bố chi tiết lộ trình cải cách tiền lương.

Lý giải chi tiết, ông Nguyễn Bùi Lâm - Phó trưởng ban Tổ chức và Phát triển Nguồn nhân lực cho hay: Đối với tiền lương phi công VNA,  thời điểm trước tháng 9 năm 2014 lương của đội ngũ kĩ thuật cao bao gồm 3 phần: Lương chuyên doanh, lương năng suất (tính theo giờ bay) và phụ cấp lưu trú. Trong đó, lương năng suất của mỗi phi công rất cao, còn tiền lưu trú tính theo thị trường, có thể lên đến cả nghìn USD/ tháng.

Từ tháng 9 năm 2014, lương của đội ngũ phi công được cộng dồn và chỉ còn lại 2 khoản: lương cơ bản – lương đánh giá theo sản phẩm.

“Mức lương này không giảm, tăng từ 10 – 15% tùy từng chức danh. Nguyên tắc có cộng dồn thì phải tính cộng tới, không cộng ngang. Lực lượng còn lại không được giảm, không có chuyện một đối tượng nào đó bị giảm đi”, ông Lâm khẳng định.

Còn theo ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban Tài chính kế toán - Kế toán trưởng TCT HKVN, nếu so sánh đến cùng, tính hết chi phí (100% chi phí để đào tạo phi công) thì năm 2013, chi phí này là 220/550 tỷ đồng chi phí toàn Tổng công ty (chiếm gần 50%). Cách đây 2 năm, Tổng công ty đã thực hiện xã hội hóa đào tạo phi công cơ bản, xây dựng từng bước tính đủ vào cấu trúc tiền lương. Tăng dần lương phi công lên mức 75-80% so với lương phi công thuê ngoài.

“Thời điểm này, mức lương của phi công trong nước đang ở vào khoảng 75-80% so với lương trả cho phi công nước ngoài”, ông Hiền cho biết. 

lương
Bảng thu nhập và lương của phi công  A320/321 của một số hãng hàng không khu vực châu Á

Trước đó, nhiều phi công bức xúc vì chính sách tiền lương không công bằng. Cùng một vị trí, trình độ nhưng lương của phi công nước ngoài lại cao hơn gấp 4 lần. Mức lương trung bình của đội ngũ phi công “nội” năm 2013 là 74,8 triệu đồng. Trong khi VNA lại trả lương cho phi công nước ngoài xê xích từ 8.000 – 13.000 USD. Điều này được lãnh đạo Vietnam Airlines giải thích với lí do “thuê phi công nước ngoài, chúng tôi không phải tốn chi phí đào tạo”.

Từ hồi tháng 10/2014, “làn sóng” phi công VNA xin chuyển đổi nhà khai thác đã âm ỉ diễn ra. Đến dịp tết dương lịch 2015, nó đã “tăng cao” lên mức “báo động” khi hàng loạt phi công “lãn công tập thể”.

Ngày 7/1, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã ký chỉ thị chỉ thị tạm thời chưa chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của VNA (trong đó có đội ngũ phi công-pv). Đồng thời yêu cầu VNA rà soát, thực hiện chế độ tiền lương để tăng thu nhập cho lực lượng lao động kỹ thuật cao, cùng các chế độ đãi ngộ khác.

Hà Linh



Bình luận
vtcnews.vn