Chi phí chính thức ‘ăn mòn’ 40% lợi nhuận doanh nghiệp

Kinh tếThứ Sáu, 27/05/2016 01:50:00 +07:00

Theo VCCI, chưa kể chi phí không chính thức, chi phí chính thức đã “ăn mòn” 40% tổng lợi nhuận doanh nghiệp.

(VTC News) – Theo VCCI, chưa kể chi phí không chính thức, chi phí chính thức đã “ăn mòn” 40% tổng lợi nhuận doanh nghiệp.

Không hình sự hóa quan hệ kinh tế

Tại buổi họp báo thông tin chuyên đề về nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, diễn ra sáng 27/5, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà đã nhấn mạnh vào một số quy định mới hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp.

Nghị quyết 35 Chính phủ mới ban hành quy định cơ quan quản lý nhà nước chỉ  được phép thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá 1 lần/năm. Nếu việc kiểm tra thanh tra diễn ra quá nhiều, doanh nghiệp có quyền không tiếp.

Quy định này được nhắc tới sau khi có rất nhiều thông tin phản ánh doanh nghiệp bị thanh tra quá nhiều. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông cho biết sau khi nhận thông tin từ VCCI, Bộ kế hoạch và Đầu tư được biết có doanh nghiệp bị kiểm tra hàng tuần. Và đây là những cuộc kiểm tra không chính thức.
Chi phí chính thức đã ‘ăn mòn’ 40% lợi nhuận doanh nghiệp. Ảnh: Baotintuc
Chi phí chính thức đã ‘ăn mòn’ 40% lợi nhuận doanh nghiệp. Ảnh: Baotintuc
Vì vậy, quy định chỉ được phép thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá 1 lần/năm sẽ giúp doanh nghiệp “dễ thở” hơn. Không chỉ có vậy, việc thanh tra, kiểm tra sẽ được nhiều bộ ban ngành thực hiện cùng lúc để doanh nghiệp giảm thời gian đón tiếp.

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố gắng theo thông lệ quốc tế, đó là kiểm tra là kiểm tra liên ngành luôn, bao gồm cả thuế, hải quan, môi trường… chứ không tiến hành kiểm tra đơn lẻ, mai một đoàn, ngày kia một đoạn” – Ông Đông cho biết.

Về việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị các cơ quan chức năng khi thanh kiểm tra phải kế thừa kết quả của các đợt kiểm tra trước, tránh tình trạng kiểm tra cùng một nội dung, có nội dung trùng lặp.

Bên cạnh đó, ông Lê Mạnh Hà cũng nhắc đến “quán Xin Chào”. Theo ông Hà, đây là sự cố đáng tiếc khi “quán Xin Chào” bị hình sự hóa. Nhưng những sự cố này sẽ không xảy ra vì theo  quy định mới, sẽ không hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Chi phí “ăn mòn” 40% lợi nhuận

Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin hỗ trợ cho doanh nghiệp, bà Hằng cũng đưa ra chi tiết những “nỗi khổ” của doanh nghiệp. Đó là chi phí chính thức và chi phí không chính thức quá cao.

Với chi phí chính thức, bà Hằng liệt kê một số khoản như thuế, bảo hiểm xã hội, chi phí giao thông,... Những chi phí này chiếm tới 40% tổng lợi nhuận của doanh nghiệp. Bà Hằng đánh giá đây là gánh nặng khiến doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng nếu thống kê của VCCI là đúng thì quả thực đây là chi phí cao. Ông Đông khẳng  định doanh nghiệp sẽ mất năng lực cạnh tranh ngay từ những chi phí thế này. Ông đề nghị VCCI tiếp tục điều tra nghiên cứu các khoản phí chính thức và không chính thức mà doanh nghiệp phải gánh.

Ông Đông cũng chia sẻ cảm nhận của riêng  mình về thuế phí. Ông Đông đã đưa ra ví dụ cụ thể 1kg củ đậu được đưa từ quê ông (cách Hà Nội 120km), khi tới Hà Nội, giá củ đậu đội từ 5.000/kg lên 50.000 đồng/kg. Theo ông Đông, đây không chỉ là “lỗi” do phí giao thông mà còn do nhiều chi phí khác.

Dù vậy, ông Đông vẫn khẳng định phí giao thông đang gây ảnh hưởng tới từng cân thịt, cân gạo, mớ rau…của bà con từ nông thôn ra thành phố.

Vì vậy, ông Đông khẳng định cần phải kiểm soát kĩ vấn đề thu phí BOT. Để làm được việc này, ông Đông đưa ra ý tưởng về máy đếm xe không dừng tự động.

Ông Đông tiết lộ, hiện tại, đã có doanh nghiệp nội khẳng định sản xuất được máy đếm xe không dừng tự động. Chiếc máy này sẽ đếm các phương tiện đi lại. Chúng ta sẽ lấy kết quả này để so sánh doanh số mà các chủ đầu tư công bố.


Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn