Chỉ mặt những dự án quy hoạch khó hiểu ở Hà Nội

Thời sựThứ Ba, 22/04/2014 11:00:00 +07:00

(VTC News) – Không chỉ bẻ cong đường Trường Chinh, trong quy hoạch nhiều dự án của thành phố Hà Nội còn những điều khó hiểu.

(VTC News) – Không chỉ bẻ cong đường Trường Chinh một cách bất thường, trong quy hoạch nhiều dự án của thành phố Hà Nội còn những điều khó hiểu.

Giữa lúc dư luận đang mải mê tranh cãi về “đường cong mềm mại” của đường Trường Chinh, có ý kiến cho rằng rồi sẽ đến lúc chúng ta quên chuyện đó như đã từng lãng quên nhiều kiểu quy hoạch thiếu logic khác ở thủ đô.

Bẻ cong đường Trường Chinh

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 8/4, ông Dương Đức Tuấn – Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí liên quan tới quy hoạch và chỉ giới đường đỏ đường Trường Chinh.

Theo Phó Giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội, đường Trường Chinh cong mềm mại
Theo Phó Giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội, đường Trường Chinh 'cong mềm mại'
Trước câu hỏi có hay không việc đường Trường Chinh bị nắn cong, ông Dương Đức Tuấn – Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng nó “cong mềm mại”.

"Đừng nghĩ chỉ giới đường đỏ “quá cong” vì trong trường hợp này nó chỉ là một đường cong mềm mại để vuốt nối các đoạn đường với nhau", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn khẳng định, hồ sơ thẩm định và phê duyệt chỉ giới đường đỏ đường Trường Chinh là đúng thẩm quyền, quy định của Nhà nước chứ không có bất cứ hành vi hay tác động nào khiến đường từ thẳng thành cong.

Theo ông Tuấn, ban đầu đoạn tuyến Trường Chinh là đoạn tuyến đi thẳng do chưa có nghiên cứu cụ thể về chỉ giới đường đỏ. Sau này, tới tận năm 2006 vừa qua, để phục vụ cho dự án đầu tư mới, người ta mới nghiên cứu cụ thể về vấn đề này.

“Việc lập chỉ giới đường đỏ có thỏa thuận của rất nhiều cơ quan liên quan. Ở đây, không vì lợi ích của cá nhân nào. Nếu có thông tin nào về vấn đề này, tôi cho là không có cơ sở.

Đoạn tuyến này được thi công dựa trên thỏa thuận xin ý kiến của Bộ Quốc phòng cũng như xem xét kỹ lưỡng các vấn đề kỹ thuật, các điểm vuốt nối đảm bảo chuyển động êm thuận. Các cơ quan của thành phố hoàn toàn không có lợi ích cá nhân khi thiết kế xây dựng con đường này”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trên thực tế, sẽ có hàng vạn người đi qua đó mỗi ngày, và chưa kể đến số kinh phí xây dựng chênh lệch so với việc làm đường thẳng, thì mỗi người đi thêm một mét đường, nhân với hàng triệu, hàng chục triệu lượt người, cũng sẽ tạo ra một sự lãng phí xăng xe cực lớn.

Bởi vậy, trước nhiều luồng dư luận trái chiều, ngày 18/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội, Bộ Quốc phòng báo cáo về việc nắn đường Trường Chinh.

Ga tàu điện ngầm: Phá nát cảnh quan hồ Gươm?

Ga tàu điện ngầm bị cho là sẽ phá nát cảnh quan hồ Gươm (Ảnh chỉ có tính minh họa: Internet)
Ga tàu điện ngầm bị cho là sẽ phá nát cảnh quan Hồ Gươm (Ảnh chỉ có tính minh họa: Internet) 
Dự án tàu điện ngầm đầu tiên của Hà Nội đoạn đi qua Hồ Gươm vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều dù TP Hà Nội đã chấp thuận đặt ga tàu điện ngầm ở đây.

Các chuyên gia Nhật Bản cũng như nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đều cho rằng tuyến đường sắt ngầm này sẽ phá vỡ cảnh quan và không khả thi trong giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, nhiều kiến trúc sư đều đồng tình với quan điểm của của PGS.TS Hà Đình Đức khi cho rằng dự án đường sắt đô thị này không chỉ ảnh hưởng đến mặt văn hóa và tâm linh mà còn có những tác động lớn về mặt khoa học kĩ thuật nơi dự án đi qua.

KTS Lê Hồng Kế cho rằng, đất Hà Nội nói chung và đất Hồ Gươm rất mềm, nên khi xây dựng dự án ga ngầm qua Hồ Gươm, nếu dùng công nghệ ép đất dồn lại rồi mới xây, chỗ đất mềm chắc chắn sẽ bị trồi lên.

Nếu bị ép ở hai bên đường Đinh Tiên Hoàng và Lê Thái Tổ, chắc chắn đáy Hồ Gươm sẽ bị đội lên vì phía bên ngoài hai con đường này.

Còn theo KTS Nguyễn Quang Huy (Phòng tư vấn kiến trúc, xây dựng Hà Nội), công nghệ ép đất là một công nghệ hiện đại của thế giới, khi sử dụng công nghệ này, chắc chắn không thể không có ảnh hưởng dây chuyền đến lòng đất, đặc biệt là khu vực Hồ Gươm.

Theo đó, lực ép quá lớn có thể khiến Hồ Gươm bị nghiêng so với bề mặt.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm, đây là không gian tâm linh, không gian lễ hội, không gian xanh và là trung tâm hành chính, chính trị của thành phố do vậy cần tìm địa điểm thích hợp hơn để đặt ga C9.

Thế nhưng, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội một mực khẳng định tàu điện ngầm sẽ là phương án thuận tiện, an toàn và văn minh nhất.

Đây là những “lý lẽ” xác đáng để UBND TP Hà Nội chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc về việc đặt nhà ga C9 (tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng (22/2/2013).

Xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc
Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng, phương án 2 với cầu vượt có nền đường cong mềm mại, lệch phía bắc của tuyến (về phía đường Tôn Đức Thắng) có nhiều ưu điểm
Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng, phương án 2 với cầu vượt có nền đường cong mềm mại, lệch phía bắc của tuyến (về phía đường Tôn Đức Thắng) có nhiều ưu điểm 
Vào tháng 4 năm ngoái, dư luận từng dậy sóng phẫn nộ khi bất chấp nhiều ý kiến trái chiều, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vẫn chấp thuận phương án xây cầu vượt nút giao Ô Chợ Dừa trên không gian Đàn Xã Tắc theo đề xuất của một số đơn vị trong đó có Sở quy hoạch kiến trúc.

Trong thời gian Hà Nội nghiên cứu phương án hướng tuyến cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, một số chuyên gia khảo cổ, lịch sử đã bày tỏ lo ngại công trình sẽ ảnh hưởng đến di tích khảo cổ từng khai quật tại Đàn Xã Tắc.

Thế nhưng, ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng, phương án 2 với cầu vượt có nền đường cong mềm mại, lệch phía bắc của tuyến (về phía đường Tôn Đức Thắng) có ưu điểm về kinh phí đầu tư xây dựng, ít ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc và đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng ý.

Đồng thời, phương án này còn hạn chế tối đa việc giải phóng mặt bằng phạm vi nút và giảm thiểu ảnh hưởng đến nhà dân.

Phó giám đốc Sở khẳng định, quy trình xác lập phương án kiến trúc cầu vượt đã được thực hiện chặt chẽ, các giải pháp kỹ thuật đều được Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thống nhất bằng văn bản. Phương án của cầu sau khi được tổ chuyên gia kỹ thuật chấp thuận đã được đưa ra Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch thủ đô và nhận được sự đồng thuận.

Do vậy, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đồng tình với phương án kiến trúc cầu vượt qua nút giao Ô Chợ Dừa do Ban quản lý dự án trọng điểm giao thông đô thị (đại diện chủ đầu tư) đệ trình, được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thẩm định.

>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn