Chi hàng trăm triệu đồng cấp chứng chỉ hành nghề y ở Đắk Lắk: Sở Y tế nói gì?

Tin nhanh 24hThứ Tư, 10/06/2020 08:24:00 +07:00
(VTC News) -

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk sẽ kiên quyết rà soát, xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan đến những sai phạm trong việc cấp chứng chỉ hành nghề y.

Sáng 10/6, trả lời VTC News, ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, liên quan đến những trường hợp không đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định, Sở đã thu hồi chứng chỉ hành nghề của những trường hợp này để xử lý.

"Đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan đến những sai phạm trong việc cấp chứng chỉ hành nghề y, Sở sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm theo đúng quy định", ông Nay Phi La nói.

Qua đó, Sở Y tế đã quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định đối với 4 trường hợp này, gồm: Ông Huỳnh Văn Bình (SN 1985, quê tỉnh Lâm Đồng), ông Lê Anh Tài (SN 1978, quê Thừa Thiên Huế), ông Hứa Chí Cường (SN 1981, quê TP.Hồ Chí Minh) và ông Huỳnh Thanh Giàu (SN 1976, ngụ tỉnh Đồng Tháp). Bốn trường hợp nói trên đều đang công tác ở các tỉnh phía Nam, có trình độ chuyên môn bác sĩ đa khoa.

Chi hàng trăm triệu đồng cấp chứng chỉ hành nghề y ở Đắk Lắk: Sở Y tế nói gì? - 1

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Trước đó, Sở Y tế có kết luận kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với công tác xác nhận thời gian thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề tại BVĐK Vùng Tây Nguyên.

Cụ thể, ông Huỳnh Văn Bình (SN 1985) đã liên hệ với một người phụ nữ tên Ý (TP.HCM) qua mạng xã hội để nhờ người này làm thêm chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ viện).

Sau đó, Ý hướng dẫn ông Bình gặp bà Lê Thị Ánh Hồng (người tự xưng là bác sĩ chuyên khoa Da liễu, trú TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). 

Giá chứng chỉ hành nghề của ông Bình là 220 triệu đồng. Số tiền này được chuyển 3 lần vào tài khoản của bà Hồng.

Tiếp đó, bà Hồng đưa ông Bình đến Phòng tổ chức cán bộ tại BVĐK vùng Tây Nguyên bổ sung hồ sơ, nhận quyết định tiếp nhận và phân công người hướng dẫn thực hành tại khoa Chấn thương chỉnh hình do bác sĩ Nguyễn Đại Phong - Giám đốc bệnh viện ký.

Nếu theo quy định, ông Bình phải có mặt ở bệnh viện 18 tháng mới đủ điều kiện thì Thanh tra Sở Y tế xác định, người này chỉ có mặt ở bệnh viện khoảng 1 tháng (tháng 7/2018).

Cùng với ông Bình, Thanh tra còn phát hiện thêm 3 người khác gian dối khi làm hồ sơ thực hành tại BVĐK Tây Nguyên để được cấp chứng chỉ hành nghề, gồm: ông Hứa Chí Cường (SN 1982); ông Lê Anh Tài (SN 1978) và ông Huỳnh Thanh Giàu (SN 1976). Ba người này đều có hình thức mua chứng chỉ với giá 300 triệu đồng.

THANH HẢI
Bình luận
vtcnews.vn