Chị gái Huyền Như khóc nức nở giữa phiên xử

Pháp luậtThứ Năm, 18/12/2014 08:14:00 +07:00

Xử vụ Huyền Như: Chị gái của Như đang bán trứng vịt lộn thì được bị cáo đưa về làm nhân viên và sau đó là Phó giám đốc.

Chị gái của Như đang bán trứng vịt lộn thì được bị cáo đưa về làm nhân viên và sau đó là Phó giám đốc, một phụ nữ khác đang làm việc tại quán ăn cũng được Như tuyển để “phục vụ” cho quá trình lừa đảo.

Lừa cả chị ruột

Chiều ngày 17/12 HĐXX, TANDTC tại TP.HCM tiếp tục phiên tòa phúc thẩm với phần thẩm vấn các bị cáo liên quan đến hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trả lời HĐXX, bị cáo Huỳnh Thị Mỹ Hạnh (chị gái  Huyền Như) cho biết. Dù bản án sơ thẩm kết luận Hạnh đã giúp sức cho Như trong việc thực hiện các hành vi chiếm đoạt nhưng thực chất Hạnh không nhận bất cứ khoản lợi nào. Bản thân bị cáo cũng không biết việc Như lừa đảo.
Tiếng khóc nức nở giữa phiên xử của chị gái Huyền Như
Huyền Như được đưa ra xe sau phiên xử ngày 17/12. 

“Bị cáo có ba con nhỏ, mẹ bị cáo cũng đã lớn tuổi nên mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo trở về chăm sóc các con, bị cáo không ngờ Như lừa cả chị ruột của mình” – Hạnh vừa khóc vừa nói.

Đến lượt mình, bị cáo Trần Thị Tố Quyên (nhân viên công ty Hoàng Khải –“sân sau” do Như và bị cáo Võ Anh Tuấn dựng lên, tại phiên sơ thẩm Quyên bị tuyên 14 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) cũng bật khóc nức nở khiến phần trình bày liên tục bị ngắt quãng, chủ tọa phải nhiều lần khuyên Quyên bình tĩnh.

Sau đó Quyên cho rằng bản thân mình chỉ là người làm công ăn lương, hoàn toàn không biết cũng như ý thức được hành vi lừa đảo của Như. “Bị cáo đang làm ở quán ăn thì được chị Như kêu về công ty Hoàng Khải, bị cáo không biết gì hết, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để bị cáo về với gia đình”. Quyên cũng cho biết mình mới trải qua ca sinh mổ nên sức khỏe rất yếu.

Bên cạnh Hạnh và Quyên, Nguyễn Thị Lành và Đào Thị Tuyết Dung cũng được HĐXX thẩm vấn về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo đều thừa nhận hành vi này và xin được giảm nhẹ hình phạt vì chỉ làm theo lệnh của Như”.

Trong khi đó Như lặng lẽ cúi mặt suốt thời gian các bị cáo trên trình bày.

Lừa chủ tài khoản ký vào lệnh chi


Cũng trong buổi chiều ngày 17/12, HĐXX tiếp tục thẩm vấn Như về hành vi chiếm đoạt 380 tỷ đồng của công ty Phương Đông. Trả lời về cách thức sử dụng để chiếm đoạt tiền, Như cho biết mình dùng các “lệnh chi trắng” (chỉ có chữ ký của chủ tài khoản là bà Vũ Hồng Hạnh – Tổng giám đốc công ty Phương Đông, còn nội dung được Như điền vào sau). Sở dĩ Như làm việc này là để đối phó với đoàn kiểm tra của Vietinbank.

Vị đại diện VKS tiếp tục hỏi Như về thời điểm bà Hạnh bị Như lừa ký vào các lệnh chi giả nói trên là trước hay sau khi Như chiếm đoạt 380 tỷ (Như chiếm đoạt rồi bà Hạnh mới ký hay ngược lại - PV). Khi Như không trả lời được vị đại diện VKS đã đề nghị triệu tập bà Hạnh, tuy nhiên thông tin cho biết bà Hạnh đang bị bệnh rất nặng.

Sau đó VKS đã trích lời khai trước đây của Như tại cơ quan điều tra. Khi đó Như cho rằng mình thực hiện các lệnh chi trên máy trước, nhưng để đối phó với đoàn kiểm trả của Vietinbank Như đã lừa bà Hạnh ký vào 7 lệnh chi trên giấy.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời câu hỏi của HĐXX đại diện Vietinbank cho rằng, các chi nhánh có rất nhiều hồ sơ, và với quy trình chọn mẫu ngẫu nhiên thì rất khó phát hiện ra hồ sơ giả.

Theo cáo trạng, từ ngày 11/8/2011 đến ngày 12/9/2011, công ty Phương Đông đã chuyển vào tài khoản thanh toán mở tại Vietbank chi nhánh TP HCM 1.190 tỉ đồng theo chỉ định của Như dù chưa ký hợp đồng. Sau đó Như đã tự chuyển 380 tỉ đồng từ tài khoản thanh toán của Công ty Phương Đông cho 3 công ty khác đang là chủ nợ của mình.

Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn