Chỉ 6 tác phẩm bắt buộc trong chương trình Ngữ Văn mới: 'Tìm đâu ra cá nhân với cả vẻ đẹp và góc tối'

Giáo dụcThứ Bảy, 13/01/2018 17:50:00 +07:00

TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng đa số các tác phẩm trong chương trình Ngữ Văn mới đều ca ngợi vẻ đẹp cộng đồng thì tìm đâu ra con người cá nhân với cả vẻ đẹp, góc tối và những nỗi đau.

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, trong tháng 1/2018, Dự thảo các các chương trình môn học sẽ được đăng tải lên cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT để xin ý kiến người dân.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT sắp công bố chương trình môn học mới. Theo đó, nhiều tác giả - tác phẩm kinh điển sẽ không đưa vào chương trình chính thức môn Ngữ Văn.

6 tác phẩm bắt buộc có trong chương trình THPT môn Ngữ Văn gồm: bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập.

Trinh_thu_Tuyet

 TS Trịnh Thu Tuyết. (Ảnh: Internet)

Trao đổi về vấn đề này, TS Trịnh Thu Tuyết (Nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho rằng, đây là hướng đi mới, khắc phục được tình trạng học vẹt, học theo văn mẫu.

Học sinh cần chú trọng phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe, kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng tạo lập, thực hành và vận dụng văn bản.

TS Tuyết chia sẻ thêm mấy năm qua, chương trình thiên về cung cấp kiến thức cho học sinh. Trong khi đó, kiến thức ngoài nhà trường là vô hạn, học sinh sẽ rất khó khăn tiếp cận kiến thức ấy nếu phần kỹ năng chưa được chú trọng.

"Nói hẹp thì 'văn là người', nói rộng hơn thì chương trình ngữ văn một quốc gia thường phản ánh khá chính xác gương mặt tinh thần, chiều sâu và đẳng cấp văn hoá của Quốc gia đó”, nữ giáo viên dạy Ngữ Văn bày tỏ.

Bình luận về việc chỉ đưa 6 tác phẩm bắt buộc trong Dự thảo chương trình Ngữ Văn mới, bà Tuyết cho rằng có thể thấy nội dung tư tưởng, cảm hứng chủ đạo, đặc trưng thể loại chưa thật cân đối.

Vị chuyên gia giảng dạy môn Ngữ Văn nhận định: “Khác một số đất nước hầu như không phải đối phó với những cuộc chiến tranh vệ quốc liên miên.

Người dân trong đất nước Việt Nam ít nhất phải làm 3 việc gồm lao động, sáng tạo xây dựng đất nước; chiến đấu bảo vệ đất nước; sống với nhau, yêu thương nhau, làm khổ nhau nữa...với đồng thời cả những phẩm chất và thói hư tật xấu trong tâm lý, tính cách”.

Bà Tuyết cho rằng, trong 6 tác phẩm bắt buộc thì ngoại trừ "Truyện Kiều", 5 tác phẩm còn lại đều phản ánh tinh thần quật cường, bất khuất, ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt trong và sau những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

“Đọc chương trình, tôi thấy tự hào về truyền thống ngàn năm bất khuất, mà vẫn không khỏi băn khoăn khi cả 5 tác phẩm đều mang cảm hứng sử thi, hướng về vận mệnh cộng đồng, ca ngợi những phẩm chất cộng đồng, phản ánh những nỗi đau và vẻ đẹp cộng đồng....

Vậy học sinh tìm đâu cái đời thường bình dị, nhọc nhằn, đa đoan đa diện của cuộc sống nhân sinh thế sự, tìm đâu con người cá nhân với cả vẻ đẹp, góc tối khuất và những nỗi đau”, TS Tuyết bày tỏ quan điểm.

Nữ chuyên gia này cho rằng không chỉ nội dung cảm hứng, thể loại cũng là vấn đề cần suy nghĩ. Bà Tuyết phân tích 6 tác phẩm tập trung vào hai thể loại là Thơ và Văn chính luận.

TS Tuyết cho rằng yếu tố thời đại cũng cần đặt ra khi ngoại trừ "Tuyên ngôn độc lập năm 1945", còn tất cả đều thuộc văn học trung đại.

"Còn rất nhiều tác phẩm đưa vào chương trình tự chọn, tuy nhiên có nên chăng phác họa gương mặt tinh thần của dân tộc đầy đặn hơn ngay trong những nét khái lược nhất của các tác phẩm bắt buộc?", TS Tuyết đặt câu hỏi.

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn