Chỉ 2/3 trường đào tạo CNTT đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp

Giáo dụcThứ Bảy, 19/09/2015 10:39:00 +07:00

Bộ TT&TT đánh giá có 2/3 số trường đào tạo về Công nghệ thông tin đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

(VTC News) - Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá chỉ có 2/3 số trường đào tạo về Công nghệ thông tin đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Báo cáo HR Insider 6 tháng đầu năm 2015 của Vietnamworks cho thấy ngành công nghệ thông tin (CNTT) là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất với 1.200 việc làm tăng thêm so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ 2/3 số trường đào tạo về CNTT đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Nhân lực có chất lượng của ngành công nghệ thông tin luôn thiếu
Nhân lực có chất lượng của ngành công nghệ thông tin luôn thiếu 

Trong khi đó, năm 2015, riêng tập đoàn FPT cho biết có nhu cầu tuyển dụng 7.000 người cho các vị trí từ sinh viên thực tập, nhân viên chính thức tới những vị trí lãnh đạo cấp cao trong các khối kỹ thuật, công nghệ, kinh tế. 

Khi nhận hồ sơ của ứng viên, tập đoàn này không quan trọng ứng viên tốt nghiệp trường nào mà yếu tố quan trọng hàng đầu là năng lực của ứng viên phải đáp ứng được vị trí cần tuyển.

Tuy nhiên, với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực CNTT cũng như hoạt động kinh doanh trải rộng trên toàn cầu, có một số trường đại học (ĐH) mà sinh viên có lợi thế khi nộp hồ sơ vào FPT, chẳng hạn như ĐH Bách khoa, ĐH FPT, ĐH Quốc gia, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh…

Theo số liệu thống kê nhân sự của tập đoàn này, hiện FPT có 8.250 nhân viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, công nghệ đang làm việc, chiếm 33,6% tổng số nhân viên toàn tập đoàn. Trong đó, các  nhân viên tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội chiếm số lượng đông nhất, tiếp đến là ĐH FPT và Học viện Bưu chính Viễn thông .

Một số doanh khác cũng quan tâm tới các sinh viên  nghiệp công nghệ thông tin thuộc các trường đại học đào tạo ngành này.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết đối với những ứng viên tuyển vào các vị trí thuộc khối ngành CNTT – Viễn thông, sinh viên thuộc các trường như: ĐH Bách Khoa; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia), ĐH FPT, ĐH Khoa học tự nhiên được đánh giá cao.

Với mục tiêu mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, đại gia công nghệ Samsung cũng đang thực hiện những đợt tuyển dụng lớn tại các trường đại học trên toàn quốc.

Đối tượng tuyển dụng của đại gia này là các kĩ sư, cử nhân tốt nghiệp Đai học năm 2012, 2013 và 2014 của các trường ĐH nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam như ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp Hà Nội…

Tại một số trường trọng điểm với nguồn nhân lực công nghệ, kĩ thuật chất lượng cao, đại diện của Samsung đã đến tận nơi để chia sẻ về những cơ hội việc làm để thu hút sinh viên.

Sinh viên học công nghệ thông tin phải thành thạo nghề mới có cơ hội việc làm ưng ý

Sở dĩ sinh viên các trường thuộc khối kỹ thuật được các doanh nghiệp CNTT thông tin ưu ái khi tuyển dụng một phần do đặc thù của ngành nhưng một phần quan trọng hơn là “tố chất” có trong bản đồ GEN của nhóm sinh viên này.

Tài liệu nghiên cứu “Những CEO điều hành tốt nhất trên thế giới” (The Best-Performing CEOs in the World) của Harvard Business Review (HBR) vừa được công bố đã cho thấy có 24 CEO trong số 100 CEO giỏi nhất thế giới từng tốt nghiệp các ngành kỹ thuật.

Cũng theo tài liệu này, các CEO thuộc nhóm ngành kỹ thuật có được ba tố chất ưu việt đó là lối suy nghĩ thực tế, thực dụng; khả năng phân tích, giải quyết vấn đề một cách hệ thống và có góc nhìn vừa tổng thể vừa chi tiết.

Chia sẻ về cơ hội việc làm của sinh viên công nghệ, ông Nguyễn Lâm Phương, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT từng cho biết bản chất sinh viên là không có kinh nghiệm nên doanh nghiệp ít khi phàn nàn về kinh nghiệm làm việc.

Tuy nhiên, hai điểm yếu cơ bản của sinh viên mới ra trường chính là ngoại ngữ và kỹ năng mềm (khả năng phối hợp nhóm thuyết trình...). Đây là một bất lợi lớn bởi càng ngày công việc trong ngành CNTT càng mang tính toàn cầu như hiện nay.

Theo một khảo sát đối với lao động mới ra trường, chỉ có 5% tự tin về khả năng tiếng Anh, nhưng lại có đến 27% thừa nhận kém toàn diện về ngoại ngữ.

Trong khi đó, một thống kê của Trung tâm tin học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã chỉ ra rằng 42% sinh viên ngành CNTT thiếu kỹ năng mềm và 70% sinh viên vào làm phải được các doanh nghiệp đào tạo lại.

Vì vậy, các nhà tuyển dụng khuyến nghị song song với việc đào tạo chuyên môn, các trường ĐH, đặc biệt là khối kĩ thuật, công nghệ nên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nhật) cho sinh viên.

Bên cạnh đó, việc đào tạo thêm các kỹ năng mềm cũng rất cần thiết để sinh viên có đủ hành trang bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp tại các doanh nghiệp.

Để rút ngắn khoảng cách giữa việc đào tạo đại học và yêu cầu công việc thực tế, nhiều doanh nghiệp CNTT đã chủ động tìm đến các trường ĐH với các chương trình hợp tác đào tạo, tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và trao các cơ hội việc làm cho sinh viên.

Chẳng hạn, FPT Software đã ký nhiều hợp tác với một số trường đại học như ĐH Hà Nội, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Công nghệ TP HCM để cung cấp nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho công ty và cho tập đoàn.

Bên cạnh đó, trong gần 3 năm nay, tập đoàn FPT cũng đã tổ chức chuỗi chương trình giao lưu giữa lãnh đạo tập đoàn với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc với tên gọi “FPT CEO Talk”. Chương trình nhằm giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm thành công và mang lại các cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên.

Vân Anh

Bình luận
vtcnews.vn