Chết sau phẫu thuật thẩm mỹ ở EMCAS: Bác sĩ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Pháp luậtThứ Ba, 22/10/2019 07:44:00 +07:00

Dù không bị kiện, bác sĩ của bệnh viện EMCAS vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu 2 bệnh nhân chết sau phẫu thuật là do lỗi của họ.

Ngày 17/10, một bệnh nhân chết sau nâng ngực tại BV thẩm mỹ EMCAS (quận 10, TP.HCM). Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân đều có đơn bãi nại.

Hiện, bệnh viện này vẫn hoạt động bình thường và tạm dừng thực hiện các kỹ thuật sử dụng phương pháp vô cảm liên quan gây mê theo yêu cầu của Sở Y tế TP.HCM. Cơ quan điều tra và Hội đồng chuyên môn (Sở Y tế) đang tiến hành làm rõ nguyên nhân gây chết người.

Vậy trong trường hợp bệnh nhân bãi nại, bác sĩ có phải chịu trách nhiệm?

Xử lý hình sự nếu có sai sót trong phẫu thuật

Luật sư Hà Ngọc Tuyền (Văn phòng luật sư Hà Tuyền) cho rằng để truy cứu trách nhiệm trong hai vụ việc này, cần xem xét hai yếu tố. Thứ nhất là giấy phép hành nghề của bác sĩ và giấy phép hoạt động của cơ sở y tế trong lĩnh vực thẩm mỹ, cụ thể ở đây là căng da mặt.

Thứ hai là quy trình giải phẫu, bao gồm trước, trong, sau phẫu thuật, có đúng theo quy định của Bộ Y tế hay không.

Phải xem giám định pháp y đánh giá bệnh nhân sốc phản vệ là lỗi thiếu sót trong quy trình hay chết vì bệnh lý”, luật sư Tuyền nêu quan điểm.

Theo luật sư, nếu kết luận của hội đồng chuyên môn (Sở Y tế) cho thấy lỗi do bác sĩ phẫu thuật làm sai quy trình thì có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, hành vi này có thể truy cứu theo Điều 129 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, có khung phạt tù từ 1-5 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Cam kết tham gia phẫu thuật của bệnh nhân hay đơn bãi nại của gia đình đều không có ý nghĩa trong trường hợp này”, vị luật sư nhận định.

emcas

Một nữ bệnh nhân tử vong hôm 17/10 sau khi nâng ngực tại Bệnh viện EMCAS (quận 10). (Ảnh: Trương Khởi) 

Chia sẻ quan điểm, luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích dấu hiệu của tội này bao gồm: Có hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi đó và hậu quả chết người; lỗi vô ý do cẩu thả hoặc quá tự tin.

Bệnh viện sẽ liên đới trách nhiệm dân sự, bồi thường cho gia đình bị hại và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự vì đã phê duyệt quy trình phẫu thuật.

Trong trường hợp bác sĩ đã dự liệu các nguy cơ nhưng bệnh nhân vẫn quyết tham gia phẫu thuật và tử vong do bệnh lý, hoặc nếu bệnh nhân không cung cấp đủ thông tin bệnh lý trước phẫu thuật thì bác sĩ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư cho rằng cũng không loại trừ khả năng nguyên nhân tử vong đến từ quá trình bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại các bệnh viện khác sau khi có triệu chứng bất thường.

Chưa có cơ sở tạm đình chỉ hoạt động bệnh viện

Trao đổi với Zing.vn, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết các bệnh viện đều đã được cấp phép hoạt động trên địa bàn và được phép thực hiện các thủ thuật có gây mê. Do đó, sở chưa có cơ sở đình chỉ hoạt động của các đơn vị này.

Tuy nhiên, Sở đã yêu cầu bệnh viện dừng thực hiện các thủ thuật liên quan đến gây mê để rà soát quy trình và báo cáo.

Về việc bệnh viện này vẫn hoạt động bình thường dù có bệnh nhân tử vong tại đây, luật sư Đỗ Ngọc Thanh cho biết doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thẩm mỹ viện là loại hình kinh doanh có điều kiện, nếu doanh nghiệp hoạt động không có giấy phép thì mới bắt buộc phải đình chỉ.

"Nếu phát hiện bệnh viện không có giấy phép chuyên môn trong lĩnh vực thẩm mỹ thì cần tạm đình chỉ. Còn BV có giấy phép và sự việc chưa xác định nguyên nhân thì BV vẫn hoạt động bình thường cho đến khi có kết luận điều tra", luật sư Tuyền nói thêm.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng cho rằng cần chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn mới có thể chỉ đạo hướng xử lý với các cơ sở y tế này.

"Tùy vào nguyên nhân, nếu họ chỉ định đúng, làm đúng và việc nạn nhân tử vong là sự cố thì không có cơ sở để xử lý", BS Thượng nói.

 

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn