Chết hụt vì những hũ cà muối siêu rẻ

Kinh tếThứ Tư, 20/06/2012 12:20:00 +07:00

(VTC News) – Không phải ai cũng biết tới những chiêu trò để có thể muối cà “siêu tốc” cho dù đây là món ăn khá dân dã và gần như ai cũng biết làm.

(VTC News) – Không phải ai cũng biết tới những chiêu trò để có thể muối cà “siêu tốc” cho dù đây là món ăn khá dân dã và gần như ai cũng biết làm.


Với giá chỉ 5.000 đồng/kg quả cà, nếu tự mua về muối, có lẽ chỉ 1 kg thôi là đủ cho gia đình với khoảng 4 thành viên của bạn ăn cả tuần.


Mấy ai nghĩ rằng những quả cà có giá “bèo” đến thế, dễ chế biến đến vậy và nguyên liệu để chế biến món cà muối cùng chẳng đắt đỏ gì cho cam, nhưng lại có thể cướp đi cả tính mạng của con người.

Trên thực tế, không ít người để tối đa hóa lợi nhuận trong kinh doanh đã biến món ăn ngon, bổ, rẻ này trở thành “lưỡi hái” của tử thần.

Hũ cà/dưa muối không hề được che đậy cẩn thận  

Ai cũng biết, tìm mua quả cà với số lượng lớn không phải là khó. Tại một số vùng nông thôn, người ta thậm chí còn cho nhau cả rổ cà đủ để bạn thấy giá trị của chúng chưa tới mức khiến người ta phải đắn đo, suy nghĩ khi cho không ai đó.


Có mặt tại nhà bà T ở làng Nha (Long Biên, Hà Nội), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi cà sau khi được thu hoạch ngoài ruộng về được đổ đầy ra hè, ra sân, chó vờn qua, gà đá lại.

Bà T cho biết: “Sau khi thu hoạch từ ruộng về, tôi đổ hết chúng ra sân, hè rồi mới đóng bì, đem bán cho người ta. Cứ để vậy thôi, chả phải rửa ráy gì cả. Ngay đến những người chuyên muối cà họ có khi còn chẳng thèm rửa ấy chứ.

Chỉ khi cái bẩn nó lồ lộ ra ngoài, ví dụ, gà ị bậy lên hay chó tè dầm ra đó, tôi mới rửa qua cho người ta đỡ ghê khi vận chuyển mà thôi”.

Khi được hỏi về bí quyết nuôi trồng để có sản lượng cà “hơn người” như thế, bà T chẳng ngần ngại cho biết: “Bây giờ cái gì chả phải nhờ tới thuốc trừ sâu, các loại thuốc hóa học. Không thế thì có mà ăn cám à”.

Chạy theo lợi nhuận, nhiều nhà chế biến cà muối làm ngơ trước sức khỏe của khách hàng 

Bản thân bà T thừa nhận, bà cũng biết nếu trong quá trình nuôi trồng mà sử dụng thuốc trừ sâu quá liều thì rau, củ, quả khi thu hoạch sẽ có độc tính, gây hại cho người tiêu dùng.


Nhưng bà T chậc lưỡi nói: “Về lý thuyết thì là như vậy, nhưng trên thực tế, có mấy ai tuân thủ nguyên tắc ấy đâu. Nhà tôi còn có lương tâm đấy, một tuần sau ngày cuối cùng phun thuốc mới thu hoạch cà, chứ nhiều nhà …”.

Khi lương tâm bị lợi nhuận đè bẹp

Theo tiết lộ của chị Lựu, người bán hàng tại một chợ cóc ở Hai Bà Trưng (Hà Nội), nhiều người vì chạy theo lợi nhuận đã tận thu những quả cà bị dập, hư hoặc kém chất lượng với giá rẻ để chế biến món cà/dưa muối rồi tung ra thị trường.

Tuy nhiên, điều đáng sợ hơn cả có lẽ là ở khâu chế biến và những thứ mà người ta cho vào món ăn vốn đã siêu rẻ này.

Dù đã xuất hiện váng, cặn nổi trên bề mặt, nhưng cà muối vẫn được bày bán 

“Tôi chưa từng nghĩ một ngày nào đó sẽ bị chết hụt vì ăn món khoái khẩu – cà muối. Thế nhưng điều ấy đã xảy ra khi tôi ăn phải mấy miếng cà bị nhiễm khuẩn gây bệnh mua tại một hàng quán ven đường ở gần nhà (khu vực gần Viện E, Cầu Giấy, HN – pv).


Theo bác sĩ, người chế biến đã không rửa sạch sẽ cà, dụng cụ chứa chúng bị nhiễm ký sinh trùng hoặc vi khuẩn gây bệnh chính là nguyên nhân khiến tôi phải truyền nước từ hơn 3 ngày nay.

Mất gần một triệu đồng chỉ vì mấy quả cà muối thối. Thật là ức!”, chị Tú Lan – một tín đồ của món cà muối cho biết khi đang nằm điều trị tại một phòng khám gần nhà.


Qua tìm hiểu, được biết, để bào quản dưa, cà muối lâu, tránh mốc, nhiều nhà sản xuất thậm chí còn sử dụng cả chất chống thối. Một số cơ sở còn sử dụng màu công nghiệp để tạo màu sắc hấp dẫn cho cà bị muối xổi.

Cà muối được ủ đúng thời gian sẽ có màu vàng và trắng ngà, giòn, không hăng, tươi màu, nhưng tại nhiều chợ cóc trên địa bàn Hà Nội hiện nay, các tiểu thương lại bày bán nhiều loại cà với màu sắc và thời gian muối khác nhau chỉ để …chiều lòng khách.


Trên thực tế, không ít người để tối đa hóa lợi nhuận trong kinh doanh đã biến món ăn ngon, bổ, rẻ này trở thành “lưỡi hái” của tử thần 

Theo các nhà chuyên môn, thời gian thích hợp để ủ dưa phải kéo dài khoảng 1-2 tuần, còn cà phải từ 3 – 4 ngày. Trên thực tế, nhiều người chỉ cần 1 – 2 giờ đồng hồ là đã có hũ cà muối mới mang ra chợ bán.


Với khoảng thời gian ngắn như thế, dịch dưa/cà muối không đủ mạnh (chưa lên men) để diệt những vi khuẩn gây bệnh. Điều tất yếu, món cà muối “siêu tốc” đó sẽ gây hại cho người dùng.

Không khó để bắt gặp cảnh người bán đựng dưa/cà muối trong những chiếc thùng, xô nhựa, không hề được che đậy dù các chuyên gia từng cảnh báo chất phụ gia trong đồ nhựa có thể sẽ hòa tan vào dịch dưa muối và gây hại cho người sử dụng.

Chị L, một người chuyên bán cà muối ở chợ cóc của làng Nha vừa thoăn thoắt bổ cà mới cho vào hũ cà muối đã vơi đi vừa nói: “Biết là vậy, nhưng lọ bằng sành sứ không sẵn và thường thì chúng tôi tiện cái gì, dùng cái đó thôi.

Chúng tôi có phải nhà khoa học đâu mà biết mấy chuyện đó. Nhiều người mua cũng có biết đâu. Người ta vẫn cứ mua về ăn đó thôi”.
Món dưa muối ủ không đủ thời gian sẽ có vị hăng, cay. Tốt nhất, không nên sử dụng loại dưa muối này. Lưu ý nữa là món dưa muối, cà muối để khá lâu, xuất hiện nấm mốc trên bề mặt cũng tuyệt đối không sử dụng.

Nếu quan sát bằng mắt thường, thấy váng hay cặn nổi trên bề mặt, bám vào dưa, cà thì đừng tiếc rẻ mà nên bỏ đi là vừa. Nếu gặp phải món dưa muối không đạt được vị chua, có mùi hôi thì tuyệt đối không dùng.

Dụng cụ đựng dưa muối cũng đóng vai trò an toàn cho món ăn này. Tốt nhất dưa muối nên đựng trong lọ bằng sành sứ vì chất liệu này không phản ứng với dịch acid trong dưa muối.

Đầu tháng 5 vừa qua, một vụ ngộ độc cà pháo muối đã xảy ra trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, với gần 50 người mắc.



Bài, ảnh: Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn